Án tử hình chưa giảm, án tham nhũng chưa thể thu hồi tiền

(Dân trí) - Đó là những vấn đề nổi lên trong báo cáo về công tác thi hành án năm 2016 của Chính phủ do Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày trước Quốc hội sáng nay, 28/10.


Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo về công tác thi hành án năm 2016 của Chính phủ.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo về công tác thi hành án năm 2016 của Chính phủ.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, tổng số vụ việc phải thi hành trong năm là 820.000 việc, trong đó có 675.000 việc có điều kiện thi hành (chiếm tỷ lệ 82,2%), 530.000 việc đã được thi hành (đạt tỷ lệ 78,5%).

Tổng số tiền phải thi hành, theo báo cáo của Bộ trưởng Long xấp xỉ 134.000 tỷ đồng nhưng mới chỉ thi hành xong được 29.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,7%).

Đánh giá về kết quả thi hành, dù số việc và tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong phải chuyển kỳ sau tuy giảm so với năm 2015 nhưng vẫn còn 145.001 việc với số tiền trên 57.000 tỷ đồng tồn đọng. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng (thường có giá trị lớn) kết quả thi hành đạt thấp; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm.

Cụ thể, về thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, có 3.348 việc đã xong, thu được xấp xỉ 20.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 17,3% về việc và gần 25% về tiền).

Những hạn chế được Bộ trưởng Tư pháp nêu ra là số việc và tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong phải chuyển kỳ sau tuy giảm so với năm 2015 nhưng vẫn còn cao (145.000 việc với số tiền trên 57.000 tỷ đồng). Các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng (thường có giá trị lớn) kết quả thi hành đạt thấp; một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm.

Bộ trưởng Tư pháp giải thích khó khăn là do còn tương đối lớn lượng án chưa có điều kiện thi hành, án không thi hành được đã tồn đọng từ nhiều năm trước, đặc biệt là các án trọng điểm, phức tạp, kéo dài.

Thị trường bất động sản cũng chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt nên kết quả xử lý tài sản thi hành án đạt thấp; việc bán, giao tài sản cho người mua trúng đấu giá gặp nhiều khó khăn (từ chối mua, chống đối, không nhận tài sản...).

Ngoài ra, tình trạng pháp lý của tài sản phức tạp và việc xác định giá tài sản khi giao dịch không sát với giá trị thực tế, nhất là trong các vụ án tín dụng ngân hàng.

Một số việc liên quan đến án kinh tế, tham nhũng có giá trị rất lớn nhưng không có điều kiện thi hành (tài sản bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán trong các vụ án kinh tế, tham nhũng...)

Theo Bộ trưởng Tư pháp, số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước và cao nhất từ trước đến nay về tiền, nhất là án tín dụng ngân hàng tăng đột biến khiến cơ quan thi hành án quá tải với khối lượng công việc.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức đến việc truy tìm hoặc chưa kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản của đương sự để bảo đảm thi hành án. Trong khi đó, cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập còn chưa hoàn thiện, gây khó khăn cho việc xác minh điều kiện thi hành án.

Về công tác thi hành án hình sự, nhiều vấn đề cũng được chỉ ra như công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định hiện còn khá nhiều (gần 47.000 trường hợp).

Trong số 5.437 người bị kết án tù đang ở ngoài xã hội, các cơ quan đã tổ chức áp giải 3.481 trường hợp đi chấp hành án; truy bắt lại 521 trường hợp trốn thi hành án. Số trốn thi hành án đã giảm 180 trường hợp.

Dù vậy, điểm hạn chế vẫn là, một số trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chưa làm tốt công tác kiểm tra, quản lý cán bộ nên vẫn để một số cán bộ, chiến sĩ mất cảnh giác, vi phạm các quy định về giam giữ để phạm nhân lợi dụng trốn, phạm tội mới, mang vật cấm vào trại, vi phạm nội quy.

Cá biệt, có những trường hợp cơ sở giam giữ để nữ phạm nhân bị kết án tử hình có thai trong thời gian giam giữ. Công tác quản lý người bị kết án tù tại ngoại, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ, còn nhiều sơ hở, tình hình trốn thi hành án giảm nhưng chưa nhiều.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này, theo Bộ trưởng Lê Thành Long là số lượng người bị kết án tù, tử hình chưa giảm, tính chất tội phạm phức tạp hơn, trong khi đó kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ giam giữ hạn chế.

Hệ thống pháp luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành tương đối đầy đủ, nhưng chưa kịp thời bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với những vướng mắc mới nảy sinh trong thực tiễn cũng là một yếu tố, theo Bộ trưởng Tư pháp.

P. Thảo