1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hậu Giang:

Bàn cách giúp nhà nông làm nông thông minh

(Dân trí) - Ngày 8/3 tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã diễn ra hội thảo, “Giúp nhà nông làm nông thông minh”. Hội thảo do UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

 Bàn cách giúp nhà nông làm nông thông minh - 1
Ông Lê Tiến Châu- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội thảo

 

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, hội thảo là cơ sở để tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, “Hậu Giang cần chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp, nông dân cần tích hạn điền đủ lớn để làm nông nghiệp công nghệ cao”.

Ông Châu cũng cho biết, giúp nông dân làm nông thông minh trong bối cảnh cuộc cánh mạng 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nhiệp để phát triển sản xuất nông nghiệp xanh bền vững, xây dựng nông thôn mới.

 Bàn cách giúp nhà nông làm nông thông minh - 2
Bưởi hồ hô, một sản phẩm nông nghiệp độc đáo của nông dân Hậu Giang

Hậu Giang sẽ ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực có lợi thế là thủy sản, rau quả, lúa gạo và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tại huyện Long Mỹ, diện tích 5.200 ha, với nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0. nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản.

PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển Nông thôn, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: Thực tế nông nghiệp Hậu Giang chủ yếu phát triển về số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí sản xuất quá cao, chất lượng sản phẩm còn kém, giá trị thấp nên hiệu quả thấp. Tài nguyên hạn chế, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, hợp tác xã quy mô nhỏ và chưa đủ mạnh, phụ thuộc đàu ra của sản phẩm. Sản xuất theo thói quen kinh nghiệm, truyền thống, không theo chuỗi do vậy không kiểm soát được chất lượng cũng như không truy xuất được nguồn gốc.

Song Hậu Giang cũng có những thuận lợi căn bản: Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp thông minh được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự ưu tiên đặc biệt quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Ứng dụng công nghệ cao ngày càng được cộng đồng quan tâm, tăng nhanh các mô hình ứng dụng công nghệ cao...

Tại hội thảo, nhiều tham luận đã cho thấy, nếu biết lựa chọn và đầu tư khoa học công nghệ phù hợp, sẽ giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt hơn. Và đặc biệt là, máy móc, công nghệ còn giúp giải quyết tốt bài toán đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm.

Cụ thể như cơ sở Kỳ Như mỗi ngày có thể thu mua cả tấn cá that lát của nông dân để đưa vào chế biến; HTX Hậu Giang Yên Bình An với sản phẩm trà mãng cầu đã giúp nông dân trồng mãng cầu xiêm yên tâm đầu tư sản xuất; Công ty Tiến Thịnh với sản phẩm trái cây sấy, nước ép trái cây cô đặc đã giúp nông dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu như xoài, khóm…

Phạm Tâm