Bắt lỗi Bình Định vì “thả tay” bán khoáng sản

(Dân trí) - Cấp phép khai khoáng kiểu xin - cho, tràn lan, buông lỏng quản lý hoạt động khai thác sau cấp phép, để mất hàng ngàn ha rừng phòng hộ vì khai thác chế biến titan… Thanh tra Chính phủ “bắt lỗi” lãnh đạo tỉnh Bình Định trong cuộc thanh tra mới đây.

Ngày 16/4, Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo thông báo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng quý I năm 2013 và kế hoạch công tác quý II năm 2013. Tại buổi họp báo, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2004 đến năm 2011.

Kết luận thanh tra thể hiện, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch khoáng sản còn nhiều hạn chế. UBND tỉnh Bình Định không lập quy hoạch khoáng sản (titan) thuộc thẩm quyền cấp phép của địa phương và chưa thực hiện việc khoạch định vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ bất cập khi thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản rườm rà, phức tạp, tạo ra cơ chế xin - cho, dễ phát sinh tiêu cực. Cụ thể, cấp giấy phép khai thác khoáng sản cấp không đúng quy hoạch, không có quy hoạch, không thẩm định thiết kế cơ sở hoặc không được cơ quan chuyên môn tham vấn về thiết kế cơ sở vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường.
Bắt lỗi Bình Định vì “thả tay” bán khoáng sản
Những cánh rừng phòng hộ tan nát, bờ biển lở lói vì hoạt động khai thác titan vi phạm quy định ở Bình Định.

Tỉnh Bình Định còn để cho tình trạng khai thác, chế biến quặng titan vào hàng ngàn ha rừng phòng hộ ven biển; cấp phép khai thác titan chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng.

Công tác quản lý hoạt động khoáng sản sau cấp phép bị buông lỏng, để nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng vẫn tiến hành khai thác.

Nhiều doanh nghiệp khai thác không đúng thiết kế không đúng quy trình, quy phạm, khai thác kém hiệu quả, lãng phí tài nguyên khoáng sản; không tiến hành phục hồi môi trường khi giấy phép hết hạn hoặc thu hồi do vi phạm.

Về nội dung quản lý, sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ “bắt lỗi” nhiều dự án giao đất, cho thuê đất vi phạm. Công tác tổ chức xác định giá thu tiền sử dụng đất với một số dự án đầu tư thiếu thực tiễn dẫn đến tình trạng thay đổi phương án nhiều lần, gây tâm lý cho nhà đầu tư cũng như dự án không tốt, thậm chí gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, trong công tác quản lý tài chính, Thanh tra Chính phủ xác định, UBND tỉnh Bình Định và các cấp, các ngành còn chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm hơn 50,7 tỷ đồng, trong đó hơn 50,2 tỷ đồng phải thu về ngân sách Nhà nước và hơn 443,9 triệu đồng phải thoái trả cho các doanh nghiệp...

Sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục rà soát, phân loại diện tích rừng, trước mắt chỉ có khai thác titan tại những diện tích quy hoạch phòng hộ nhưng chưa có rừng, diện tích có cây rừng nhưng hiện trạng thực bì ít và đã được khai thác tận thu titan nhiều lần, diện tích rừng trồng sau năm 2000.

Thanh tra cũng đề nghị tỉnh này không gia hạn hoặc cấp đổi mới với các đơn vị có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng không trực tiếp khai thác, vi phạm quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, không khai thác theo quy trình…

Đồng ý với những kiến nghị đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chấn chỉnh, khắc phục ngay hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật. Bình Định sẽ phải tổ chứ kiểm điểm nghiêm túc các đơn vị, cá nhân sai phạm, đôn đốc thu nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong quý II/2013.

P.Thảo