4,4 tỷ đồng bị thiêu mỗi ngày và nỗi lo hàng trăm chung cư “phơi nhiễm” cháy

(Dân trí) - Chiều 9/8, đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018” của Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát với những con số đáng giật mình khi trung bình mỗi  ngày xảy ra 9 vụ cháy, gây thiệt hại 4,4 tỷ đồng…

Thành thị hoả hoạn nhiều nhất

Theo báo cáo từ Chính phủ, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người. Con số thiệt hại về tài sản ước khoảng 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 hécta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 hécta rừng; mỗi ngày xảy ra 9 vụ, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 hécta rừng.

Xét theo địa bàn, khu vực thành thị có số vụ cháy xảy ra nhiều nhất, chiếm 60,11%. Số vụ cháy tại khu vực nông thôn chiếm 39,89%; cháy tại khu vực nhà dân 5.636 vụ (chiếm 42,86 %) và tại cơ sở kinh tế tư nhân 4.861 vụ (chiếm 36,97%).

4,4 tỷ đồng bị thiêu mỗi ngày và nỗi lo hàng trăm chung cư “phơi nhiễm” cháy - 1
Lý do nhiều chung cư ở các đô thị lớn "phơi nhiễm" cháy nổ là do ép tiến độ, vội vã giao nhà khi chưa hoàn thành các hạng mục kỹ thuật PCCC.

Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện lên tới 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt là 3.291 vụ (chiếm 29,18%).

Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản được thống kêlà 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng (chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra). Số vụ cháy có quy mô nhỏ và trung bình (được dập tắt kịp thời hoặc được khống chế không để xảy ra cháy lớn) chiếm 99%.

Đoàn giám sát cho biết, tình hình cháy nổ ngày càng phức tạp trong khi hạ tầng giao thông phát triển thiếu đồng bộ với nền kinh tế đã gây không ít khó khăn cho công tác PCCC.

Báo cáo giám sát cũng nêu nhận định khái quát, hầu hết các khu tập trung đông dân cư như ở các đô thị, các khu công nghiệp, nhà ga, bến xe, bến phà… hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, lối đi hẹp, dễ xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ, không có lối thoát nạn.

Đáng chú ý, hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC (năm 2001) có hiệu lực.

Tính đến tháng 7/2018, cả nước còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Nguyên nhân chủ yếu, theo báo cáo của Chính phủ, là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị PCCC không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về PCCC; mặt khác do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật  PCCC.

Tuy nhiên, việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.

Hơn 11.000 vụ cháy, truy tố được 43 bị can, phạt 206 tỷ đồng

Cũng trong giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (chiếm tỷ lệ 85,76%). Hiện 1.872 vụ đang được tiếp tục điều tra.

Đối với các vụ cháy lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời tiến hành khởi tố điều tra làm rõ trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC, điển hình như vụ cháy ngày 19/3/2014 tại chợ Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên; vụ cháy ngày 1/11/2016 tại quán Karaoke số 68, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; vụ cháy 29/7/2017 tại xưởng sản xuất socola ở xã Đức Thượng, Huyện Hoài Đức, Hà Nội…

Cơ quan chức năng cũng đã đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử 66 vụ án, truy tố 43 bị can vi phạm pháp luật trong lĩnh vực PCCC; lập 98.384 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 98.384 trường hợp vi phạm về PCCC với tổng số tiền nộp ngân sách là 206 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp và phạt cảnh cáo hơn 2.035 trường hợp vi phạm.

Dù vậy, đoàn giám sát nhận định, tình trạng vi phạm các quy định về điều kiện an toàn PCCC được phát hiện còn ít so với thực tế. Việc xử lý đối với các hành vi vi phạm còn thiếu kiên quyết, đa số là dừng lại ở việc hướng dẫn, kiến nghị. Nhiều vụ cháy không làm rõ được nguyên nhân do nhiều yếu tố khách quan.

Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong PCCC được cho là thiếu phối hợp giữa các lực lượng, chưa thực sự quyết liệt, triệt để.

Đoàn giám sát chỉ rõ, tại các địa phương, lãnh đạo UBND các cấp chưa thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm trong công tác xử lý vi phạm quy định an toàn PCCC. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC liên quan đến lợi ích doanh nghiệp và quan hệ kinh tế - xã hội phức tạp, có những trường hợp không giải quyết được dứt điểm.

P.Thảo