34 triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói

(Dân trí) - Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 16% (năm 2006), có khoảng 34 triệu người thoát ra khỏi cảnh nghèo đói. Như vậy, Việt Nam đã sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ là đến năm 2015 giảm 1/2 số người nghèo.

Từ năm 1998, xoá đói giảm nghèo đã trở thành chương trình mục tiêu quốc gia và được đưa vào kế hoạch định kỳ 5 năm của Chính phủ và các địa phương.

Cùng với chương trình 135, 134 và các chính sách giảm nghèo, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã thu được những thành tựu quan trọng.

Từ chỗ chỉ có các hoạt động vay vốn, giúp hộ nghèo làm nhà tình nghĩa thông qua các tổ chức đoàn thể đã hình thành hệ thống cơ chế, chính sách giảm nghèo và ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp, tập trung vào các nhóm giải pháp lớn như:

Hỗ trợ điều kiện sinh kế cho người nghèo (cho vay tín dụng, dạy nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu…); hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (về y tế, giáo dục, nhà ở…). Qua đó, hàng triệu hộ nghèo đã được hỗ trợ về nhà ở, vay vốn tín dụng, hàng chục triệu người nghèo được trợ giúp kiến thức sản xuất, học sinh được miễn giảm học phí…

Nhưng bên cạnh những thành tựu đó, mục tiêu giảm nghèo của Việt Nam vẫn gặp phải không ít thách thức. Liên hợp quốc tại Việt Nam đã xác định ba thách thức chính đối với công cuộc xoá đói giảm nghèo đó là:

Tình trạng nghèo cùng cực vẫn còn tập trung nhiều ở một số khu vực và trong các nhóm dân tộc thiểu số; Đã xuất hiện bằng chứng cho thấy những khoảng cách về kinh tế xã hội ngày càng rộng thêm. Các chỉ số về tình trạng bất bình đẳng không ngừng gia tăng. Bên cạnh đó là hàng triệu người dân Việt Nam vẫn phải sống với mức thu nhập chỉ nhỉnh hơn chuẩn nghèo một chút. Những cá nhân và hộ gia đình này rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc về kinh tế do các yếu tố trong nước hay ngoài nước gây ra.

Lan Hương