Án tích: “Không nên để xảy ra tình trạng cha làm, con chịu”

(Dân trí) - Đó là quan điểm của ông Trần Văn Dũng - Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp) liên quan đến việc sửa đổi quy định liên quan đến xóa án tích được nêu trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

 

Em Bùi Kiều Nhi (Quảng Bình) suýt không thể nhập học chỉ vì 23 năm trước bố em từng mang án 9 tháng tù treo và đã được xóa án tích từ lâu. (Ảnh: Văn Lịnh).
Em Bùi Kiều Nhi (Quảng Bình) suýt không thể nhập học chỉ vì 23 năm trước bố em từng mang án 9 tháng tù treo và đã được xóa án tích từ lâu. (Ảnh: Văn Lịnh).

 

Sáng 22/9, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị khu vực phía Bắc góp ý cho dự thảo Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Theo Điều 68 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), người bị kết án được xóa án tích coi như chưa bị kết án. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn để được xóa án tích, tòa án phải cấp giấy chứng nhận cho người bị kết án và gửi cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp giấy chứng nhận đã được xóa án tích. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người bị kết án thì phải nêu rõ lý do. Người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.

Tại điều 69 dự thảo quy định, người bị kết án được xoá án tích nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn quy định, cụ thể là: 1 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 3 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 3 năm; 5 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 3 năm đến 15 năm; 7 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được chuyển thành tù chung thân.

Ngoài ra, trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị thì thời hạn xoá án tích bằng một phần ba thời hạn quy định trên.

Bên lề hội nghị, ông Trần Văn Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp), cho rằng dự thảo luật đã có một số thay đổi nhằm phù hợp hơn với tình hình hiện nay. “Quan điểm của chúng tôi là làm sao để việc xóa án tích được thực hiện nghiêm túc. Một người đã được xóa án tích rồi thì coi như chưa bị kết án, hồ sơ giấy tờ phải ghi rõ họ chưa có án tích”- ông Dũng nói.

Không đưa ra phân tích, bình luận trực tiếp về hai thí sinh suýt không được nhập học ở trường công an chỉ vì bố ruột từng mang án 9 tháng tù treo (đã được Bộ trưởng Bộ Công an chiếu cố tiêu chuẩn chính trị để trúng tuyển - PV), ông Trần Văn Dũng cho rằng cần phải có sự đánh giá về thực trạng thực hiện các quy định liên quan đến xóa án tích hiện nay. “Tôi cho rằng không thể mãi duy trì quy định lạc hậu, cũ kỹ. Không nên để xảy ra tình trạng cha làm, con chịu, vì như thế vô hình chung chúng ta sẽ đánh mất cơ hội tuyển dụng được những người thực sự có năng lực, phẩm chất”- ông Dũng bày tỏ.

Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án TAND Tối cao, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương - đánh giá nội dung về xóa án tích mà dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa  đổi) đưa ra rất nhân văn và phù hợp với thực tế hiện nay.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia TPHCM - cũng cho rằng  Bộ luật Hình sự hiện hành cũng đã quy định khá rõ ràng về chuyện xóa án tích. Bố của hai em Bùi Kiều Nhi (Quảng Bình) và Nguyễn Đức Ngà (Nghệ An) thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích, coi như chưa bị kết án. Chính vì thế trong quá trình làm hồ sơ thi đại học thì em Nhi và em Ngà không cần phải khai báo nội dung này.

“Chúng ta phải nhìn con người ở xu hướng phát triển, phải xóa bỏ chủ nghĩa lý lịch nặng nề đi thì mới thu hút được nhiều nhân tài, khuyến khích họ đóng góp nhiều hơn cho đất nước”- ông Hậu nói.

Thế Kha