Bắc Ninh: Thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề “Thương binh giả”

(Dân trí) - Ban Thường vụ tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành kết luận số 15- KL/TU về giải quyết vấn đề “Thương binh giả” trên địa bàn.

Theo đó, Ban Thường vụ tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, sự phối kết hợp của nhiều ngành, nhiều cấp để sớm làm rõ đúng, sai, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện cho những đối tượng có đủ điều kiện làm thủ tục hợp pháp để hưởng chế độ chính sách người có công.

Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử cũng như xử lý hành chính cần vận dụng tối đa tình tiết giảm nhẹ theo quy định của pháp luật đối với những đối tượng đã tự giác khai báo và tự giác khắc phục hậu quả. Kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng cố tình không hợp tác, không tự giác khai báo, nhất là cán bộ, đảng viên. Trong xử lý cần phân loại các đối tượng để có các hình thức xử lý phù hợp.

Hướng dẫn các tổ chức đảng xử lý cán bộ, đảng viên là đối tượng hưởng chế độ “Thương binh giả” hoặc nằm trong đường dây môi giới làm hồ sơ cho các đối tượng “Thương binh giả” khi có kết luận.

Thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết vấn đề “Thương binh giả” trên địa bàn tỉnh do đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm Trưởng ban. Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận.

Trước đó, như Dân trí đã thông tin, trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2006, Lê Tuấn Nghênh (SN 1952, trú quán Ngũ Thái - Thuận Thành) dù biết rõ 42 đối tượng ở 2 xã Ngũ Thái và Nguyệt Đức (Thuận Thành) là những người đã từng đi bộ đội nhưng không có thương tật hoặc có thương tật nhưng không có giấy tờ chứng minh vẫn cố tình nhờ Lê Đình Thảo (SN 1953, ở Đồng Hỉ, Thái Nguyên) làm bác sỹ ở Phòng Quân y, Quân khu I, được phân công về Viện Quân y 110 (TP Bắc Ninh) để kiểm tra hồ sơ thực thể và giám định thương tật cho những người có công với cách mạng, chạy hồ sơ cho các đối tượng được hưởng chế độ thương binh.

Theo đó, Nghênh cùng với 39 đối tượng làm giả trót lọt hồ sơ thương binh chiếm đoạt của Nhà nước tổng số 2,2 tỷ đồng.

Ngày 3/3, TAND tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử vụ án làm giả hồ sơ thương binh đối với 40 bị cáo với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau 3 ngày xét xử, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Bắc Ninh đã tuyên phạt Lê Tuấn Nghênh 7 năm tù giam; 3 bị cáo Nguyễn Văn Đáp (SN 1956) bị tuyên phạt 24 tháng tù, Nguyễn Đạt Trường (SN 1964) 30 tháng, Lê Sỹ Toại (SN 1958) 15 tháng tù. 36 bị cáo còn lại được hưởng án treo có thời hạn từ 8 tháng đến 30 tháng trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản này.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng Phòng Người có công Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi sự việc xảy ra lãnh đạo Sở đã tích cực phối hợp cùng các ngành chức năng xử lý quyết liệt vụ việc.

Theo lời bà Dung cho biết, sau khi địa phương ban hành kết luận về vấn đề “thương binh giả”, hy vọng sẽ không còn tình trạng tương tự tái diễn.

 Quốc Đô - Nhất Nam