Hà Tĩnh:

Ba lao động Việt Nam bị cướp biển bắt cóc suốt 4 năm

(Dân trí) - Đã 4 năm trôi qua nhưng vẫn chưa có thông tin về 3 lao động Việt Nam bị cướp biển bắt cóc hồi tháng 4/2012. 4 năm qua, gia đình các nạn nhân vẫn mòn mỏi đi gõ cửa, cầu cứu các cơ quan chức năng mong tìm lại được đứa con của mình.

anh-2-1458221137563

Bà Thủy, mẹ của nạn nhân H. đau đớn kể lại sự việc với PV

Bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), mẹ của anh Nguyễn Văn H. (một trong những lao động bị cướp biển Somalia bắt cóc cách đây 4 năm) đau xót kể: Tháng 3/2011, được một người quen dưới thiệu, đứa con trai của bà đã làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) và làm thuyền viên đánh bắt cá ở Đài Loan thông qua Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Theo hợp đồng ký kết với công ty này thì lương anh H. sẽ nhận được là 300 USD/tháng và chi phí đi là 12,5 triệu đồng.

Vừa đi XKLĐ được đúng 1 năm (3/2012) thì bà nhận được một cuộc điện thoại ngắn của con trai thông báo tàu bị cướp biển khống chế, tổng cộng có 26 thành viên, trong đó có 3 người Việt Nam. Họ yêu cầu phía chủ sử dụng lao động phải trả một khoản tiền chuộc là 60.000 USD thì mới thả tự do cho các lao động.

“Sau khi nhận được điện thoại của con trai, tôi đã thông báo với Công ty Vinamotor ở Hà Nội nhờ họ liên hệ với các cơ quan chức năng giải cứu con”.

Thông báo của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam ( Vinamotor) về việc 3 lao động Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt cóc
Thông báo của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam ( Vinamotor) về việc 3 lao động Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt cóc

“Trong hai năm đầu con trai của tôi vẫn gọi điện về nhưng chỉ nói được vài câu liên quan đến gửi tiền chuộc rồi tắt máy. Nhưng hai năm nay, không thấy nó gọi điện về nữa”, bà Thủy cho biết thêm.

Quá lo lắng, gia đình bà Thủy đã nhiều lần ra tận trụ sở đơn vị đưa lao động đi làm việc là Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) thì chỉ nhận được câu trả lời là “cứ chờ đợi”.

“Họ nói là con tôi vẫn còn sống. Họ cứ bảo là cứ chờ đợi để họ tiếp tục đàm phán. Chúng tôi muốn biết, muốn họ đưa ra các bằng chứng là con tôi còn sống nhưng họ không hề có thông tin gì chỉ cứ nói là còn sống. Chúng tôi nhiều lần muốn gặp trực tiếp giám đốc công ty nhưng họ không cho gặp”, bà Thủy phản ánh.

Gia đình bà Thủy cũng đã gửi đơn cầu cứu đến Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB-XH… nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về anh H..

Bà Thủy cũng cho biết, ngoài anh H. còn có thêm 2 lao động người Việt Nam khác bị cướp biển bắt giữ là anh Nguyễn Văn X. (trú phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và anh Phan Xuân P. (trú xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An). Khi bị bắt, cả 3 nạn nhân đều đang làm việc trên tàu Naham.

Liên quan đến vụ việc này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phụ trách Phòng thuyền viên và lao động - Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam xác nhận thông tin 3 thuyền viên người Việt Nam bị cướp biển bắt là đúng. Bà Hương cho biết cách đây 4 năm, đơn vị đã nhận được thông tin về vụ việc. Hiện tại đơn vị đã nhờ Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao vào cuộc giải quyết.

“Thời điểm hiện tại, thông tin về tình hình các thuyền viên chúng tôi vẫn chưa nắm được. Chúng tôi đang thuê một công ty luật ở Hồng Kông đàm phán với cướp biển để giải cứu thuyền viên. Quá trình đàm phán tiền nong thì họ không cho biết, sự việc này đã nằm ở cấp nhà nước”, bà Hương nói thêm.

Xuân Sinh