Bảo vệ chủ quyền - Sự kiện “nóng bỏng” nhất năm 2014

(Dân trí) - Năm 2014 khắc ghi nhiều sự kiện quan trọng với đất nước cũng như mỗi người dân mà điển hình nhất là cuộc đấu tranh với những hành động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông. Khép lại năm 2014, Dân trí xin điểm lại những sự kiện xã hội được quan tâm nhất trong năm.

Đấu tranh với hành động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông

Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam (Trình bày: Ngọc Diệp)

Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam (Trình bày: Ngọc Diệp)

Đã có đến cả ngàn bài báo trong khoảng thời gian 2,5 tháng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan “khủng” Hải Dương 981 vào hạ đặt trong vùng biển của Việt Nam (từ 2/5 đến 16/7/2014), vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đây cũng được xem là sự kiện tác động lớn nhất đến tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong năm qua.

Người dân tại nhiều thành phố, tỉnh thành sục sôi xuống đường tuần hành phản đối hành động của Trung Quốc. Câu chuyện về giàn khoan Hải Dương 981 "cháy" trong huyết quản của người dân Việt ở khắp mọi nơi, mọi thời điểm trong diễn tiến sự việc… Tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan, các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư của ta bền bỉ, quyết liệt đấu tranh.

Các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kịch liệt lên án hành động xâm phạm nghiêm trọng, trắng trợn chủ quyền Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc... Giới nghiên cứu quốc tế cũng như không ít lãnh đạo các nước đã bày tỏ quan điểm về hành động sai trái của Trung Quốc.

Bảo vệ chủ quyền - Sự kiện “nóng bỏng” nhất năm 2014

Trung Quốc huy động hàng chục tàu lớn liên tục dùng vòi rồng công suất lớn tấn công nhưng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư của ta vẫn kiên trì đấu tranh trong hòa bình.

Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên bố với cử tri cả nước: “Việt Nam không chấp nhận việc bất cứ ai, bất cứ nước nào, dù mạnh đến đâu, bắt ta phải nhượng bộ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”. Tại diễn đàn kinh tế thế giới vào cuối tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế khẳng định “Việt Nam luôn mong muốn có hoà bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nhất định không đổi chủ quyền lấy thứ hoà bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc”.

Trao đổi trực tiếp với Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì trong chuyến thăm Việt Nam của ông này giữa tháng 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Lập trường về chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi”.

Đấu tranh cương quyết nhưng khéo léo và tỉnh táo để không mắc bẫy khiêu khích của Trung Quốc, Việt Nam đã buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch của họ.

70 năm quân đội anh hùng, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Tháng 5, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) sôi động và rực rỡ, hòa cùng cả nước không khí kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Nhớ về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ký ức về vị Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại ùa về trong lồng ngực những người lính năm xưa.

Đoàn lính đặc công tham gia lễ diễu binh (ảnh: Hữu Nghị).

Lễ diễu binh, diễu hành mừng chiến thắng Điện Biên tại sân vận động trung tâm thành phố Điện Biên Phủ ngày 7/5/2014.

Tháng 12, cả nước rộn ràng kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Phát biểu tại lễ kỉ niệm sự kiện này, Chủ tịch nước khẳng định, chúng ta chủ trương không đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế, nhưng sẵn sàng tự vệ, đập tan mọi hành động gây hấn, xâm lược và kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Giải cứu thành công 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện

Hơn 80 giờ cứu hộ, cứu nạn 12 công nhân mắc kẹt tronghầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chôm (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) là một hành trình vô cùng gian khó, hiểm nguy. Gần 800 con người được huy động, cùng nỗ lực 82 giờ quên ăn quên ngủ, quyết tâm chạy đua với “tử thần”.

Tất cả đã được đền đáp khi một ngách hầm thoát hiểm thông thành công, 12 công nhân mắc kẹt được đưa ra ngoài an toàn.

(Đồ họa: Ngọc Diệp)

(Đồ họa: Ngọc Diệp)

Khoảnh khắc “tái sinh” kỳ diệu ấy, không chỉ 12 nạn nhân, hàng trăm người tham gia giải cứu, hàng chục người thân nạn nhân mà cả hàng triệu người trên cả nước cũng nghẹn ngào niềm hạnh phúc.

Các nạn nhân được cấp tốc đưa vào lán trại dã chiến chăm sóc sức khỏe

Khoảnh khắc "tái sinh" kỳ diệu 12 công nhân mắc kẹt. (Ảnh: Viết Hảo)

Xử hàng loạt đại án tham nhũng

Đầu tháng 1/2015, cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng, cựu Tổng Giám đốc Mai Văn Phúc nhận án tử hình về tội tham ô 1,666 triệu USD, cố ý làm trái trong thương vụ mua bán ụ nổi 83M gây thất thoát gần 700 tỷ đồng của nhà nước. Cuối tháng 1, vụ án của Huỳnh Thị Huyền Như với số tiền chiếm đoạt đến gần 4.000 tỷ đồng cũng khép lại với án tù chung thân dành cho nữ trưởng phòng giao dịch của Vietinbank. Tháng 5, vụ án tại ngân hàng Á châu ACB đi đến kết quả sau cùng với bản án 30 năm tù dành cho “ông trùm” Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên)… Các phiên xử phúc thẩm sau đó đều giữ nguyên mức án nghiêm khắc dành cho các bị cáo. Niềm tin vào quyết tâm phòng chống tham nhũng một lần nữa được củng cố.

Dương Chí Dũng (trái) lĩnh án tử hình về tội tham ô, cố ý làm trái. 

Dương Chí Dũng (trái) lĩnh án tử hình về tội tham ô, cố ý làm trái. 

Án oan 10 năm và cuộc chiến với án oan sai

Ngồi tù hơn 10 năm sau khi bị kết tội giết người, ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang may mắn có cơ hội được minh oan (vì trước đó có bố là liệt sĩ nên mới được hạ án từ tử hình xuống tù chung thân). Việc sát nhân thực sự trong vụ án mạng 10 năm trước ra đầu thú làm lộ ra rất nhiều vấn đề trong các khâu “làm án” của các cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Đó là câu hỏi day dứt mình suốt từ khi xảy ra vụ án oan thảm khốc của ông Nguyễn Thanh Chấn.

Ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan sau hơn 10 năm ngồi tù vì bị kết tội giết người.

Dư luận tiếp tục nêu nghi vấn “còn bao nhiêu thỏ bị biến thành gấu” khi liên tiếp nhiều vụ việc nặng tiếng ta thán, kêu oan khác nổ ra như kỳ án vườn mít, vụ Huỳnh Văn Nén… Quốc hội yêu cầu rà soát lại toàn bộ những vụ án có việc kêu oan kéo dài. Nhiều kiến nghị để chống án oan được đưa ra như lắp camera trong phòng hỏi cung, quy định về quyền im lặng của bị can bị cáo…

Hoàn thành nhiều công trình trọng điểm

Năm 2014, nhiều công trình giao thông, xây dựng trọng điểm hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Trong đó phải kể đến công trình Nhà Quốc hội đã hoàn thành với rất nhiều con số “kỷ lục”, trong đó tổng mức đầu tư công trình là 7.000 tỷ đồng. Nhà Quốc hội đã trở thành công trình trụ sở cơ quan nhà nước lớn nhất từ ngày lập nước tới nay.

Cầu Nhật Tân có tổng chiều dài 8,93 km, là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam và là 1 trong 3 cầu trên thế giới có 5 nhịp cầu dây văng liên tục.

Cầu Nhật Tân

1 trong 3 cầu trên thế giới có 5 nhịp cầu dây văng liên tục.

 T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, nhà ga hành khách lớn và hiện đại nhất Việt Nam, chính thức có chuyến bay “mở hàng” vào ngày 25/12/2014. Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam kỳ vọng, nhà ga T2 sẽ được đánh giá ở hạng tốt nhất của thế giới.

Kết luận về sai phạm nhà đất của ông Trần Văn Truyền

Nghi vấn về việc lợi dụng chính sách đãi ngộ để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình, sống phô trương với biệt thự hoành tráng… được đặt ra với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và khi UB Kiểm tra Trung ương vào cuộc đã công bố kết luận kiểm tra thẳng thắn, nghiêm khắc vào cuối tháng 11 vừa qua. Những tài sản vi phạm đã bị thu hồi, người vi phạm bị đề nghị kỷ luật cảnh cáo về Đảng, cơ quan chức năng cũng khẳng định sẽ làm tiếp vấn đề bổ nhiệm tràn lan 60 cán bộ của ông Truyền ít tháng trước khi nghỉ hưu. 

Cùng với sự việc của ông Truyền vấn đề sử dụng nhà công vụ, nhất là việc không trả nhà của không ít cán bộ khi nghỉ hưu cũng làm dư luận bất bình. 

Sẽ kiểm tra khối tài sản của con trai ông Trần Văn Truyền

Dinh thự tại TP Bến Tre đứng tên con trai nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. (Ảnh: Minh Giang)

JTC hối lộ 16,4 tỷ đồng

Cuối tháng 3/2014, báo chí Nhật Bản đưa tin về những khai nhận của Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn giao thông vận tải Nhật Bản (JTC) về việc đã hối lộ các lãnh đạo đường sắt Việt Nam 80 triệu yen (tương đương 16,4 tỷ đồng Việt Nam) nhằm giành được hợp đồng tư vấn thiết kế cho dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật.

Tháng 5/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Từ năm 1993 đến nay, JTC đã tham gia thực hiện nhiều dự án của Việt Nam

Từ năm 1993 đến nay, JTC đã tham gia thực hiện nhiều dự án của Việt Nam(ảnh: Báo GTVT)

Hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp
 
Tháng 7/2014, một báo cáo của cơ quan chức năng nêu ra thực tế tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ đại học trở lên gia tăng mạnh. Chỉ trong quý I, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó có 162.000 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và 79.000 người tốt nghiệp cao đẳng cũng không tìm được việc làm. 

Sinh viên có bằng đại học vẫn rất khó tìm việc trong bối cảnh kinh tế khó khăn (ảnh minh họa).

Hàng trăm nghìn sinh viên ra trường có nguy cơ không kiếm được việc làm (Ảnh minh họa)

Do kinh tế khó khăn, hàng trăm nghìn DN phá sản trong khi mỗi năm vẫn có khoảng 800.000 sinh viên ra trường, chỉ 70-80% số này xin được việc làm nên thực tế hàng trăm nghìn cử nhân ra trường phải đi bán bánh mỳ, chạy xe ôm hay… nằm nhà là một thực tế. 

Nhóm phóng viên Xã hội