1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

“Bão” sốt xuất huyết đổ bộ “xã ung thư”

(Dân trí) - Trong khoảng mấy năm lại đây, 40 người dân xã Diễn Hải, Diễn Châu đã phải chết vì bệnh ung thư. Chưa hết bàng hoàng, nghi ngại về những cái chết nói trên, người dân nơi đây lại phải gánh chịu dịch sốt xuất huyết đổ bộ, hoành hành...

Chết ung thư vẫn còn bí hiểm!

 

Bà Lê Thị Thảo, quyền Trưởng trạm y tế xã Diễn Hải cho biết: “Một thời gian dài người dân rất hoang mang về căn bệnh ung thư mà người làng mình mắc phải. Có gia đình 2 - 3 người chết trong một năm, thậm chí là một tháng. Số chết vì bệnh này chủ yếu là ở độ tuổi trung niên.

 

Dân trong xã lo lắng tột độ. Thậm chí nhiều nơi còn “đưa chuyện” về xã tôi rằng: “ra ngõ gặp ung thư”, rồi đây sẽ thành làng ung thư, xã ung thư...”.

 

Theo một cán bộ Sở Y tế Nghệ An, đúng là trong khoảng 5 năm vừa qua, Diễn Hải là xã có số người chết về ung thư tương đối nhiều. Số người chết này chủ yếu tập trung vào xóm 9 và 10.

 

Trước hiện tượng bất thường trên, ngày 13/2/2006, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn yêu cầu Sở Y tế Nghệ An kiểm tra xác minh và xử lý. Sở Y tế đã cử cán bộ về xác minh và có ý kiến: Tổng số người tử vong trên toàn xã Diễn Hải trong khoảng từ năm 2001-2005 là 250 người, trong đó chết vì ung thư (K) 40 người, chiếm 16%. Riêng ở xóm 9, 10 có đến 23 người chết do căn bệnh quái ác này.

 

Tuy nhiên, Sở Y tế cũng chưa có được kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư tại Diễn Hải. “Yếu tố gây bệnh ung thư chưa tìm thấy, hiện tại chưa kết luận được bệnh ung thư tại xã Diễn Hải là do nguyên nhân gì. Tuy xét nghiệm hoá chất bảo vệ thực vật âm tính, song 2 xóm trên nằm dưới nguồn nước chôn hoá chất bảo vệ thực vật” - một cán bộ Sở Y tế cho biết.

 

Theo điều tra của Dân trí thì năm 1976, HTX nông nghiệp có mua một loại hoá chất bảo vệ thực vật (không rõ loại thuốc gì) từ miền Nam về để dùng trong nông nghiệp nhưng không sử dụng hết, còn khoảng 400 - 600kg và đã chôn lấp vào năm 1982 trên địa bàn xã Diễn Hải.

 

Mặt khác, xã Diễn Hải có kênh thuỷ lợi chảy qua, khu vực này thường có các xác súc vật chết từ các nơi khác trôi dạt về (vì đoạn kênh này gấp khúc nên dòng chảy dừng ở đây).

 

Thêm nữa, hàng năm người dân nơi đây cũng sử dụng khoảng 500 - 1.000kg hoá chất bảo vệ thực vật như Pi58, Xăngtômít, bátsa... Rất có thể những nguyên nhân trên là mầm bệnh dẫn đến căn bệnh ung thư của người dân.

 

Nỗi lo “bão” sốt xuất huyết

 

Nỗi lo lắng về những cái chết vì ung thư chưa được “giải mã” thì hơn một tháng nay, người dân nơi đây lại gánh chịu “đại dịch” sốt xuất huyết. “Ca đầu tiên xuất hiện khoảng trung tuần tháng 6. Sau đó là hàng loạt ca khác. Có ngày cao điểm lên đến gần 10 ca. Sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở xóm 4, ngoài ra xóm 3, 5 cũng có vài ca” - quyền Trưởng trạm y tế xã Diễn Hải Lê Thị Thảo cho biết. 

 

Tính đến nay thì trên toàn xã có gần 100 ca bị sốt. Rất may là không có ca nào tử vong hay nặng phải chuyển đi tuyến trên. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái thì năm nay số người mắc sốt xuất huyết tăng gần gấp đôi.

 

Khi chúng tôi có mặt tại trạm xá xã Diễn Hải thì nhiều bệnh nhân đã được chuyển về nhà điều trị. Một bệnh nhân nam kể: “Mấy hôm trước chú mà về thì nơi đây chật cứng người. Thậm chí trạm xá không có nơi để cho bệnh nhân điều trị, phải kê bàn để nằm...”.

 

Theo một cán bộ Phòng Y tế huyện Diễn Châu thì đến thời điểm này dịch đã tạm được đẩy lùi. Nhưng về lâu dài cần phải tiêu diệt dứt điểm ổ dịch và tuyên truyền cho người dân về công tác vệ sinh môi trường...

 

Theo các nghiên cứu gần đây, năm 2006 có nhiều nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn tại nhiều địa phương. Nghệ An, Diễn Châu luôn là huyện trọng điểm về sốt xuất huyết. Dịch này thường có chu kỳ 3-5 năm. Năm 2001 tại Diễn Châu đã xảy ra dịch ở 2 xã với 420 người mắc; năm 2002 là 382 người mắc; năm 2003 có 252 người mắc... Do đó năm 2006 có thể là năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết.

 

Diễn Hải là một xã nghèo nhưng đang phải oằn mình gánh chịu tai hoạ ung thư rồi dịch sốt xuất huyết. Việc khảo sát nguồn nước sinh hoạt và giúp xã này xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch an toàn là điều cần làm ngay. Mặt khác, các ban ngành liên quan cũng cần kiểm tra lại loại hoá chất đã chôn trước đây là thuốc gì và lập đề án xử lý.

 

Người dân cũng mong Bộ Y tế cử đoàn chuyên gia khảo sát, nghiên cứu và có kết luận chính thức về yếu tố gây bệnh để nhân dân phòng ngừa và yên tâm sinh sống.

 

Đặng Nguyên Nghĩa