“Ai hỏi thăm tôi đều thản nhiên trả lời 'bị HIV'”

(Dân trí) - Khi bác sĩ đưa kết quả xét nghiệm dương tính HIV, bà G. vẫn thản nhiên như không, bởi bà không biết HIV là "con gì". Đối với trường hợp cháu Q. 18 tháng tuổi, không ai hiểu cháu nhiễm HIV từ đâu khi mẹ cháu vẫn hoàn toàn khỏe mạnh...

HIV là cái gì?

Thời gian qua, dư luận cả nước không khỏi giật mình trước thông tin bất ngờ phát hiện 42 người nhiễm HIV tại xã miền núi Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Theo các chuyên gia, tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần mức trung bình cả nước và có bất thường về mặt dịch tễ học.


Bà G. nhận kết quả dương tính với HIV nhưng bà vẫn thản nhiên vì không biết HIV là gì?

Bà G. nhận kết quả dương tính với HIV nhưng bà vẫn thản nhiên vì không biết HIV là gì?

Chúng tôi gặp người phụ nữ chân chất Hà T.G. (60 tuổi, ở xã Kim Thượng) khi bà đang rất lo lắng về căn bệnh của mình. Bà vẫn nhắc lại những ngày "chưa hề biết bệnh tật là gì", "chả biết đến viên thuốc"; chỉ ho hắng, sổ mũi, nhức đầu vặt vãnh, bà cứ quần quật lao động rồi lại tự khỏe. Thậm chí, ông Hà Văn N. chồng bà G. còn bảo vào thời điểm khỏe nhất, ông vẫn phải thua sức bà.

Cuối năm 2017, bà G. bỗng thấy lưỡi mình có những nốt lở như bị nhiệt nên sang nhà y sĩ Hà Trần T. (làm việc ở Trung tâm Y tế huyện) xem mình bị làm sao. Y sĩ T. quan sát rồi đoán có thể bà bị nấm lưỡi. Bà G. được cho thuốc uống, đồng thời đến nhà y sĩ này tiêm mỗi ngày. Sau hai tuần vừa uống vừa tiêm mà bệnh tình không thuyên giảm, bà G. mới xuống bệnh viện huyện khám.

Ở Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, bà được lấy máu và làm xét nghiệm nhưng không tìm ra bệnh. Về nhà, thấy lưỡi vẫn lở, người phụ nữ 60 tuổi này quyết định đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám và hay tin mình nhiễm HIV.

Bà G. thật thà kể: “Bác sĩ giải thích là tôi đã qua giai đoạn ủ bệnh, lưỡi tôi lở không phải do nấm miệng mà đó là biểu hiện của thời kỳ phát bệnh. Nghe bác sĩ nói thế tôi chỉ biết là mình mắc bệnh chứ không biết HIV là gì. Về gặp mọi người, ai hỏi “kết quả khám thế nào” tôi đều thản nhiên trả lời là “bị HIV”. Đến khi mấy đứa con trong nhà và mấy người hàng xóm hốt hoảng giải thích, tôi mới lo sợ”.


Căn bệnh ập xuống gia đình cụ bà 80 tuổi.

Căn bệnh ập xuống gia đình cụ bà 80 tuổi.

Từ tháng 2/2018 đến giờ, khi đã hiểu căn bệnh của mình, bà G. không dám đến dự các đám cỗ bàn, ở nhà bà cũng lầm lũi ăn riêng, sắp xếp các dụng cụ sinh hoạt riêng để bảo đảm an toàn cho gia đình. Bà cũng phải nén lại niềm vui quấn quýt, âu yếm đàn cháu nhỏ vì sợ lây bệnh cho chúng. Cũng may là bây giờ bà và gia đình đã vượt qua được giai đoạn chán chường, hoảng loạn. Và dường như, ở tuổi 60, việc chấp nhận sự thật đó có phần nhẹ nhàng hơn.

“Tôi đang uống thuốc ARV kháng virus do bệnh viện cấp. Điều trị từ lúc biết bệnh là tháng 2/2018 đến nay tôi đã tăng được 5kg, ăn uống cũng tốt hơn nên sức khoẻ khá lên rất rõ”, bà G. chia sẻ.

Chị Trần Thị T. (SN 1972, ở xóm Chiềng 2) cũng ít khi bị ốm và chỉ đến nhà y sĩ T. điều trị khi thấy miệng lở loét, cơ thể gầy còm, sức khoẻ xuống dốc. Sau khoảng 2 tháng không thấy biến chuyển, chị T. chuyển hướng sang phòng khám của một bác sĩ ở xóm D. (cùng xã). Cuối cùng chị vẫn phải xuống Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ hồi tháng 5/2018 và nhận kết quả nhiễm virus HIV.

Sau ba tháng kể từ ngày biết bệnh, chị T. đã sút hơn 10kg. Bây giờ chị gầy rộc, hầu như nằm cả ngày, rúm ró như mèo hen. Chị bảo xóm giềng không xa lánh, họ hàng vẫn đến thăm hỏi động viên, nhưng chị vẫn chưa thể vượt qua cú sốc này.

Đứa trẻ 18 tháng tuổi nhiễm HIV

Ngôi nhà mới xây còn ngai ngái mùi xi măng của gia đình chị Phùng Thị Đ. (SN 1983) nằm ven con suối nhỏ của xóm Chiềng 3. Những ngày này, các thành viên trong gia đình dường như đều tránh nhìn vào mắt nhau, không có gì khiến họ thấy vui bởi con gái N.Q. mới 18 tháng tuổi của vợ chồng chị vừa phát hiện dương tính với virus HIV.


Xóm Kim Thượng đang yên bình bỗng xáo động vì cơn bão HIV.

Xóm Kim Thượng đang yên bình bỗng xáo động vì "cơn bão HIV".

Chị Đ. ẵm con mà nét mặt cứ bần thần, mỗi lúc cháu Q. lẫm chẫm bước chân, ê a gọi “bà”, “mẹ” là chị Đ. lại ứa nước mắt. Chị kể, khi Q. được khoảng 5 tháng tuổi, chị Đ. đã thấy con không được khoẻ mạnh như những đứa trẻ khác.

Gần đây, thấy chân tay con có nhiều vết lở, chị nghĩ cháu chỉ dị ứng thông thường nên hay nấu nước lá tắm cho con, nhưng những nốt ngứa ngày càng dày hơn. Nhìn cẳng chân đầy vết lở cũ, mới của con, chị Đ. gạt nước mắt bảo bản thân và gia đình vẫn chưa thể tin vào sự thật buốt xót này.

Theo nhận định sơ bộ của các chuyên gia y tế, bé N.Q nhiễm HIV dù mẹ không hề bị bệnh, chứng tỏ bé nhiễm qua đường máu. Gần nhà cháu bé này có 2 vợ chồng mang virus HIV, bị bệnh vảy nến nhưng không biết mình nhiễm bệnh.

Sống cùng các cháu ở xóm Chiềng 1 trong ngôi nhà sàn gỗ đã ngả màu nâu sẫm, cụ Phùng Thị C. (80 tuổi) chưa bao giờ đi đâu khỏi Kim Thượng kể từ ngày về đây làm dâu. Khi chưa phát hiện "con HIV", cuộc đời cụ vốn đã là câu chuyện buồn. 22 tuổi cụ lấy chồng, sống với nhau chưa đầy năm, chưa kịp có lấy một mụn con thì chồng cụ đi bộ đội. Suốt mấy chục năm cụ không nhận được thông tin gì từ chồng.

Khoảng 10 năm trước, các anh em, con cháu nghe được chút tin tức về cụ ông nên toả ra đi tìm. “Hóa ra, ông ấy lấy vợ khác ở tận Bắc Thái (cũ, nay là Thái Nguyên và Bắc Kạn - PV), anh em tìm thấy, nói về làm mồ mả cho bố thì ông ấy mới về. Ông ấy về lần đó thôi, còn chưa bao giờ quay lại”, bà lão người Mường nói, đôi mắt ầng ậc nước.


Con HIV là cái kết đắng cho số phận của người phụ nữ đã dành cả đời để chờ đợi một người đàn ông không muốn trở về.

"Con HIV" là cái kết đắng cho số phận của người phụ nữ đã dành cả đời để chờ đợi một người đàn ông không muốn trở về.

Ngày chồng đi bộ đội, người anh chồng thương em dâu côi cút nên đã để một đứa con của mình đến sống cùng. Một mình đơn chiếc nên cụ yêu thương cháu chẳng khác nào con đẻ. Một tay cụ nuôi cháu lớn khôn, rồi lo chuyện vợ con cho cháu.

Ba mươi năm trước, người cháu này không may mất vì bị điện giật, cháu dâu đi bước nữa nên mang một đứa con về nhà chồng, một đứa để lại cho cụ nuôi. Bây giờ người cháu ấy là anh Hà Văn H. cũng đã lấy vợ, sinh con.

Cuộc sống nghèo khó, vợ chồng anh H. phải xuống Hà Nội làm thuê, hai đứa con gái ở quê sống cùng cụ C.

Giữa nếp nhà yên bình ấy, tóc đã bạc, da đã mồi, răng chỉ còn vài chiếc, cụ C. tâm sự: “Tôi có 5 anh em, ông anh cả đã mất, hai em trai đều là liệt sĩ, bây giờ chỉ còn tôi và người em gái sống ở huyện Thanh Sơn. Hai chị em đều già yếu rồi nên có muốn cũng chẳng thể đi thăm nhau được”.

Giọng cụ buồn bã: “Tháng trước người ta (Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn - PV) đến lấy máu để mang đi xét nghiệm, người ta bảo tôi dương tính với HIV. Lúc đó tôi vẫn chưa biết HIV là gì, mãi đến khi nghe hàng xóm nói, rồi cháu dâu bỏ cả việc về nhà chăm sóc tôi thì tôi mới biết đến cái bệnh ấy. Đến lúc gần đất xa trời, tai họa lại từ đâu ập đến!”.

490 người được lấy máu xét nghiệm, kết quả là 42 người nhiễm HIV. Với tâm lý hoang mang, hoảng loạn, nhiều người chỉ biết nghĩ đến việc y sĩ Hà Trần T. dùng chung bơm kim tiêm mà gây ra tai hoạ cho các bệnh nhân. Nhưng rồi bình tâm lại, họ thấy có những người đã chuyển sang giai đoạn AIDS trước khi đến tiêm ở nhà anh T.; lại có không ít người thường đến đây tiêm nhưng kết quả vẫn âm tính…

Hiện những người dân ở Kim Thượng vẫn đang mong chờ câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng.

Tuấn Hợp