1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thái Bình:

35 năm đi tìm người lính cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền

(Dân trí) - 40 năm trước, vào ngày 30/4/1975, ngoài một người con Thái Bình là Đại tá Bùi Quang Thận cắm cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh độc lập, quê lúa còn có một người lính khác đã cắm lá cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn.


Trở về từ chiến trường, người lính Nguyễn Duy Đông (SN 1952), quê xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông chính là người cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn trong ngày 30/4 lịch sử. 40 năm đã qua đi nhưng ông vẫn còn nhớ như in những ký ức trong chiến tranh, có đau thương, mất mát, có quyết tâm, có niềm vui thắng trận và hơn hết, mong muốn của dân Việt Nam là giải phóng đất nước, non sông thu về một mối.

Năm 1972, chàng thanh niên Nguyễn Duy Đông xung phong lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Trung đoàn này được giao nhiệm vụ tập trung đánh chiếm và giữ Thành cổ Quảng Trị. Trung đoàn 48 còn có tên gọi khác là Đoàn Thạch Hãn vì những trận đánh ác liệt, gian khổ nhất trong 81 ngày đêm "đỏ lửa" giữ thành.

Ngôi nhà của ông Đông treo rất nhiều ảnh về Trung đoàn 48.
Ngôi nhà của ông Đông treo rất nhiều ảnh về Trung đoàn 48.

Vào tháng 9/1973, Trung đoàn 48 được lệnh hành quân ra Bắc, xây dựng lực lượng, bảo vệ miền Bắc, chuẩn bị vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến tháng 2/1975, Trung đoàn 48 nhận được lệnh hành quân cấp tốc vào Nam tiến hành chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 của ông Đông nhận được lệnh phải đánh chiếm và cắm bằng được lá cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn. Nhiệm vụ này được giao cho Đại đội 5 do đồng chí Lại Đức Lưu làm Đại đội trưởng. Ban chỉ huy tiểu đoàn phân công tổ trinh sát gồm 3 người là Nguyễn Duy Đông, Đỗ Xuân Hương và Trịnh Bá Uẩn thực hiện nhiệm vụ tăng cường cho đại đội 5, dẫn bộ binh trực tiếp chiến đấu và cắm cờ.

Theo đúng kế hoạch, vào sáng 30/4/1975, tổ mũi nhọn gồm 5 người, trong đó ông Đông là tổ phó cùng với tổ trưởng Lại Đức Lưu, cùng 3 người khác theo xe tăng vào Lái Thiêu (Bình Dương), phối hợp cùng đơn vị tiến đánh cầu Bình Triệu, nơi Mỹ ngụy tập trung đông, quyết tâm bảo vệ cầu, bảo vệ phía Bắc Sài Gòn - Gia Định.

 Ông Nguyễn Duy Đông người lính cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn.
 Ông Nguyễn Duy Đông người lính cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn.

Tại đây, quân ta đã tiêu diệt 5 xe tăng địch. Khi xe chỉ huy của ta đối đầu 1 xe thiết giáp của đối phương, ông Đông đã nhanh chóng xuống xe, chĩa thẳng súng vào xe giặc và hô lớn “Hàng thì sống, chống thì chết”. Từ phía sau, đồng đội ào lên hỗ trợ, khống chế xe thiết giáp, buộc tên giặc phải đầu hàng, bắt chúng quay đầu và dẫn cả đơn vị vào Sài Gòn tiến đánh Bộ Tổng tham mưu.

Ông Đông hồi tưởng lại: "Lúc đấy tôi nhớ là vào khoảng 11h kém 20, ngày 30/4/1975 theo đường Trần Xuân Soạn tiến về đường Hàm Nghi, tiểu đoàn 2 đánh thẳng vào cổng 1 Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn. Lúc này cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt, tiểu đoàn 2 không thể thọc sâu tấn công được. Theo lệnh của chỉ huy trưởng Thiều Quang Nông, xe bọc thép tiến vào cổng 2 Bộ Tổng tham mưu. Xe bọc thép tiếp tục húc tung cánh cổng của Bộ Tổng tham mưu tiến vào nội tâm. Lúc này xe tăng của ta và quân giải phóng đồng thời tiến vào đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của giặc”.

Sau khi húc tung cánh cửa Bộ Tổng tham mưu, chiếc xe bọc thép chở đội trinh sát của ông Đông lao thẳng vào tòa nhà 3 tầng cao nhất. Ông Đông liền nhảy xuống, phía sau là các đồng đội yểm trợ. Bên trong nhà vẫn còn rất nhiều lính địch, ông Đông nhanh trí đã khống chế một tên địch và bắt dẫn tới lối gần nhất lên nóc nhà 3 tầng. Khi cả đội trinh sát đã lên đủ, ông Đông mở ba lô lấy cờ, ông Lại Đức Lưu tung cờ, ông Đỗ Xuân Hương lồng cờ vào cán.

Ông Đông kể lại: “Khi lên được nóc nhà Bộ Tổng tham mưu, trong đầu tôi lúc ấy chỉ muốn nhanh chóng làm sao đưa lá cờ lên. Tôi liền trèo lên cột thép, phía dưới đồng chí Uẩn ném dây cho tôi. Khi tôi buộc đến nút cuối cùng, lá cờ giải phóng rộng 3,4 mét, dài 4,8 mét tung bay. Ở dưới nhà đồng chí Hương bắn tràng AK báo tin chiến thắng và hô vang: “Các đồng chí ơi, chúng ta đã thắng rồi!”. Đó là thời khắc thiêng liêng nhất cuộc đời lính của tôi, nhưng khi đó, chúng tôi vẫn cố kìm nén xúc động lại để tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ tòa nhà”.

 Bức ảnh xem là kỷ vật vô giá với ông Đông.
 Bức ảnh xem là kỷ vật vô giá với ông Đông.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, tháng 5/1975 đơn vị của ông Đông được lệnh thần tốc ra bảo vệ miền Bắc. Mỗi người chia thành các đơn vị khác nhau với những nhiệm vụ riêng. Lúc đó ông Đông được chuyển về trung đoàn 64 đóng chân tại Thanh Hóa. Sau khi chiến tranh biên giới kết thúc, tháng 2/1980 ông xuất ngũ về quê.

Tuy nhiên, suốt 35 năm sau ngày giải phóng, người lính cắm cờ trên nóc Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn lại được nhắc tới với tên là Nguyễn Văn Đổng. Đến năm 2010, sau nhiều lần tra cứu cả đơn vị tìm mãi không thấy người có tên Nguyễn Văn Đổng,  Trung đoàn 48 đã tìm gặp tiểu đoàn trưởng Thiều Quang Nông và sự thật mới được khẳng định, người lính cắm cờ là Nguyễn Duy Đông chứ không phải Nguyễn Văn Đổng. Tháng 4/2010, ông Đông được đơn vị mời vào Thanh Hóa và trao giấy chứng nhận là người cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975. Sau 35 năm đơn vị đi tìm người cắm cờ cũng là 35 năm ông Đông thầm lặng với chiến công của mình.

Trong chiến dịch giải phóng miền Nam lịch sử, Đại Tá Bùi Quang Thận được biết đến là người con ưu tú của quê lúa Thái Bình đã cắm lá cờ lên trên nóc Dinh độc lập. Đến nay, người dân miền biển Thái Thụy lại thêm tự hào khi biết Thượng sỹ Nguyễn Duy Đông cũng chính là người cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn vào trưa 30/4/1975.

Ông Đông cho biết: “Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi trở về công tác tại Thanh Hóa. Nói thật lúc đấy chỉ nghĩ làm sao giành tự do, hòa bình, thống nhất đất nước. Chính vì vậy mà tôi chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Nhiệm vụ cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn ngày 30/4/1975 cũng thế. Chúng tôi nghĩ đó là việc bình thường mà người lính nào trong hoàn cảnh đó đều làm”.

 Bức ảnh xem là kỷ vật vô giá với ông Đông.
 Ông Nguyễn Duy Đông (người ngồi đầu tiên) cùng đồng đội trên chiếc xe tăng tiến vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn.

Ngay cả với vợ mình, ông cũng ít kể về chặng đường đời lính, nhất là chuyện cắm lá cờ giải phóng trên nóc Tổng Tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn lại càng không. Rời quân ngũ, ông hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống gia đình êm ấm, vui vẻ.

Trong căn nhà bình dị của mình, ông Đông treo rất nhiều bức ảnh chân thực về Trung Đoàn 48 hào hùng ngày nào chụp lại trong cuộc chiến. Đó là những kỷ vật mà ông coi là vô giá, không gì đánh đổi được của cuộc đời mình. Mỗi lần xem lại và kể lại cho mọi người nghe, ông Đông lại xúc động nghẹn ngào như sống lại thời khắc lịch sử thiêng liêng của 40 năm về trước.

Đức Văn