Bản danh sách 120 liệt sĩ và nỗi day dứt của thiếu tá đặc công đất lửa

(Dân trí) - Trở về sau chiến tranh, người thiếu tá đặc công đất lửa Trị - Thiên luôn day dứt, đau đáu về những đồng đội đã nằm lại chiến trường. Bản danh sách 120 người đã hi sinh luôn thường trực trong ông câu hỏi “làm sao để tìm thấy và đưa anh em về với quê hương?”.

Bản danh sách 120 liệt sĩ và nỗi day dứt của thiếu tá đặc công đất lửa - Ảnh 1.

Cựu thiếu tá đặc công Trần Đại Nghĩa và bản danh sách 120 đồng đội ngã xuống ở đất lửa Quảng Trị - Thừa Thiên Huế

Bản danh sách 120 liệt sĩ và day dứt của Thiếu tá đặc công đất lửa

 

Tuổi xuân ra đi cứu nước…

Tháng 2/1968, chàng trai 19 tuổi Trần Đại Nghĩa (SN 1949, trú tại TP  Vinh, Nghệ An) lên đường nhập ngũ. Sau 1 năm huấn luyện, người lính trẻ được phân về Tiểu đoàn 33 đặc công – Bộ Tư lệnh đặc công, bổ sung cho chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế.

Thiếu tá đặc công day dứt với đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường

"Vừa vào đến chiến trường, chúng tôi được lệnh tiêu diệt tiểu đoàn pháo của địch ở Quán Ngang (Gio Linh, Quảng Trị). Từ đây, địch rót pháo vào tuyến lửa Vĩnh Linh hòng dập tắt phong trào đấu tranh của quân và dân ta. Ngày 17/6/1969, ta huy động 1 tiểu đoàn đặc công tấn công vào sào huyện địch.

Bản danh sách 120 liệt sĩ và nỗi day dứt của thiếu tá đặc công đất lửa - Ảnh 3.

Cựu trinh sát đặc công Trần Đại Nghĩa hồi tưởng về những ngày tháng chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên khói lửa.

Cuộc chiến đấu ác liệt ngay từ những phút đầu nhưng hỏa lực địch quá mạnh nên chúng ta chỉ làm chủ được một phần trận địa. Gần 100 người đã ngã xuống nhưng đau đớn thay, chúng tôi không thể đưa các anh ra để tổ chức an táng", ông Nghĩa kể.

Họ - những người lính đặc công được tôi luyện với tinh thần thép, với ý chí "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", xem cái chết nhẹ tựa lông hồng đã không chùn bước trước mất mát hi sinh. Nén nỗi đau lại, họ lao vào những trận đánh mới, với quyết tâm cao nhất cho mục tiêu cuối cùng: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

"Nếu địch phát hiện, mỗi người bằng số vũ khí ít ỏi còn lại sẽ chiến đấu tới cùng. Nếu chẳng may bị địch vây ráp, phải sẵn sàng quyên sinh, nhất quyết không để rơi vào tay địch".

 

Mùa Hè năm 1972 là một trong những thời điểm khó khăn nhất của chiến trường Trị - Thiên. Địch đã đổ xuống vùng đất này bao nhiêu quân với đủ các loại vũ khí tối tân. Trong khi đó, bộ đội chúng ta thiếu thốn đủ bề, cái duy nhất mà mỗi người lính đều đầy ắp trong tim là tình yêu Tổ quốc, là quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược.

 Những trận đánh khốc liệt không thể diễn ta được bằng lời. Lớp người này ngã xuống, lớp người khác bổ sung vào, tiếp tục chiến đấu và nằm lại nhưng họ vẫn hiên ngang tiến lên phía trước, sẵn sàng lấy chính sinh mạng mình để chiến đấu cho lí tưởng cao đẹp nhất của cuộc đời.

Bản danh sách 120 liệt sĩ và nỗi day dứt của thiếu tá đặc công đất lửa - Ảnh 5.

Người lính đặc công coi cái chết nhẹ tựa lông hồng nhưng nghẹn ngào nước mắt khi nhắc tới những đồng đội đã ngã xuống. Những đồng đội của ông phần lớn còn nằm lại đâu đó ở chiến trường, thân xác hòa vào đất mẹ...

"Lần đó, sau một trận đánh, 8 anh em đặc công chúng tôi bị kẹt lại bên dòng Bến Hải. Khi đang tìm cách vượt sông về hậu cứ thì phát hiện 13 chiếc xe tăng địch đang tiến lại gần. Tôi lúc đó là Đại đội trưởng, quán triệt với anh em, nếu địch phát hiện, mỗi người bằng số vũ khí ít ỏi còn lại sẽ chiến đấu tới cùng. Nếu chẳng may bị địch vây ráp, phải sẵn sàng quyên sinh, nhất quyết không để rơi vào tay địch. Với kinh nghiệm hóa trang, ẩn mình, chúng tôi đã qua mặt được địch, bảo toàn lực lượng", cựu chiến sỹ đặc công Trần Đại Nghĩa kể tiếp.

Những người lính đặc công Tiểu đoàn 33 tiếp tục ghi dấu ấn trong những trận đánh ở Khe Sanh, Làng Vây, Cồn Tiên – Dốc Miếu, Ái Tử… Ông Nghĩa tiếp tục chiến đấu cho đến ngày giải phóng Huế, cùng chiến dịch Hồ Chí Minh đưa cuộc trường chinh của dân tộc đến bến bờ thắng lợi.

10 năm đạp xích lô tìm sự sống cho con

Đi qua chiến tranh với nguyên vẹn hình hài, với ông đó là một điều may mắn.  Ông Trần Đại Nghĩa tiếp tục công tác trong quân đội với nhiệm vụ huấn luyện, bổ sung lính đặc công cho chiến trường Vị Xuyên (1979), huấn luyện tân binh Quân khu 4. Sau đó, ông được điều lên Bộ Tổng tham mưu – Bộ tư lệnh đặc công và tham gia giúp nước bạn Lào bảo vệ thành quả cách mạng.

Bản danh sách 120 liệt sĩ và nỗi day dứt của thiếu tá đặc công đất lửa - Ảnh 6.

Thiếu tá Trần Đại Nghĩa và phóng viên Dân trí cùng xem lại những bức ảnh kỉ niệm chiến trận của người lính đặc công đất lửa Trị - Thiên.

Năm 1988, Thiếu tá Trần Đại Nghĩa nghỉ hưu. "Chân ướt chân ráo về nhà thì được địa phương phân công nhiệm vụ ở khối. Mình là đảng viên, trưởng thành trong quân đội, kinh qua trận mạc, thực hiện nhiều nhiệm vụ ở nhiều vị trí công tác khác nhau, về hưu cũng muốn nghỉ ngơi nhưng các anh nhờ tha thiết quá, không thể từ chối được. Vậy là làm anh cán bộ, rồi Bí thư Chi bộ khối từ đó đến nay, tròn 23 năm. Vừa rồi, tuổi cao, với lại đang còn nhiều dự định ấp ủ, tôi xin anh em nghỉ", ông tâm sự.

Cởi áo lính trở về, ông lao vào cuộc chiến đấu mới – cuộc chiến giành và giữ sự sống cho con. Người con trai cả của ông mắc bệnh tim bẩm sinh, toàn thân luôn trong tình trạng thâm tím. Hồi đó, lương thiếu tá của ông hơn 500 nghìn đồng, cũng thuộc vào diện cao nhất khối nhưng đổ hết vào tiền thuốc chữa bệnh cho con, thành thử gia đình 4 con người sống khá chật vật.

Bản danh sách 120 liệt sĩ và nỗi day dứt của thiếu tá đặc công đất lửa - Ảnh 7.

Ngón tay trỏ có tật do bị thương trong một lần đụng độ với quân địch.

Ông khoác lên người bộ quân phục cũ kỹ, sờn rách, mua một chiếc xích lô để kiếm thêm tiền. Hết việc khối xóm, ông trằn lưng trên đường, dù đông lạnh buốt hay hè nắng cháy. Ròng rã 10 năm trời, ông tằn tiện, tích góp, cộng với tiền lương hưu, được 40 triệu đồng. Vay mượn thêm bạn bè 50 triệu, ông Nghĩa đưa con đi phẫu thuật. Ca phẫu thuật ở tuổi 24 đã cứu mạng con trai ông. Sau 10 năm ròng rã đạp xích lô, người cha đã có thể thở phào trút được gánh nặng đè trĩu trong tim hàng chục năm trời.

"Đồng đội chưa về, lòng tôi chưa yên"

Bước sang tuổi 70, hoàn thành trọng trách xã hội, trọng trách của người chồng, người cha trong gia đình, ông Nghĩa mới có thể toàn tâm, toàn ý thực hiện tâm niệm đã đau đáu trong tâm can mình ngót nửa thế kỷ: Tìm và đưa đồng đội đã ngã xuống ở chiến trường trở về với gia đình, quê hương.

Bản danh sách 120 liệt sĩ và nỗi day dứt của thiếu tá đặc công đất lửa - Ảnh 8.

Bản danh sách 120 liệt sĩ của Tiểu đoàn 33 đặc công được ông Nghĩa và đồng đội lập để làm căn cứ tìm kiếm với mong mỏi sớm đưa các anh trở về với quê hương, gia đình.

"Đặc thù chiến đấu nên đơn vị chúng tôi liên tục được bổ sung chiến sỹ mới. Có những người vừa gặp hôm nay, ngày mai, sau một trận đánh không còn trở về. Chưa kịp quen nhau, chưa kịp biết tên nhau! Mình được sống, được trở về, đó là điều may mắn lớn nhất. Còn đồng đội chúng tôi, vẫn nằm ở đâu đó khắp các chiến trường, thân xác tan hòa vào lòng đất…", người lính đặc công của vùng đất lửa Trị - Thiên nghẹn ngào.

"Mình được sống, được trở về, đó là điều may mắn lớn nhất. Còn đồng đội chúng tôi, vẫn nằm ở đâu đó khắp các chiến trường, thân xác tan hòa vào lòng đất…".

 

Thiếu tá Trần Đại Nghĩa đi khắp nơi, tìm gặp những đồng đội còn sống, tìm đến gia đình những đồng đội đã ngã xuống để thu thập từng mẩu thông tin. Cuộc chiến đấu mới của ông phải giành giật từng giây, từng phút bởi như ông nói, không thể chậm trễ hơn nữa.

"Chúng tôi không còn nhiều thời gian nữa bởi phần lớn đã có tuổi, nhớ nhớ, quên quên. Hiện tôi mới chỉ có thể lập được danh sách 120 người lính đặc công của Tiểu đoàn 33 hi sinh ở chiến trường Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, biết được tên tuổi, quê quán, thời điểm hi sinh. Chiến tranh, đồng đội tôi ngã xuống, nhưng không biết nằm ở đâu.

Bản danh sách 120 liệt sĩ và nỗi day dứt của thiếu tá đặc công đất lửa - Ảnh 10.

Những kỉ vật được tìm thấy trong căn hầm trinh sát đặc công Tiểu đoàn 33 ở huyện Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) được người dân chuyển cho Ban liên lạc D33 đặc công B4-B5. Sắp tới, các kỉ vật này sẽ được Ban liên lạc trao tặng cho Bảo tàng Quân khu 4 để trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền về truyền thống của người lính đặc công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chúng tôi đã tổ chức 4 đợt tìm kiếm nhưng mới chỉ tìm thấy duy nhất hài cốt một liệt sĩ quê Hà Nam Ninh. Ban liên lạc cựu lính đặc công B4-B5 chúng tôi sẵn sàng đóng góp công, của để tìm kiếm nhưng thực sự như mò kim đáy bể. Khó nhưng cũng phải làm bởi không làm ngay bây giờ, chúng tôi không còn nhiều cơ hội. Chiến tranh kết thúc hơn 40 năm rồi mà đồng đội tôi vẫn chưa về…", giọt nước mắt ứa ra từ khóe mắt đã nhăn nheo của người lính già.

Trong cuộc đời quân ngũ của mình, Thiếu tá Trần Đại Nghĩa được tặng 2 Huân chương chiến công, 1 Huân chương kháng chiến, 3 Huân chương chiến sĩ vẻ vang, nhiều Bằng khen, giấy khen... Năm 2019, ông tròn 50 năm đi theo Đảng.

Hoàng Lam