1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

40 triệu xe máy, nếu thu đủ phí sẽ có thêm 2.800 tỷ làm đường

(Dân trí) - “Việt Nam hiện có khoảng 40 triệu xe máy, thu bình quân 70.000 đồng/xe, nếu thu được hết sẽ được 2.800 tỷ, con số khá lớn (số thu với ôtô khoảng 5.000 tỷ đồng) nhưng vì chưa có chế tài với người không nộp nên dừng thu, tìm khoản khác bù” – Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường nói.

 


Cả nước hiện có khoảng 40 triệu xe máy.

Cả nước hiện có khoảng 40 triệu xe máy.

Quyết định thống nhất của Chính phủ về việc tạm dùng thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện đối với xe máy được báo giới đặt lại trong phiên họp báo thường kỳ tháng 9 do Văn phòng Chính phủ tối 1/10.

Việc thu phí xe máy mới triển khai một năm đã phải dừng lại đặt ra câu hỏi về việc đánh giá tác động chính sách trước khi ban hành đã được nghiên cứu, xem xét đầy đủ. Kinh nghiệm cần rút ra cho việc xây dựng chính sách mà mới thực hiện trong thời gian ngắn đã phải chấm dứt, thay đổi?

Trao đổi về nội dung này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong phiên họp thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng căn cứ đề nghị của các địa phương và thực tiễn thực hiện đã đề nghị Chính phủ dừng thu phí đường bộ với xe máy từ 1/1/2016.

Ông Trường diễn giải, trong Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ có quy định thu phí với xe máy và giao UBND các tỉnh trực tiếp thu từ năm 2013, toàn bộ khoản thu để lại địa phương để duy tu đường của địa phương. Qua gần 3 năm thực hiện, số thu không nhiều, nguyên nhân được cho là do chưa có chế tài xử lý người không nộp.

“Chúng tôi và Bộ Tài chính đã tính đến việc UBND các phường, xã trực tiếp thu từ người có hộ khẩu ở địa phương để họ tự khai báo. Nhưng hiện nay, có thực trạng người chủ và người sử dụng không ở một nơi, chẳng hạn bố mẹ đăng ký xe máy sau đó cho con ra thành phố đi học, nên khả năng thu rất thấp. Đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa, dù đã miễn thu với hộ nghèo nhưng vẫn ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Trên thực tế số thu không đủ số chi ở địa phương” – Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Trước tình hình đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí với mô tô, xe máy.

Ông Trường cũng thông tin thêm, hiện cả nước có khoảng 40 triệu xe máy, bình quân thu khoảng 70.000 đồng mỗi xe. Như vậy, nếu thu được hết, số phí thu được mỗi năm đạt khoảng 2.800 tỷ đồng. Số tiền này không nhỏ (tổng số phí thu với ô tô cũng chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng), nếu thu được sẽ có tác dụng khá lớn để duy tu đường địa phương.

Nhưng do chưa có chế tài với người không nộp nên việc thu phí không hiệu quả, tỷ lệ đạt thấp. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị dừng thu để nghiên cứu, dùng các khoản thu khác để bù vào. Ông Trường so sánh, trước đây, nhà nước cũng từng quyết định bỏ thu phí qua trạm với xe máy, chỉ thu với ô tô. Giờ việc thu phí sử dụng đường bộ cũng làm theo hướng đó để phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Một nội dung khác liên quan đến ngành giao thông được “chất vấn” là về việc kết luận thanh tra một số dự án BOT trong ngành mà Bộ KH-ĐT ban hành vừa qua, tổng mức đầu tư các dự án chênh lớn đến cả nghìn tỷ đồng so với thống kê của Bộ GTVT.

Nói về quan điểm của Chính phủ đối với vấn đề này, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, thanh tra Bộ KH&ĐT đang tiến hành thanh tra đối với 17 dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BT tại Bộ GTVT. Kết quả thanh tra đối với từng Dự án cụ thể được đoàn Thanh tra lập và công bố theo quy định. Khi kết thúc Kế hoạch thanh tra, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp chung kết quả thanh tra 17 dự án, dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng trong tháng 1/2016.

Ngày 8/9/2015, Bộ GTVT có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo giải trình và tiếp thu một số nội dung trong kết luận thanh tra. Tuy nhiên, Bộ cũng trình bày một số vấn đề về cách tính tổng mức đầu tư... để làm rõ hơn các nội dung kết luận thanh tra.

Theo đó tổng mức đầu tư là căn cứ ban đầu để dự tính thời gian hoàn vốn phục vụ đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư. Thời gian thu phí chính thức được quyết định theo giá trị quyết toán công trình nên phần kinh phí chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát, lãng phí hoặc khai khống tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trao đổi, khi Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng về kết quả thanh tra 17 dự án, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

P.Thảo