Ám ảnh một "giao lộ tử thần" tại Hà Nội

(Dân trí) - Người dân cho biết, đèn tín hiệu ở khu vực đường ngang này chập chờn như đom đóm, nhất là vào những hôm trời mưa, đèn liên tục "nhảy múa".


Đây là phố Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội), nơi có đường sắt cắt ngang. Những vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ám ảnh nhiều người dân nơi đây từ bữa ăn tới giấc ngủ. Còn với những người làm trong ngành đường sắt lâu năm, địa điểm này được gọi với cái tên: giao lộ tử thần bởi số vụ tai nạn làm chết và bị thương nhiều người diễn ra liên tục, trong nhiều năm trở lại đây.

Theo thống kê, chỉ tính riêng tháng 11/2013 tại đoạn giao cắt này đã có tới ba vụ tai nạn giao thông, làm thiệt hại lớn về người và của. Mới đây nhất, ngày 12/11, tàu hoả đâm trực diện một chiếc taxi, làm 9 người trên xe bị thương nặng, một người đã tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. 

Anh Lưu, người đã sinh sống ở đây 7 năm trời, bàng hoàng kể lại vụ tai nạn làm 3 người chết xảy ra vào ngày 16/8/2008, khi tàu đâm vào một chiếc xe ô tô hiệu Toyota Camry. Cú đâm quá mạnh, chiếc xe ô tô văng vào một quán cháo lòng ngay cạnh đường tàu, làm chết tại chỗ nhiều người.

Khu vực xảy ra vụ tai nạn là đường ngang dân sinh, được lắp hệ thống đèn, chuông tín hiệu tự động ở hai đầu và không có rào chắn. Đường tàu cao hơi mặt đường bộ, nên để vượt qua được thì người điều khiển phương tiện phải tăng tốc độ, vượt lên một cái dốc khá cao. Trong khi đó, tầm nhìn các phía đều bị hạn chế. Các phương tiện đi từ phía đường Ngô Gia Tự vào Thượng Thanh và ngược lại không thể nhìn thấy tàu vì bị che khuất bởi dãy nhà che chắn ở hai bên.

Người phụ nữ này hàng ngày có mặt tại đây để thử độ nhạy của chuông cảnh báo khi có tàu qua nhưng người dân tại đây cho biết, đèn tín hiệu ở khu vực đường ngang này chập chờn như đom đóm, có khi tàu chưa đến đã báo đèn đỏ hoặc ngược lại, nhất là vào những hôm trời mưa, đèn liên tục chập chờn, người điều khiển các phương tiện chỉ thiếu quan sát là tai nạn ập đến.

Có mặt tại con phố này, phóng viên Báo điện tử Dân Trí đã ghi lại được những hình ảnh hết sức nguy hiểm. Khi có tàu chạy qua, tiếng chuông báo động vang lên, tiếng còi tàu inh ỏi, đèn đỏ thì liên tục nháy, một số người đi đường vẫn bất chấp, cố vượt qua cho bằng được. 

Theo thông tin từ Tổng công ty đường sắt Việt Nam, điểm giao cắt trên chỉ là 1 trong 7.000 đường ngang cần xây dựng rào chắn trong cả nước. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế hiện nay rất khó để ngành đường sắt có thể khắc phục ngay tình trạng này. Và trong khi các cơ quan chức năng loay hoay trong việc tìm lời giải hợp lý cho bài toán an toàn thì người dân vẫn ngày ngày đối diện với nguy hiểm mỗi khi lưu thông qua điểm giao cắt này.

Trọng Trinh