Băn khoăn về dự án Trung tâm thương mại gần Hồ Gươm

(Dân trí) - Nên xây dựng nơi này làm trung tâm văn hóa hoặc làm cơ quan hành chính của Hà Nội và bố trí cho chủ đầu tư một khu đất khác dự án để kinh doanh… là ý kiến của một số chuyên gia về dự án trung tâm thương mại gần Hồ Gươm.

Băn khoăn về dự án Trung tâm thương mại gần Hồ Gươm - 1
Những tòa nhà cao tầng có thể ảnh hưởng tới cảnh quan ở Hồ Gươm
 
Sau khi UBND Tp Hà Nội chấp thuận cho Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng “Trung tâm thương mại, khách sạn - văn phòng cho thuê” tại số 10 Trần Nguyên Hãn và số 27-29 Lý Thái Tổ (Hà Nội), không chỉ dư luận, một số chuyên gia cũng tỏ ý băn khoăn.

Theo ý kiến của PGS.TS.KTS Huỳnh Đăng Hy, nguyên Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam thì, phía bên ngoài khu vực hồ Gươm vẫn còn rất nhiều chỗ có thể xây trung tâm thương mại được như khu vực Hồ Tây, Cầu Giấy... “Sao phải cứ túm tụm ở hồ Gươm, có thể gây tắc nghẽn giao thông trong khi quanh đây đã có nhiều trung tâm thương mại rồi?” - ông nói.

Liên quan tới giao thông, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch tổng hội xây dựng đưa ra minh chứng về việc nếu trung tâm thương mại xây quá nhiều tầng, quy mô lớn thì sẽ ảnh hưởng tới giao thông.

Về căn cứ pháp lý để triển khai những dự án gần khu vực Hồ Gươm, KTS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết: Quy hoạch chi tiết tôn tạo khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận năm 1996 đã được phê duyệt vẫn là văn bản còn nguyên giá trị.

Có ba khu vực Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức nghiên cứu quy hoạch mà không giao Hà Nội là: Hồ Gươm, hồ Tây và quảng trường Ba Đình. Do đó tất cả việc đầu tư xây dựng ở khu vực nhạy cảm này, trong phạm vi ranh giới quy hoạch hồ Gươm, nhất thiết đều phải tuân thủ theo quy hoạch.

Việc xây dựng công trình trong khu vực 7,6 ha (khu vực Hồ Gươm), với chủ trương là phải bảo tồn, phát huy những giá trị công trình văn hoá lịch sử về kiến trúc truyền thống cũng như vấn đề cảnh quan.

Trong đó lấy Hồ Gươm làm trung tâm, toàn bộ công trình khác như: cây xanh, công trình kiến trúc, đình chùa đều phải giữ lại. “Vì vậy theo tôi, nếu cơ quan chức năng khi chấp thuận dự án nào trong khu vực này đều phải xem xét kỹ lương có phù hợp với những quy định, quy hoạch trên không”, ông Hanh cho biết.

Cụ thể về dự án trung tâm thương mại vừa được UBND Tp chấp thuận trên, nếu như ý kiến của KTS Huỳnh Đăng Hy là nên đổi thành trung tâm văn hóa cho phù hợp với không gian gần Hồ Gươm thì TS Phạm Sỹ Liêm lại có quan điểm đột phá hơn.

Xuất phát từ thực trạng nhiều cơ quan hành chính của Hà Nội đang nằm tản mát ở nhiều nơi, chúng ta có thể xem xét việc di chuyển những cơ quan của thành ủy sao cho tập trung lại với nhau, và bố trí cho chủ đầu tư một địa điểm khác để triển khai dự án và kinh doanh.

“Tốt nhất là ở những khu vực đông dân cư, vì đây (khu vực gần UBND Tp và thành ủy) cũng không phải là nơi buôn bán như ở khu vực Tràng Tiền…” - ông Liêm nói.

Lan Hương