3 năm liên tiếp, TPHCM xử lý trung bình 10 cán bộ sai phạm/tháng

Phương Thảo

(Dân trí) - Nguyên Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thông tin, 33 tháng vừa qua, bình quân một tháng, TPHCM phải xử lý 10 đảng viên và 11 cán bộ, công chức có sai phạm do người dân phát hiện.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu thông tin này tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM chiều 26/10.

3 năm liên tiếp, TPHCM xử lý trung bình 10 cán bộ sai phạm/tháng - 1
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố lâu nay đã áp dụng 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát đối với hoạt động của UBND các cấp tại thành phố.

Chủ tịch quận, phường không quyết định “nhân danh” UBND

Tham gia ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nhận xét, TPHCM là đô thị đặc biệt, 1 trong 2 thành phố lớn nhất cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học kỹ thuật của phía nam, là đầu tàu động lực kinh tế cả nước, là thành phố mang nhiều dáng vẻ 1 đô thị của quốc gia với rất nhiều đơn vị hành chính trực thuộc. Việc cho phép thực hành chính quyền đô thị tại TPHCM, theo đó, là hợp lý, cần thiết.

Đại biểu cũng đồng tình việc không tổ chức thí điểm mà thông qua nghị quyết thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị với một cấp chính quyền đầy đủ (gồm HĐND và UBND) và 2 cấp hành chính tại quận, phường. Lý do, theo ông Hoà, từ 2002, TPHCM đã có 6 năm thực hiện thí điểm việc không tổ chức HDND quận, huyện, phường trên cả 21 đơn vị hành chính cấp quận, đã có tổng kết cho kết quả tích cực. Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị cũng được cho là “chín” tại Hà Nội, Đà Nẵng. Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đó, cũng được sửa đổi, bổ sung cho thích hợp. Do đó, TPHCM không cần tiếp tục thí điểm mà triển khai luôn mô hình này.

Về lo ngại cơ chế giám sát khi tại cấp quận, phường không tổ chức HĐND, đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng,  cần bổ sung thêm quyền lực cho HĐND thành phố để đảm bảo vai trò đặc biệt của cơ quan dân cử duy nhất tại thành phố, để tránh nguy cơ tập quyền quá mức ở UBND các cấp, đặc biệt là cấp thành phố. Ông Hoà khuyến cáo mở rộng quy mô HĐND thành phố về số lượng, đại biểu để đủ sức tham gia giám sát hoạt động của các UBND ở quận, phường.

Đại biểu Hoà ủng hộ hướng thay tên gọi UBND tại quận, phường thành UB hành chính bởi trong mô hình chính quyền đô thị, cơ quan này có sự thay đổi lớn về địa vị pháp lý, thẩm quyền, chức năng.

“UB hành chính thực hiện theo cơ chế thủ trưởng nên sẽ không có chuyện người đứng đầu thay mặt UB để ký, ban hành văn bản. Vậy thì không nên “nhân danh” UBND cho các quyết định của mình. Dù việc đổi tên có tốn kém ngân sách một chút để thay đổi con dấu nhưng việc này so với ngân sách TPHCM hiện tại cũng không là gì, nên thực hiện cho có sự thay đổi khác biệt hơn” – ông Hoà phân tích.

Chủ tịch quận, phường không đáp ứng có thể "thay" nhanh 

Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố lớn nhất cả nước, thông qua theo quy trình rút gọn tại 1 kỳ họp của Quốc hội để đề án có thể có hiệu lực thực thi ngay từ 1/7/2021.

Ông Tuấn cũng trấn an với băn khoăn về việc đảm bảo quyền dân cử, dân chủ của người dân tại cơ quan nhà nước cấp phường, quận. Đại biểu lập luận, các nhiệm vụ của HĐND cấp quận, phường lâu nay, về bản chất, cũng đã được HĐND thành phố thông qua trước đó. Vậy thì, vấn đề cần là nâng cao năng lực giám sát của cấp uỷ, của HĐND thành phố, Uỷ ban MTTQ tại cơ sở và phát huy vau trò của người dân trên địa bàn.

Không lạc quan như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) khuyến cáo, cần nghiên cứu mô hình đổi mới hội động của HĐND thành phố để đảm bảo đủ chức năng nhiệm vụ nặng nề hơn rất nhiều khi cơ quan này phải “gánh” cả phần việc của toàn bộ 21 quận huyện, hàng trăm xã hội xã phường cộng lại.

Bà Phúc đặt vấn đề, số lượng đại biểu HĐND thành phố cần tăng lên bao nhiêu tỷ lệ, đại biểu hoạt động chuyên trách thế nào để đảm bảo “phủ” được một khu vực rộng, đại diện cho 10 triệu dân thành phố.

Nguyên Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, thì với mật độ dân số rất lớn, một quận, huyện có thể đến 500, lên gần 800.000 dân thì các vấn đề phát sinh lớn và đòi hỏi phải xử lý nhanh.

Khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, để giúp cho quyết định nhanh hơn, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận và các phường và nếu cơ chế không đáp ứng thì việc thay thế người này do UBND thành phố, HĐND thành phố thực hiện sẽ nhanh hơn.

Hồi âm những băn khoăn của đại biểu về công tác giám sát khi không có HĐND cấp quận và phường, ông Nhân nói thành phố đã có hơn 6 năm thí điểm không có HĐND của cả 24 quận và huyện, 259 phường, xã, không phát sinh vấn đề lớn và có đầy đủ khả năng khắc phục vấn đề đại biểu nêu.

Ông Nhân cũng cho biết để đảm bảo dân chủ của dân thì hiện nay có tới 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát, trong đó có Quyết định 137 yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải lắng nghe phản ánh người dân trên báo chí qua tiếp xúc cử tri, qua khiếu nại tố cáo...

“Thực tế bằng quy định này chúng tôi trong 33 tháng tiếp nhận gần 8.000 ý kiến người dân và xử lý kịp thời gian 96%, tức là bình quân mỗi một tháng chúng tôi tiếp nhận 239 ý kiến, mỗi một ngày từ 8-9 ý kiến, qua đó chúng tôi phải xử lý cán bộ, mặc dù điều này không muốn làm. Trong 33 tháng vừa qua, bình quân một tháng chúng tôi phải xử lý 10 đảng viên và 11 cán bộ, công chức có sai phạm do người dân phát hiện” - ông Nhân cho biết.