An Giang đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc

(Dân trí) - Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh An Giang lần III, năm 2019, Đảng bộ và chính quyền tỉnh An Giang đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.

Trong hai ngày 30 và 31/10, UBND tỉnh An Giang tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh An Giang lần thứ III, năm 2019. Đến dự Đại hội có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 120.000 người dân tộc thiểu số với 29 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh An Giang.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt cho biết, dân số An Giang có trên 1,9 triệu người, trong đó có gần 120.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 5,26% với 29 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 4 dân tộc thiểu số có dân số đông, sinh sống lâu đời là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm.

An Giang đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc - 1

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt phát biểu tại Đại hội

Bằng nhiều chính sách thiết thực dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay, toàn tỉnh có 100 số xã, phường có đường ô tô đến tận trung tâm xã, ấp; 100% số xã có trạm y tế, công trình thủy lợi, nhà bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, lưới điện quốc gia; 90% hộ dân sử dụng điện và số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày càng tăng.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo và có nhiều tiến bộ. Toàn tỉnh có 21 trường phổ thông thực hiện chương trình dạy tiếng dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc thiểu số học tập, tiếp thu tri thức. Công tác đào tạo nghề được triển khai thực hiện có hiệu quả, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo trên 5.400 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

An Giang đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc - 2

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng hoa cho các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần 2 năm 2020

Trong 5 năm qua, nguồn vốn từ Chương trình 135 đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ trực tiếp cho 116.448 hộ nghèo thực hiện các mô hình sản xuất nấm rơm trong nhà, nuôi lươn, nuôi bò, trồng rau màu an toàn…; 11.278 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn với số tiền hơn 162 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách, chiếm 41,85% trên tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số và chiếm 5, 27% tổng số dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang.

Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh An Giang tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người dân tộc thiểu số, qua đó từng bước thu hẹp chênh lệch giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển.

An Giang đẩy mạnh công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc - 3

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt tặng bằng khen cho các đại biểu vì thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác dân tộc thời gian qua.

Ngoài ra, nâng cao chất lượng tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản của người dân; không còn hộ dân tộc thiểu số thiếu nhà ở, nước sinh hoạt mà chưa được hỗ trợ; đảm bảo 95% hộ nghèo dân tộc có nhu cầu, đủ điều kiện, tiếp cận nguồn vốn vay chính sách; tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi (6 - 14 tuổi) đến trường đạt từ 85% trở lên,…

Đại hội đã bầu 10 đại biểu chính thức, 3 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 năm 2020.

Dịp này, 5 tập thể, 9 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 15 tập thể, 14 cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh An Giang vì thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác dân tộc thời gian qua.

Nguyễn Hành