6 con không nuôi nổi mẹ già

Người già, trong những ngày nắng tắt chiều hôm, khi mà sức khỏe đã bỏ họ ra đi thì điều hạnh phúc nhất là được quây quần bên con cháu. Thế nhưng, với bà Lê Thị Dẽo (SN 1942) thì những ngày tháng cuối đời là khoảng thời gian bất hạnh cả về thể xác lẫn tinh thần.

Vất vả cả đời vì con cháu, ở tuổi 70 bà Dẽo phải sống trong cô độc, bệnh tật
Vất vả cả đời vì con cháu, ở tuổi 70 bà Dẽo phải sống trong cô độc, bệnh tật

 

“Tui thèm nghe tiếng nói của con cháu quá!”

 

Ngôi nhà tình thương của bà cụ Lê Thị Dẽo ở thôn Hồng Thanh- xã Hồng Phong-huyện Bắc Bình, Bình Thuận luôn đóng kín cửa. Khi chúng tôi bước vào, vừa mở cửa ra, một mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ở phía góc nhà, bà Dẽo thân hình tiều tụy nằm nghiêng trên võng. Dưới chân bà, một xấp bánh tráng khô cứng bên tô nước mắm đã quắt lại.

 

Hướng đôi mắt mờ đục về phía có tiếng động, bà nói trong hơi thở đứt quãng: “Tới giờ ăn rồi hả, đem qua cho má hả con?”. Thì ra, bà cụ tưởng chúng tôi là người đem cơm qua cho bà hàng ngày.

 

Từ mấy năm nay, không biết bệnh gì mà toàn bộ vùng kín của bà Dẽo bị nhiễm trùng rất nặng. Các vết thương lở loét, rỉ máu, làm mủ gây đau nhức. Bộ phận hậu môn của bà không còn co thắt như bình thường mà giãn rộng ra, lúc nào chất nhầy nơi đây cũng rỉ ra liên tục. Còn đôi chân thì sưng to, đi lại khó khăn, nên bà không thể tự chủ trong việc vệ sinh cá nhân.

 

Bà Dẽo kể, cách đây mấy năm, vùng kín bà đột nhiên lở loét, đau nhức. Bà pha phèn chua để rửa và từ đó nhiễm trùng càng nặng nề hơn. Tuổi già, con cái không ngó ngàng gì tới, không tiền đi khám bệnh, bà cứ để và bệnh tình ngày càng nặng hơn. Từ gần 2 năm nay, khi bệnh trở nặng, bà hầu như chỉ ngồi một chỗ trên chiếc võng đặt trong góc nhà mòn mỏi chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.

 

Vất vả cả đời vì con cháu, ở tuổi 70 bà Dẽo phải sống trong cô độc, bệnh tật
Dù không còn răng nhưng bà Dẽo vẫn cố nhai những miếng bánh tráng như thế này vì sợ không ăn đêm sẽ đói

 

Bà Dẽo có 2 đời chồng, khi hai người có với nhau 4 đứa con thì ông qua đời, lúc đó bà mới 37 tuổi. Bốn năm sau, bà đi bước nữa và có thêm 2 người con. Tuy nhiên, người chồng sau chẳng những thường xuyên rượu chè, đánh đập vợ mà còn không chăm lo gì đến gia đình, để bà một mình một gánh nuôi con. Rồi ông cũng qua đời, con cái khôn lớn, có gia đình riêng. Những tưởng cả đời vất vả, về già dù không giàu sang gì nhưng ít ra cũng được vui vầy bên con cháu, nhưng...

 

Đôi mắt mờ đục hấp háy, bà Dẽo run run kể: “Ngoài 6 đứa con, cháu chắc của tui cũng hơn mười đứa. Nhưng mấy năm nay, từ ngày tui bị bệnh, tụi nó chửi tui hôi hám, dơ dáy, xa lánh hết, chỉ có đứa con gái út là lo cho tui. Tui ở 1 mình trong căn nhà tình thương do địa phương xây. Tối tui ngủ cũng không dám đóng kín cửa, vì sợ chết bất tử không ai biết. Lâu rồi, tui không nghe, không thấy tiếng nói cười của đám con cháu, tui nhớ lắm... ”.

 

Nhìn xấp bánh tráng khô đét, tôi hỏi thăm chuyện ăn uống, bà Dẻo cho biết con út bà thương mẹ nhưng rất nghèo, bận bịu cả ngày nên không bà không dám đòi hỏi gì, con đem gì qua thì ăn đó, bữa đói bữa no và hầu hết là nguội lạnh.

 

“Trệu trạo nhai mớ bánh tráng khô, bà Dẻo nói: “Lâu rồi tui thèm bánh xèo với mì quảng nhưng biết con nó khổ nên cũng không dám nói...”.

 

Vất vả cả đời vì con cháu, ở tuổi 70 bà Dẽo phải sống trong cô độc, bệnh tật
Do vết thương ở hậu môn và vùng kín, chân thì sưng nên bà Dẽo không đi đứng được, hết nằm rồi ngồi trên võng

 

Chúng tôi ngồi nói chuyện với bà một lúc, có một phụ nữ đến. Chị tên Lê Thị Kề, là con gái út của bà Dẽo. Chị cũng là người hàng ngày mang thức ăn qua cho bà. Chị Kề nói: “Tui cũng thương má lắm, nhưng còn chồng con và công việc nữa. Nên không thể thường xuyên ở bên cạnh má, tới giờ cơm thì đem qua. Cách vài bữa, qua dọn dẹp vệ sinh 1 lần. Các anh chị khác cũng ở gần đây, nhưng lâu rồi không thấy ai tới chăm sóc hay thăm hỏi cả. Có tới, cũng chỉ nhìn 1 cái rồi đi. Có người còn cấm con, cấm cháu tới gần má vì sợ bị lây, mà lây gì tui cũng không biết nữa, vì có biết má bệnh gì đâu?!”.

 

Chị Kề nói tiếp: “Tui nghèo, đi làm thuê làm mướn, kiếm miếng ăn đã khó nên không có điều kiện đưa má đi khám bệnh. Các anh chị lớn xa lánh má, một mình tôi thì không kham nỗi, nên cứ để má như vậy. Tới đâu hay tới đó”.

 

Anh Lê Văn Khánh, con trai bà Dẽo lâu rồi không đến thăm mẹ vì ơn ớn
Anh Lê Văn Khánh, con trai bà Dẽo lâu rồi không đến thăm mẹ vì "ơn ớn"

 

Theo lời chị Kề chỉ, tôi tới nhà người anh Lê Văn Khánh- người con trai lớn của bà Dẽo nhà ở gần đó. Gặp chúng tôi, anh ta thờ ơ nói: “Lúc trước tui cũng hay qua lại nhà má, nhưng từ lúc má bệnh tôi thấy ơn ớn, ghê ghê nên không tới nữa. Mà bả bị bệnh ở vùng kín, để mấy đứa con gái lo, tôi làm được gì?!”.

 

Nước mắt người dưng

 

Chị Nguyễn Thị Loan, Trạm trưởng trạm y tế xã Hồng Phong, người hay mang thuốc và rửa ráy vết thương, truyền dịch khi bà Dẽo kiệt sức nói: “Bà cụ bất hạnh lắm. Điều trị cho bà phần lớn tôi không lấy tiền vì bà có tiền đâu mà trả. Tôi thương tình cảnh của bà nên tự nguyện tới chăm sóc, truyền dịch cho bà. Chứ con cái bà có thấy ai đâu? Do vết thương bị nhiễm trùng, lở loét, không tự chủ khi đi vệ sinh, nhiều lần tôi tới nhà, nhìn bà mà không cầm được nước mắt. Bà nằm đau đớn trên đống phân đầy máu mủ, hôi thối, không có ai bên cạnh, cũng không có gì để ăn”.

 

Chị Loan nói tiếp “Thấy tình trạng bà vậy, tôi nói với các con bà, tôi sẵn sàng đóng góp tiền xe để đưa bà đi bệnh viện tỉnh khám thử xem bà bị bệnh gì để có hướng điều trị. Nhưng các con bà bỏ lơ, nói để bà ở nhà được chừng nào hay chừng đó”.

 

Căn nhà tình thương do địa phương xây cho bà Dẽo
Căn nhà tình thương do địa phương xây cho bà Dẽo

 

Còn bà Nguyễn Thị Năm một người hàng xóm ở gần nhà bà Dẽo nói: “Bà cụ bệnh ngày càng nặng là do không có sự chăm sóc, không được điều trị, không được ăn uống đầy đủ. Bà cứ thui thủi 1 mình vậy, ai cho gì ăn, nhiều hôm tôi thấy bà nằm lăn lộn trong đóng phân lẫn thức ăn. Bệnh mà sống trong tình trạng như vậy, thì ngày càng nặng thêm. Tôi thương bà nên thỉnh thoảng cũng hay qua nói chuyện và giúp đỡ”.

 

Khi chúng tôi đứng lên chào bà để ra về, đột nhiên bà Dẽo nói nhỏ như thầm thì chỉ đủ một mình bà nghe: “Sắp tới đám giỗ của má chồng tôi rồi. Tối ngủ, tôi cứ mong bà về để dẫn tôi đi theo”.

 

Khép cửa lại, bước ra khỏi nhà bà Dẽo, người đàn bà từng 1 nách làm lụng quần quật để nuôi 6 đứa con khôn lớn, giờ đây đang sống những ngày cuối đời trong đau đớn và cô độc, tôi nghĩ đến các bà mẹ trẻ đang lo lắng, chăm sóc từng li từng tí cho những đứa con bé bỏng của mình. Tất cả niềm vui nỗi buồn của cuộc đời họ đều dồn cả vào những sinh linh bé nhỏ đó, để rồi, mong 1 ngày con họ khôn lớn, nên người…

 

Theo Phượng Huỳnh

 Người lao động