4 tỉnh kết hợp làm nên nồi cá kho “làng Chí Phèo” đặc sản

(Dân trí) - Để có được niêu cá kho ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, khâu nào cũng hết sức kỹ lưỡng. Đặc biệt, một nồi cá kho còn là sự kết hợp của 4 tỉnh khác nhau.

Làng “Chí Phèo” nổi lửa nấu cá phục vụ Tết

Làng Vũ Đại là địa danh nổi tiếng trong truyện ngắn “Chí Phèo”của cố nhà văn Nam Cao. Nói đến làng Vũ Đại xưa là nói đến cái nghèo, cái khổ… với món cá kho mặn như muối. Nhưng cũng từ chính món cá kho ấy đã làm Vũ Đại ngày nay đã thay da đổi thịt từng ngày, nhiều hộ cũng phất lên từ nồi cá kho.

Làng Vũ Đại trong tác phẩm "Chí Phèo" lấy nguyên mẫu chính từ làng Đại Hoàng (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) - quê hương của cố nhà văn Nam Cao.

Trước đây, cuộc sống của người dân Đại Hoàng khốn khó trăm bề, thiếu thốn đủ thứ. Vì vậy, cá phải kho thật mặn để ăn dần trong thời gian dài. Lâu dần món cá kho này trở thành thứ không thể thiếu của người dân nơi đây.

4 tỉnh kết hợp làm nên nồi cá kho “làng Chí Phèo” đặc sản - 1

Cuối năm cả làng "Vũ Đại" nổi lửa kho cá phục vụ thực khách trong và ngoài nước

Ngày nay, cá kho Đại Hoàng không chỉ là món ăn phục vụ cho những người dân quê nghèo làng Vũ Đại mà trở thành món đặc sản được “săn đón” khắp cả nước. Không chỉ làm để phục vụ chính gia đình những ngày tết, nhiều hộ gia đình ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, đã biến món cá kho cổ truyền của làng mình thành món quà biếu, rồi kinh doanh.

Chính từ những niêu cá kho cổ truyền này, không ít gia đình đã trở nên phát đạt. Nắm bắt được xu thế, các cơ sở nấu cá kho Đại Hoàng ngày càng hình thành nhiều, cá kho Đại Hoàng cũng trở thành món hàng “hot” mỗi dịp tết đến xuân về.

4 tỉnh kết hợp làm nên nồi cá kho “làng Chí Phèo” đặc sản - 2

Cá kho Đại Hoàng không chỉ là món ăn phục vụ cho những người dân quê nghèo làng Vũ Đại mà trở thành món đặc sản được “săn đón” khắp cả nước

Để có được niêu cá kho ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, khâu nào cũng hết sức kỹ lưỡng. Đặc biệt, một nồi cá kho còn là sự kết hợp của 4 tỉnh khác nhau.

Giải thích về sự liên đới của 4 tỉnh thành, ông Trần Xuân Thực, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và chế biến cá kho cổ truyền Nhân Hậu nói rằng: “Niêu đất chỉ người ở Nghệ An làm được, nhưng còn nắp vung khéo léo, tài hoa thì chỉ có người xứ Thanh Hóa làm được. Thùng đóng hộp, không đâu bền đẹp bằng Nam Định và cơ sở chế biến ở làng Đại Hoàng thì là điều tất yếu không thể thiếu. Nếu thiếu đi 1 trong 4 thứ này, niêu cá kho sẽ không được trọn vẹn”.

4 tỉnh kết hợp làm nên nồi cá kho “làng Chí Phèo” đặc sản - 3

Xã Hòa Hậu hiện có gần 200 hộ làm nghề kho cá, dịp Tết Nguyên đán này, theo ước tính xã cung cấp khoảng 30.000 niêu cá các loại với giá từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng/niêu ra thị trường.

Xã Hòa Hậu hiện có gần 200 hộ làm nghề kho cá, dịp Tết Nguyên đán này, theo ước tính xã cung cấp khoảng 30.000 niêu cá các loại với giá từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng/niêu ra thị trường.

Theo anh Trần Hữu Hoàn, chủ một cơ sở sản xuất cá kho Đại Hoàng ở, xã Hòa Hậu, trong năm nay ước tính gia đình anh được đặt khoảng 3.000 niêu cá. Để đáp ứng nhu cầu của thực khách, cơ sở của anh phải huy động 20 lao động kho cá suốt ngày đêm để kịp các đơn hàng.

Nhờ bí quyết gia truyền cùng sự cầu kỳ từ lúc lựa chọn nguyên liệu, làm cá, tẩm ướp gia vị cho đến quá trình kho cá công phu nên sản phẩm cá kho của gia đình anh Hoàn vào dịp Tết Nguyên đán những năm gần đây thường “cung không đủ cầu”. Những đơn hàng đặt sau ngày 23 tháng Chạp, cơ sở không nhận nữa vì không thể làm kịp.

4 tỉnh kết hợp làm nên nồi cá kho “làng Chí Phèo” đặc sản - 4

Những niêu cá được xếp lên ô tô đưa đi

Còn tại cơ sở kho cá Phong Thực của ông Trần Xuân Thực, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh cá kho Nhân Hậu, những ngày giáp Tết Nguyên đán này cũng đang hoạt động hết công suất để kịp phục vụ gần 2.000 niêu cá đã đặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Cơ sở đã đầu tư xây khu bếp có hệ thống hút khói, bể cá sống đảm bảo chủ động trong thời gian sản xuất cao điểm.

4 tỉnh kết hợp làm nên nồi cá kho “làng Chí Phèo” đặc sản - 5

Nghề kho cá của làng Đại Hoàng phát triển khá tốt đem lại lợi nhuận không chỉ cho các chủ cơ sở cá kho mà còn mang lại lợi ích cho những người nuôi cá, những lao động trong xã cũng như các xã lân cận đến làm thêm.

Cá kho Đại Hoàng được người dân bán quanh năm, nhưng tất bật và bận rộn nhất vẫn là những ngày giáp tết. Người dân bắt đầu kho cá từ ngày 9 tháng Chạp và hết tháng Giêng âm lịch. Nhất là những ngày như rằm tháng Chạp, dịp Tết ông Công ông Táo. Những ngày này khách thập phương đổ xô về đây để đặt hàng. 

Ông Trần Hữu Thao, Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cho biết: “Khoảng chục năm trở lại đây nghề kho cá của làng Đại Hoàng phát triển khá tốt đem lại lợi nhuận không chỉ cho các chủ cơ sở cá kho mà còn mang lại lợi nhuận đều cho những người nuôi cá, những lao động trong xã cũng như các xã lân cận đến làm thêm. Đặc biệt, năm nay giá lợn hơi tăng cao, các thực phẩm khác cũng vì thế mà tăng nên nhu cầu đặt cá lại tăng hơn so với mọi năm. Cá kho hiện nay không chỉ có người Việt mình có nhu cầu mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài”.

Đức Văn