Ăn Tết ở “cổng trời” Mường Lống, nơi thả “ma nhà” đi chơi ngày xuân

(Dân trí) - Tối 30 Tết, người Mông ở “cổng trời” Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) sẽ thả “ma nhà” đi chơi Tết, ngày Mùng 3 Tết sẽ làm lễ gọi ma về coi nhà. Trong 3 ngày Tết người Mông sẽ không đi chơi đâu xa vì thiếu “ma nhà” bảo vệ.

Tiết mục múa "Gặp nhau giữa rừng mơ" của các em học sinh Mường Lống.

Con đường lên với “cổng trời” Mường Lống, nơi có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển đã được trải nhựa. Con đường ngoằn ngoèo ẩn hiện trong sương. Trời Mường Lống mùa này cứ đỏng đảnh như cô con gái vào tuổi dậy thì, thoắt nắng, thoắt cái sương sà xuống bịt kín lối đi, ùa vào cả buồng lái ô tô mang theo hơi lạnh buốt. Ô tô “chui” qua màn sương, đã thấy nắng chói chang trước tấm kính chắn gió. Hai bên đường những hoa mận, hoa đào đã khoe duyên với đất trời, Mường Lống đã vào Xuân.

Đường lên cổng trời Mường Lống ẩn hiện trong sương.
Đường lên "cổng trời" Mường Lống ẩn hiện trong sương.

Mường Lống không còn xa, người Mông ở Mường Lống đã bắt nhịp được cuộc sống hiện đại, ăn Tết Nguyên đán cùng đồng bào cả nước. Đó là về mặt thời gian, còn những nét riêng trong lễ Tết của người Mông thì vẫn giữ nguyên như vậy.

Món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Mông ở Mường Lống đó chính là bánh dày. Sau khi nấu nếp chín, xôi sẽ được đổ vào một cái máng bằng gỗ. Hai người đàn ông lực lưỡng sẽ chịu trách nhiệm dùng chày gỗ giã nhuyễn nếp thành một khối hồ đặc. Hồ này sẽ được vắt ra thành những chiếc bánh gói trong lá chuối đã được hơ qua lửa. Mọi người có thể ăn ngay hoặc nướng qua than để bánh thơm và ngon hơn.

Ngày cuối cùng trong năm, người Mông sẽ ‘niêm phong” tất cả dụng cụ lao động trong nhà lại bằng cách dán lên từng đồ dùng một loại giấy do chính gia đình làm nên. Đồng bào gọi đây là “xử ca”. Việc thay “xử ca” được thực hiện hàng năm với mong muốn những đen đủi không vui của năm cũ sẽ bị đẩy đi, năm mới đến sẽ gặp được nhiều yên vui, may mắn.

Bản làng người Mông ở Mường Lồng khuẩn sau rừng hoa mận trắng muốt.
Bản làng người Mông ở Mường Lồng khuẩn sau rừng hoa mận trắng muốt.

“Dưới xuôi trồng cây nêu đón Tết thì ở trên này, chiều 30 Tết, cả họ sẽ cùng nhau trồng một cây “pọ giàn”. Kiếm một cây thân gỗ to bằng cổ tay dựng lên, kiếm lá tranh kết thành một sợi dây dài, kéo từ ngọn “pọ giàn” xuống nối với một thân cây gỗ ngắn hơn để “neo” cây “pọ giàn”.

Ông trưởng họ sẽ đứng một bên, tay cầm chân con gà trống. Những người còn lại sẽ đi xung quanh cây “pọ giàn” theo lời “chú” của trưởng họ. Dứt lời “chú”, ông tộc trưởng sẽ cắt tiết con gà rồi thả xuống đất. Nếu đầu con gà hướng mặt trời lặn nghĩa là mọi xui xẻo sẽ được xua đi. Đầu con gà hướng về phía mặt trời mọc thì trong năm mới sẽ được đón những điều may mắn”, ông Lỳ Bá Vừ (bản Trung Tâm, xã Mường Lống) cho hay.

Lễ cúng gói gọn trong vòng 30 phút, sau đó sợi dây lá tranh và cây “pọ giàn” được mang đi về hướng mặt trời lặn. Cứ thay phiên mỗi nhà đưa cây "pọ giàn" về hướng mặt trời lặn một lần, nhà nào thực hiện khâu cuối cùng này sẽ đưa con gà cúng về nhà làm thịt. Nhà có bao nhiêu người sẽ chuẩn bị bấy nhiêu quả trứng đặt vào cái bát lớn hay rổ gạo.

Mường Lống vào Xuân...
Mường Lống vào Xuân...

Mỗi gia đình người Mông sẽ làm thịt 3 con gà. Con gà trống thứ nhất sẽ làm để cúng tổ tiên, một cặp gà trống mái còn lại sẽ được làm thịt để gọi hồn. Việc gọi hồn này tùy thuộc vào gia đình giàu hay nghèo sẽ do thầy cúng hoặc chính chủ nhà đảm nhận. Vào đêm 30 Tết, người Mông sẽ làm lễ thả ma đi chơi. Do ma không ở nhà, sẽ không có người bảo vệ nên trong 3 ngày Tết người Mông rất kị đi xa vì cho rằng như thế thì cả năm sẽ xảy ra sự chia lìa, li tán. Việc gọi ma về nhà sẽ được thực hiện trong một nghi lễ diễn ra vào ngày mùng 3 Tết. Sau ngày này, người Mông mới rủ nhau đi chơi xa.

Chân gà cúng năm mới và gọi hồn của người Mông là rất quan trọng. Nhìn vào đó người ta sẽ dự đoán những sự kiện quan trọng đến trong năm mới. Bởi vậy, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Họ phải thật khéo léo trong việc luộc gà để chân gà có độ chín vừa phải, các ngón chân chụm đều vào nhau, các gân chân nổi lên đẹp mắt để những xui xẻo, buồn lo không đến trong cả năm”, bà Và Y Dở (bản Mường Lống 1) cho hay.

Các thiếu nữ người Mông ở cổng trời Mường Lống đi chơi hội.
Các thiếu nữ người Mông ở "cổng trời" Mường Lống đi chơi hội.

Người Mông không đón giao thừa mà chỉ lấy tiếng gà gáy đầu tiên trong ngày mùng 1 Tết để đánh dấu cho sự khởi đầu của một năm. Khi năm mới bắt đầu, với truyền thống tôn trọng và thể hiện sự quý mến đối với người cao tuổi trong gia đình, con cháu sẽ tập trung đến chúc Tết ông bà, người cao tuổi trong họ tộc.

Múa: Lớn lên em sẽ làm gì

"Sau khi nói những lời chúc cầu mong sức khỏe, sự minh mẫn cho ông bà và các bậc cao niên, người Mông thường xin lời tốt lành từ ông bà, cha mẹ. Cha mẹ, ông bà sẽ dành cho con cháu những lời khuyên, lời chúc tốt đẹp để con cháu có một năm mới vui khỏe, công việc làm ăn suôn sẻ, học hành tấn tới”, cụ Lỳ Tồng Dênh (SN 1949, bản Trung Tâm) cho biết.

Xuân về từ trên sườn núi, trong tiếng xập xèng của những đồng bạc gắn trên váy áo các cô gái, trong tiếng khèn dập dìu của chàng trai, trong sắc thắm của đào và màu trắng tinh khôi của hoa mận. “Cổng trời” không còn là mảnh đất quá đỗi xa xôi…

Hoàng Lam