Áp thấp nhiệt đới mới lại đe dọa miền Trung

(Dân trí) - Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, mưa lũ ở khu vực Bắc miền Trung trở ra phía Bắc có xu hướng giảm dần vào ngày mai (12/10). Tuy nhiên, vài ba ngày tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão sẽ đe dọa trực tiếp nhiều tỉnh miền Trung.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Chiều nay (11/10), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp khẩn để ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới. Cuộc họp do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền khu vực Hà Tĩnh đến Quảng Bình nên đã gây mưa lớn diện rộng từ Bắc miền Trung trở ra các tỉnh phía Bắc.

Đặc biệt, trong các ngày từ 10-11/10, lượng mưa tại khu vực trên cả đợt khoảng 200-300mm, cá biệt có nơi 400mm như ở Thanh Hóa và Hòa Bình.

Cũng theo ông Cường, hiện nay đang có một đợt không khí lạnh đang di chuyển xuống nước ta kết hợp với hoàn lưu áp thấp nhiệt đới vừa qua nên khu vực từ Bắc Trung Bộ trở ra phía Bắc sẽ tiếp tục có mưa đến hết đêm nay (11/10) và đến ngày mai (12/10) mưa sẽ giảm dần.

Đến ngày 13/10, khu vực này sẽ chấm dứt mưa và có 3 ngày (13, 14, 15/10) thời tiết ổn định.

“Hiện nay, có một cơn áp thấp nhiệt đới đang cách Biển Đông khoảng 1.500km và có xu hướng đi vào Biển Đông. Khoảng 15-16/10 áp thấp nhiệt đới này sẽ vào Biển Đông kết hợp với đợt không khí lạnh mạnh sẽ nhiều khả năng mạnh lên thành bão. Chúng tôi đánh giá cơn bão này là rất mạnh, khu vực đổ bộ chưa xác định cụ thể, nhưng kéo dài từ các tỉnh Quảng Trị - Bình Định” – ông Cường nói.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Ảnh: NCHMF).
Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Ảnh: NCHMF).

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mưa lũ xuất hiện thời gian qua cho thấy thời tiết ngày càng dị thường, trái với quy luật. Đây là đợt mưa lũ gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn so với nhiều năm vào thời điểm tháng 10 hàng năm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Khẩn trương tìm kiếm số người còn mất tích do mưa lũ tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Khẩn trương tìm kiếm số người còn mất tích do mưa lũ tại các địa phương".

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với mưa lũ. Chú ý sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, việc này địa phương chịu trách nhiệm là chính, nhưng cần kết hợp với lực lượng vũ trang.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các ban ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp, tích cực tìm kiếm số người còn mất tích do mưa lũ tại các tỉnh. Đồng thời, không được để người dân nào bị đói, bị dịch bệnh tấn công.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cần khẩn trương tiếp cận với người dân ở khu vực đang bị cô lập, tìm mọi cách cung cấp lương thực, nước, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết cho khu vực này.

Mưa lũ dẫn đến nước đổ về các hồ thủy điện, thủy lợi rất lớn, do đó Phó Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành địa phương cần thực hiện cho thật tốt công tác vận hành liên hồ chứa. Tại các hồ này, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp phải luôn sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Vừa qua, mưa lũ đã làm một số tuyến đường, công trình giao thông bị hỏng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT phối hợp với lực lượng công an các địa phương khẩn trương khắc phục các sự cố này, đồng thời hướng dẫn người dân không đi qua khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các địa phương tìm phương án bảo vệ để giảm thiểu thiệt hại về nông nghiệp do mưa lũ gây ra.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị, cơ quan khí tượng thủy văn theo dõi sát sao diễn biến thời tiết trong những ngày tới, đặc biệt là cơn áp thấp nhiệt đới đang chuẩn bị vào Biển Đông và có xu hướng mạnh lên thành bão; cơ quan truyền thông cần tăng cường thời lượng đưa tin các bản tin thời tiết, tình hình mưa lũ ở các địa phương để người dân nắm được.

Nguyễn Dương