1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Bà con chịu được nắng, sao tôi và chú không chịu được?”

(Dân trí) - Trời nắng, đồng chí Bí thư vội che ô cho Bác, nhưng Bác lắc đầu: “Chú có đủ ô che hết nắng cho bà con không? Bà con chịu được nắng, sao tôi và chú lại không chịu đựng được?”. Câu nói, hình ảnh của Bác sống mãi trong lòng người dân xã Vĩnh Thành (Yên Thành, Nghệ An).

Tấm bia ghi lại dịp Bác về thăm xã Vĩnh Thành vào ngày 10/12/1961.
Tấm bia ghi lại dịp Bác về thăm xã Vĩnh Thành vào ngày 10/12/1961.

Cách đây 54 năm, ngày 10/12/1961, trong một chuyến công tác, Bác Hồ về thăm quê lúa Vĩnh Thành. Chuyến thăm diễn ra rất ngắn ngủi, Bác vội đi mà chưa kịp bắt tay, ôm hôn hết bà con nông dân ở đây… nhưng hình ảnh, câu nói của người Bác không bao giờ phai nhòa trong lòng của những người con xã Vĩnh Thành.

Hôm đó, cả đồi thông ở Lộc Tháp, xã Vĩnh Thành được vây quanh bởi một biển người từ già đến trẻ, trên những con đường từng đôi chân trần như muốn bước nhanh hơn bởi ai cũng muốn được tận mắt nhìn thấy Bác về thăm quê lúa. Rồi Bác xuất hiện giản dị trong bộ quần áo nâu, chân đi dép cao su. Bác ân cần hỏi han và trò chuyện với bà con.

Thấy Bác đứng giữa nắng, đồng chí Bí thư Huyện uỷ vội xoè chiếc ô đưa lên che nắng cho Bác, nhưng Bác gạt đi rồi nói: “Chú có đủ ô che hết nắng cho bà con không? Bà con chịu được nắng, sao tôi và chú lại không chịu đựng được?”.

Câu nói của Bác khiến những người có mặt rơm rớm nước mắt, không ai nghĩ Bác lại quan tâm đến mình như thế. Bà con nông dân đứng dưới nắng, Bác cũng kiên quyết không che ô để được “chịu chung cái nắng với đồng bào”. Rồi Bác vẫy tay chào mọi người, đôi mắt sáng nhìn tất thảy một lượt mỉm cười.

Tấm bia ghi lại dịp Bác về thăm xã Vĩnh Thành vào ngày 10/12/1961.
Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành ngày nay khang trang, đẹp đã thu hút nhiều người từ các xã, huyện lân cận về tham quan.

Bác ân cần trò chuyện: "Hôm nay Bác chỉ về thăm ở đây, không đi thăm các hợp tác xã khác trong huyện, trong tỉnh được, là vì không có thì giờ. Các xã khác, các hợp tác xã khác cần thông cảm với Bác. Còn hợp tác xã ở đây cũng chớ khi thấy Bác về thăm mà cho mình là nhất rồi, rồi tự kiêu, tự mãn cho rằng không cần học tập ai nữa...:.

Bà Trần Thị Nhị - người làm quản lý khu di tích tại xã Vĩnh Thành, điểm di tích đặt tấm bia ghi nhớ ngày Bác về thăm quê lúa - tâm sự:: “Lúc Bác về thăm quê tôi chưa sinh, nhưng câu chuyện về chuyến thăm của Bác tôi được bố mẹ kể lại. Không phải chỉ riêng tôi mà tất cả những người con của xã Vĩnh Thành đều khắc ghi hình ảnh, lời nói của Bác trong tim mình từ những câu chuyển của các cụ kể lại. Lúc đó khi hay tin Bác sẽ về thăm quê, cả đêm mọi người trong làng đều không thể chợp mắt, hồi hộp chỉ mong trời sáng để được nhìn thấy Bác Hồ”.

Bia ghi lại lời chỉ bảo của Bác về thăm xã Vĩnh Thành năm 1961.
Bia ghi lại lời chỉ bảo của Bác về thăm xã Vĩnh Thành năm 1961.

Nói chuyện với bà con xong, Bác đi thăm nhà trẻ mẫu giáo trong tiếng reo hò vui mừng của những em bé được Bác tặng quà. Bác nói: “Trẻ em là tương lai của đất nước, việc giáo dục chăm sóc là việc cần thiết và rất quan trọng”. 

Bia ghi lại lời chỉ bảo của Bác về thăm xã Vĩnh Thành năm 1961.
Cuốn vở được người dân ghi lại lời Bác Hồ nói chuyện với người dân xã Vĩnh Thành vào ngày 10/13/1961 được lưu giữ tại Khu tưởng niệm Bác Hồ. 

Rồi Bác ghé thăm một số hộ gia đình, thăm trại chăn nuôi, thăm nhà hộ sinh và dặn dò các sản phụ phải vệ sinh sạch sẽ, không được để con bị nhiễm trùng, phải nuôi dưỡng con cho tốt... Đến giờ cơm trưa, Bác không ăn cơm do huyện và xã chuẩn bị mà lấy từ trong cặp lồng ra 5 chiếc bánh ngô hấp nhỏ chấm với muối do bác Vũ Kỳ (thư ký của Bác) mang theo. Ăn xong, Bác tạm biệt bà con Vĩnh Thành để tiếp tục lên thăm Nông trường Tây Hiếu (Nghĩa Đàn - Nghệ An). 

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Bác Hồ đã trở thành kỷ niệm đẹp không bao giờ quên của cả xã Vĩnh Thành. Phát huy lời dạy của Người, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thành luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng trong trong công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương.

Nguyễn Duy - Nguyễn Tú