Bạo lực gia đình thể hiện sự "thủng đáy" về đạo đức xã hội

(Dân trí) - "Có thể đánh giá các vụ bạo lực gia đình thông qua các vụ thảm án xảy ra gần đây cho thấy báo động về sự xuống cấp, sự thủng đáy về đạo đức xã hội,.." - ông Đào Trung Hiếu, Chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm học, Bộ Công an đánh giá.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc bạo hành, bạo lực gia đình, mâu thuẫn giữa anh em, vợ chồng… gây ra hậu quả đáng tiếc, khiến dư luận phẫn nộ và báo chí cũng đề cập nhiều.

Điển hình như vụ việc xảy ra ở huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội, do mâu thuẫn, tranh chấp đất đai. Hay vụ việc một võ sư đánh vợ, dù người phụ nữ này đang bế con nhỏ. Và mới đây nhất là vụ việc một người chồng đẩy chính vợ mình xuống bể nước, bóp cổ, đánh và nhấn nước xảy ra tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh…

Bạo lực gia đình thể hiện sự thủng đáy về đạo đức xã hội - 1

Hình ảnh người chồng là võ sư hành hung vợ khi đang ôm con nhỏ ở Hà Nội.

Tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Đạo đức lối sống hiện nay nhìn từ các vụ bạo lực gia đình” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 1/10, ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2018, ở Việt Nam có khoảng 20.000 vụ bạo lực gia đình xảy ra, trong đó, cứ đến 2-3 ngày lại có 1 người chết vì bạo lực gia đình, phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Đây là thực trạng rất đáng buồn và báo động.

Bạo lực gia đình thể hiện sự thủng đáy về đạo đức xã hội - 2

Quang cảnh buổi tọa đàm.

"Chúng ta nghĩ rằng gia đình là tổ ấm, là nơi khi người ta gặp bất kỳ khó khăn gì có thể lui về tận hưởng hạnh phúc trong gia đình, thì bây giờ nơi chúng ta nghĩ đó nó lại không phải là nơi an bình và hạnh phúc nữa, đây là điều đáng buồn trong xã hội ngày nay. Bạo lực trong gia đình phản ánh vấn đề của xã hội, do đó, chúng ta cần phải xử lý từ câu chuyện gia đình" - ông Bùi Hoài Sơn nói.

Cũng tại cuộc tọa đàm trên, ông Đào Trung Hiếu – Chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm học, Bộ Công an thông tin: Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình 1 năm ở Việt Nam xảy ra khoảng 1.200 vụ giết người, trong đó có 90% nguyên nhân các vụ giết người xuất phát từ vấn đề xã hội, số lượng các vụ án mạng xảy ra trong gia đình chiếm từ 18-20%, đây là con số rất cao. Bạo lực gia đình diễn ra ở rất nhiều khía cạnh: từ bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục,… mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

"Có thể thấy rằng, bạo lực gia đình đang diễn biến phức tạp trong xã hội Việt Nam hiện nay, và nó đang phản ánh một vấn đề bất thường của xã hội hiện nay. Xu hướng sử dụng bạo lực trong cách hành xử ở cộng đồng đang gia tăng. Có thể đánh giá các vụ bạo lực gia đình thông qua các vụ thảm án xảy ra gần đây cho thấy báo động về sự xuống cấp, sự thủng đáy về đạo đức xã hội,.." - ông Đào Trung Hiếu đánh giá.

Bạo lực gia đình thể hiện sự thủng đáy về đạo đức xã hội - 3

Ông Đào Trung Hiếu.

Cũng theo ông Hiếu, bạo lực mang tính vũ lực trong gia đình thường xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ nhặt, xích mích trong đời sống chung hoặc do các tranh chấp về tài sản thừa kế như đất đai, di sản.  Hành vi phạm tội của các đối tượng mang tính nhất thời, bột phát, chứ ít người có âm mưu từ trước để có thể gây hại cho người thân của mình. Nhưng trong quá trình xung đột do thiếu kỹ năng làm chủ cảm xúc bản thân, kiềm chế, bản thân những người trong cuộc có những tác động vào làm cho đối tượng bùng phát cơn nóng giận dẫn đến gây tội ác với người thân của mình; sau đó thường các đối tượng lại ân hận.

"Muốn nói gì thì nói, do nhân cách lệch lạc, thoái hóa đã tích tụ lâu ngày rồi thì mới dẫn đến hành vi bạo lực những người thân của mình như vậy. Chứ cũng xung đột nhưng ở người có đạo đức, có văn hóa thì người ta chọn cách ứng xử khác chứ không phải chọn bạo lực để giải quyết" - ông Hiếu nói.

Đồng quan điểm với ông Hiếu, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn hóa lệch lạc, đạo đức xuống cấp là nguồn cơn của bạo lực gia đình.

Cái gì có vấn đề đều đổ lỗi cho văn hóa

Trong mội diễn biến khác, trả lời phiên chất vấn tại kỳ họp thứ VI quốc hội khóa 14, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có chia sẻ, sự xuống cấp của đạo đức xã hội có một phần sự phân bổ ngân sách cho ngành văn hóa rất ít, ở địa phương dành cho ngành văn hóa cũng rất ít, nếu không có giải pháp đồng bộ sẽ không có tiến triển trong giữ gìn đạo đức, văn hóa.

Bạo lực gia đình thể hiện sự thủng đáy về đạo đức xã hội - 4

Ông Bùi Hoài Sơn.

Về ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói trên, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, hoàn toàn chính xác và đưa ra phân tích: "Hiện nay, ở tất cả các lĩnh vực từ giáo dục, y tế, kinh tế,... nếu có vấn đề họ đều đổ lỗi cho văn hóa, nào là: đạo đức giáo viên, học sinh xuống cấp; y đức xuống cấp, đạo đức kinh doanh xuống cấp... Bản thân tôi cho rằng đúng là như vậy, tất cả đều bắt nguồn từ văn hóa. Thế nên, điều mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói hoàn toàn chính xác, chúng ta cần có giải pháp đồng bộ, nếu một mình ngành văn hóa thì không thể giải quyết hết được, vì văn hóa ẩn ở trong tất cả các lĩnh vực trong xã hội từ giao thông, từ y tế, từ giáo dục,... Chính vì vậy, tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải vào cuộc đểu giải quyết câu chuyện văn hóa".

Ông Bùi Hoài Sơn cho biết thêm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa ra khuyến cáo, mỗi quốc gia nên đầu tư 2% số tiền chi tiêu xã hội cho lĩnh vực văn hóa. Đây là mốc mà Việt Nam cần phấn đấu để đạt được, bởi UNESCO đưa ra con số này là đã dựa trên cơ sở nhất định nào đó.

"Trên thực tế chúng ta đã khá nhiều các chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Ví dụ, quan điểm của Đảng gần đây nhất có Nghị quyết 33 ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đây là chiến lược phát triển văn hóa của Đảng rất quan trọng khi chúng ta gắn kết được giữa văn hóa và con người. Coi văn hóa là một sản phẩm của con người, coi con người là một sản phẩm của văn hóa" - ông Bùi Hoài Sơn cho biết.

Còn giải pháp ông Đào Trung Hiếu đưa ra là: Chúng ta cần tăng cường các gia đình văn hóa, người lớn phải nêu gương. Đồng thời, xây dựng các tổ chức dòng họ tự quản, xây dựng cộng đồng dân cư an toàn và tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật phù hợp thông qua các thiết chế cụ thể. Kiện toàn các tổ chức hòa giải cơ sở, vì các vụ bạo lực đều được bộc lộ "lâm sàng" ban đầu, nếu tư vấn và hòa giải tốt sẽ không xảy ra bạo lực,...

Nguyễn Dương