1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bản Vẽ - Đêm không ngủ

(Dân trí) - Đêm ở Bản Vẽ dài lê thê. Dưới lớp đất đá, những người xấu số nằm lạnh lẽo; phía trên, những người thân thẫn thờ chờ đợi, những công nhân ráo riết kiếm tìm. Đất trời, núi non đang thức cùng những con người đau khổ.

Tình người trên núi đá

 

9h đêm, sau chén cơm đạm bạc, chiếc xe min gầm rú vượt đèo đưa chúng tôi ngược lên đỉnh đồi D3, nơi nhiều chiến sỹ đang bị vùi lấp. Ánh đèn điện cao áp vừa được công nhân kéo lên núi phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn ban đêm lóe sáng giữa bầu trời ken đặc lớp sương. Nỗi đau thương thắt lại trong những lời nói, hành động của cả trăm con người trên đỉnh đồi Bản Vẽ. 

 

Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Sông Đà - mặc chiếc áo mỏng dính, đầu đội mũ bảo hộ đi lại giữa núi đồi chỉ đá và đá, cùng cả trăm công nhân chiến đấu với ngổn ngang đất đá. “Anh em đã ra đi. Người thân đau đớn đang ngóng chờ họ. Đưa anh em xuống núi là nhiệm vụ chính lúc này. Biết là mệt nhưng anh em ý thức được trách nhiệm của mình với đồng đội. Đã 3 đêm nay họ thức trắng đêm trên núi. Họ đã ở bên các đồng đội xấu số rồi”, ông Bình nói vội.

 

Giữa đêm mịt mù ánh đèn điện vẫn đủ sáng để nhìn thấy nhiều tốp thợ đang leo trèo trên núi đá đầy bất trắc. Nhóm cắt đá. Nhóm mở đường. Nhóm mang dây điện... Cứ thế tiếng người hòa lẫn với tiếng máy. Bột đá bay kín đặc hòa lẫn trong sương.

 

Nhu yếu phẩm phục vụ các công nhân đang làm công tác cứu hộ chỉ có bình nước lọc. Anh Trương Văn Định, 33 tuổi, quê Sóc Sơn, Hà Nội, thợ lái máy cắt đá, nói trong tiếng máy gầm rú: “Hy vọng sớm tìm thấy xác của các anh, đưa các anh về với gia đình đã thôi thúc bọn em làm việc trên núi đá này”.

 

Anh Nguyễn Đăng Thị - Đội trưởng Đội cứu nạn Công ty Sông Đà 2 - đã thức trọn đêm trên núi. Anh Thị đã mất một người em trai trong vụ tai nạn này. Với anh, việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân giờ không chỉ là nghĩa vụ mà còn vì tình thương với người đã khuất. “Các em nằm đấy làm sao chúng tôi yên được”, anh tâm sự. 

 

Đêm trên núi Bản Vẽ, có những người không lái máy, không leo trèo cắt đá, nhưng họ vẫn là những người không thể thiếu mỗi một khi xác công nhân xấu số được lực lượng cứu hộ tìm thấy. Họ là những con người luôn túc trực, vận chuyển và khâm liệm xác nạn nhân trước khi đưa họ về nơi thiên cổ.

 

Một cán bộ phụ trách tìm kiếm cứu nạn cho hay, dù nạn nhân thứ 8 đã được phát hiện tại khu vực đồi D3, nhưng trong ngày hôm nay khó đưa được nạn nhân này ra khỏi núi đá. Lý do là phương tiện cứu hộ chưa có khả năng tiếp cận nơi nạn nhân đang bị đá đè.

Chưa bao giờ anh Nguyễn Văn Thắng, quê Anh Sơn, Nghệ An lại “tẩy trần” cho nhiều thi thể như mấy ngày qua. Anh Thắng vốn hành nghề tắm xác người, nhưng bình thường nhiều lắm cũng chỉ một tuần vài “ca”. 

 

Từ hôm xảy ra tai nạn lở đất, anh thức trắng mấy đêm, gần như kiệt sức. Anh chia sẻ: “Mỗi người một nghề, nhưng những lúc đau thương như thế này tôi chỉ nghĩ đến tình người thôi”.

 

Tiễn anh về với mẹ!

 

2h15 sáng 18/12, có những tiếng thở phào nhẹ nhõm khi xác nạn nhân thứ 7 được tìm thấy. Đó là anh Phan Văn Hải, trú tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Xác của nạn nhân Hải được lực lượng cứu hộ chuyển xuống núi và được Ban lễ tang khâm liệm trước khi chuyển về với người thân. 

 

Nghi lễ tiễn đưa nạn nhân Hải rời Bản Vẽ về an táng ở quê anh thật cảm động. Giữa mịt mù sương giăng, hàng chục con người nghiêm trang. Khói hương, nến đỏ lan tỏa giữa Khu tang lễ vừa được Tổng Công ty Sông Đà dựng sẵn ngay dưới công trình thủy điện Bản Vẽ. Người thân, đồng đội của anh vỡ òa tiếng khóc trong giây phút trang nghiêm đó.

 

Đúng 4h, xe cứu hộ đưa anh rời núi rừng Bản Vẽ về yên nghỉ ở quê hương.

 

Văn Dũng - Nguyên Nghĩa