Bác sĩ phải thi sát hạch định kỳ chứ không thể "ôm" giấy phép trọn đời!

(Dân trí) - Thay vì được cấp giấy phép hành nghề một lần để được quyền khám chữa bệnh suốt đời, nhiều người đề xuất giấy phép hành nghề y dược phải cấp có định kỳ, vài năm một lần. Mỗi lần sát hạch không đạt tiêu chuẩn cấp chứng chỉ, bác sĩ sẽ không được phép khám cho bệnh nhân.

Mới đây (ngày 23/2/2016) Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Dược (sửa đổi), trong đó “nóng” vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề dược. Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày, hiện có hai luồng ý kiến đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm/lần để phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn.

Trước hai luồng dư luận, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 2 phương án: Cấp chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn 5 năm và cấp một lần, Luật sẽ thể hiện theo ý kiến đa số ĐBQH.

Trước vấn đề chứng chỉ, giấy phép hành nghề y, dược nên có kỳ hạn hay cấp một lần có giá trị suốt đời, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã chia sẻ quan điểm.

GS Phạm Mạnh Hùng
GS Phạm Mạnh Hùng

Thưa GS, tại sao lại phải cấp giấy phép hành nghề khi sinh viên y, dược đã phải trải qua quá trình rèn luyện, học tập đến 6 – 7 năm, thậm chí lâu hơn nữa? Giấy phép này có ý nghĩa như thế nào với người thầy thuốc?

Công tác chăm sóc sức khỏe có vị trí quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe tất cả mọi người dân. Hơn nữa kiến thức về y, dược học là rất đồ sộ và luôn được cập nhật mới.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói, không có nghề nào mà lại đòi hỏi kiến thức sâu rộng, lòng nhân ái, kinh nghiệm và từng trải như nghề y. Với những đặc thù đó, đặc biệt là ngành liên quan sinh mạng sức khỏe nên một người dù tốt nghiệp ĐH Y, được tiếp thu khối lượng kiến thức khổng lồ nhưng về cơ bản chưa có đủ kinh nghiệm. Ví dụ như trong sản khoa, không thể chỉ dựa vào một vài buổi lên lớp thầy dạy các động tác là ra có thể đỡ đẻ ngay. Ngoài kiến thức, nghề y còn đòi hỏi có kinh nghiệm, có thực hành. Sau một thời gian thực hành người bác sĩ trải qua kỳ thi kiểm tra tay nghề, được cấp giấy phép hành nghề mới được thực hành khám chữa bệnh cho người dân.

Còn trong thời gian chưa được cấp giấy phép hành nghề sẽ không được phép thực hành trên con người. Còn hiện nay sinh viên, bác sĩ mới ra trường thực hành trên bệnh nhân là dưới sự bảo hộ của người có giấy phép hành nghề, chứ không phải tự ý làm. Nếu xảy ra sự cố, vấn đề gì, người có giấy phép hành nghề phải chịu trách nhiệm.

Có nhiều ý kiến cho rằng, bác sĩ, dược sĩ luôn phải trải qua quá trình rèn luyện, điều trị lâm sàng trong bệnh viện, việc cấp giấy phép hành nghề 5 năm một lần sẽ tăng thêm sức ép không cần thiết cho người thầy thuốc, mất thời gian. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

Xu hướng chung trên thế giới người ta cấp giấy phép theo niên hạn, thường sau 5 năm người ta lại sát hạch, cấp lại giấy phép hành nghề. Việt Nam hiện đang hội nhập phải tuân thủ xu hướng này. Khi đó, bác sĩ Việt Nam sang nước khác hành nghề mới được họ công nhận. Còn hiện tại, BS của Việt Nam ra nước ngoài vẫn chưa được công nhận để hành nghề ở các nước.

Trong y khoa có từ “đào tạo liên tục”. Bản thân người bác sĩ phải coi đây là nhiệm vụ để song song với thực hành luôn cập nhật kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm. Tại các nước thường sau 5 năm lại sát hạch cấp lại giấy phép hành nghề.

Y, dược là ngành đặc thù, luôn phải cập nhật, tích lũy kiến thức nên việc cấp chứng chỉ hành nghề có định kỳ là một cách giám sát chất lượng cán bộ.
Y, dược là ngành đặc thù, luôn phải cập nhật, tích lũy kiến thức nên việc cấp chứng chỉ hành nghề có định kỳ là một cách giám sát chất lượng cán bộ.

Cá nhân tôi cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề theo niên hạn là phù hợp với xu thế chung thế giới nhằm đảm bảo chất lượng cán bộ phụ trách, chăm sóc sức khỏe. Theo đó, trừ các bác sĩ công cộng, dự phòng... những người làm việc ở BV liên quan đến bệnh nhân, pha chế thuốc, dược lâm sàng, dược bào chế ở bệnh viện phải có giấy phép hành nghề và cần được sát hạch cấp lại theo định kỳ.

Việt Nam đang hội nhập, sẽ ngày càng có nhiều bác sĩ nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Trong đó, không loại trừ có những người không hành nghề được, như thực trạng một số bác sĩ Trung Quốc kém chuyên môn như phản ánh trong thời gian qua. Việc cấp phép hành nghề cũng là để kiểm soát lực lượng lao động nước ngoài đến Việt Nam có chất lượng.

Theo GS cần tiến hành các kỳ thi sát hạch để cấp lại giấy phép hành nghề như thế nào cho thuận tiện nhất, tránh gây nhũng nhiễu?

Cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý chặt vấn đề này. Ở các nước, vai trò của các hội xã hội nghề nghiệp trong cấp chứng chỉ có ý nghĩa quan trọng. Bác sĩ muốn hành nghề phải tham gia một hội nghề nghiệp, được hội quản lý. Quá trình cấp chứng chỉ ấy phải có hội đó tham gia. Vì nhà nước có tiến hành thanh kiểm tra mấy thì lực lượng cán bộ nhà nước cũng không xuể. Sự tham gia của các hội nghề nghiệp sẽ tăng sự theo dõi, kiểm soát lẫn nhau. Vì thế, vai trò của các hội xã hội nghề nghiệp trong việc cấp chứng chỉ là quan trọng. Các tổ chức nghề nghiệp sẽ đứng ra tổ chức sát hạch và nhà nước dựa vào kết quả đó để cấp giấy phép hành nghề.

Ở Việt Nam điều này chưa được thực hiện. Cùng với vấn đề đó ta phải cải cách hành chính trong cấp giấy phép hành nghề, sao cho minh bạch, công khai, đồng thời phải ứng dụng CNTT để việc sát hạch sao cho thuận lợi nhất, tránh gây tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà.

Ta phải thực hiện cơ chế giám sát về hành nghề. Tổ chức giám sát ở đây cũng là sử dụng tổ chức xã hội nghề nghiệp, phát huy vai trò của người bệnh để giám sát. Muốn giám sát tốt phải công khai tất cả điều kiện, tiêu chí để hành nghề đầy đủ.

Theo GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhân lực y tế là một đối tượng đào tạo hết sức đặc biệt, vì đối tượng tác động trực tiếp là con người. Vì thế sinh viên y khoa khi ra trường cần phải trải qua kỳ thi cấp giấy phép hành nghề mới được thực hành khám chữa bệnh. Bộ Y tế đã từng đề xuất về thi cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn nhưng Quốc hội chưa đồng ý vì cho rằng giấy phép hành nghề chỉ cần cấp một lần.

Trên thế giới, chứng chỉ hành nghề 5 năm cấp 1 lần để luôn đảm bảo bác sĩ phải học, cập nhật kiến thức và đủ điều kiện sức khỏe. Sắp tới Bộ Y tế sẽ đề xuất lại việc thi chứng chỉ hành nghề và thi có định kỳ. Sinh viên tốt nghiệp ĐH Y phải trải qua kỳ thi chứng chỉ, đạt mới được hành nghề. Còn không đạt, dù cầm bằng đại học trong tay cũng không được hành nghề.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Hồng Hải (ghi)