25 ngày vật lộn với tử thần
Niềm vui vẫn còn lộ rõ trên khuôn mặt những chiến sĩ trẻ thuộc Quân khu 5, Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Bộ tư lệnh Công binh) và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định. Họ là những người trực tiếp <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/6/126027.vip"> xử lý quả bom khổng lồ</a> từng được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam.
Suốt 25 ngày đêm vượt qua nỗi sợ hãi và muôn vàn khó khăn ở địa hình rừng núi để vật lộn với tử thần, những người lính đã vô hiệu hóa quả bom trong niềm ngưỡng mộ của đồng bào miền cao An Lão (Bình Định)...
Tử thần "ngủ quên"
Một năm về trước, anh nông dân Đinh Văn Nao (định cư ở thôn 2, xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) trong một chuyến lên rừng thu nhặt cây mây đã tình cờ phát hiện dưới chân một vật cứng bằng sắt, màu xanh nằm lẩn khuất trong lớp đất và lá cây rừng. Anh Nao phanh lớp đất, lá với hy vọng có thể khuân nó về nhà... bán phế liệu.
Cặm cụi một hồi lâu, người thanh niên này cảm thấy nản vì không thể lần được đến điểm đầu của vật lạ. Chẳng thể nào hạ sơn với "chiến lợi phẩm" mà mình tình cờ phát hiện, anh Nao trở về địa phương đem chuyện kể lại với Xã đội trưởng xã An Toàn Đinh Văn Sen.
Hai người trở lại khảo sát vật lạ. Bằng kinh nghiệm và vốn hiểu biết của mình, Xã đội trưởng Đinh Văn Sen khẳng định vật lạ ấy là một quả bom chưa phát nổ. Trước hiểm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, anh Đinh Văn Sen đã vội cấp báo lên Huyện đội An Lão.
Ngày 1/9/2005, thông tin bước đầu về quả bom được Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định thu thập và tiến hành kiểm chứng. Lúc này, thời tiết đang vào mùa mưa. Đường giao thông bị chia cắt nên việc tiếp cận hiện trường là bất khả thi.
Tuy nhiên, trước tầm quan trọng của vấn đề, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã khẩn trương cử lực lượng công binh dưới sự chỉ huy của thiếu tá Trần Quang Lập - Trợ lý Công binh của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bằng bất cứ giá nào cũng phải "mục sở thị" quả bom để đối chiếu tài liệu, đưa ra phương án xử lý đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Đoàn khảo sát băng rừng, vượt suối từ trung tâm xã An Toàn suốt cả chục giờ đồng hồ mới có thể đến nơi mà quả bom khổng lồ đang "ngủ quên"...
Qua nhiều đợt khảo xác thực tế sau đó, lực lượng công binh đã bước đầu xác định đây là loại bom phát quang có sức công phá kinh hoàng, được quân Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam và các nước Đông Dương.
Điều khiến những anh em trong đoàn phải thận trọng suy tính là quả bom đặc biệt đang nằm trong lòng đất này vẫn còn nguyên lượng thuốc nổ và ngòi nổ. Ngày 5/5/2006, không chùn bước trước hiểm nguy, phương án tháo gỡ "tử thần" được thiết lập từng chi tiết và đã được Tư lệnh Quân khu 5 Huỳnh Ngọc Sơn phê chuẩn.
Gần 60 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 5, Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (thuộc Bộ tư lệnh Công binh) và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh bắt đầu hành trình chế ngự tử thần trên thượng nguồn suối Nguồn Kôn, cách mực nước biển gần 1.000m...
Vượt qua nỗi sợ hãi
Quả bom nặng hơn 7 tấn này có tên gọi chính xác là bom phát quang BLU - 12.000 LBS. Đại tá Hoàng Văn Bình, Chủ nhiệm Công binh Quân khu 5 kể lại: Nhận được lệnh, những người lính công binh lập tức lên đường.
Sau khi rời xe ô tô, họ phải cuốc bộ hơn nửa ngày trong rừng mới đến được nơi trái bom. Chưa ai từng thấy quả bom khổng lồ có cùng lúc 2 ngòi nổ với đường kính hơn 1,15m, dài 2,95m như thế này!
Thông tin về quả bom được thu thập và nhanh chóng báo về Bộ tư lệnh Công binh. Ngay sau đó, loại bom, mức sát thương, các thông số kỹ thuật và cách tháo gỡ đã được chuyển từ Hà Nội vào để các chiến sĩ tham khảo và tìm cách để xử lý.
Là người trong cuộc, trung tá Nguyễn Quang Tuyến - Trợ lý Công binh Quân khu 5, Chỉ huy phó bộ phận xử lý kỹ thuật và vận chuyển quả bom khổng lồ kể lại: "Sau khi phát dọn hiện trường, tạo hố xử lý, quả bom lộ nguyên hình.
Vỏ bom màu xanh, gần đuôi bom có sơn 3 vạch màu vàng (ký hiệu phân biệt bom phát quang); tư thế nằm nghiêng (nếu chạm đất ở phương thẳng đứng, khả năng phát nổ của bom sẽ tuyệt đối), đầu đạn cách mặt đất tự nhiên 0,5m, đuôi cách mặt đất tự nhiên 1,5m.
Xung quanh quả bom còn sót lại một số nẹp thông (để bảo vệ thân bom trong quá trình vận chuyển); dây dù đặt phía sau đuôi bom vẫn chưa bung ra". Lúc ấy, dù đoàn xử lý đã chuẩn bị tâm lý kỹ lưỡng cũng như các phương tiện tháo gỡ đa năng, hiện đại nhưng nhìn thấy quả bom quá đỗi kềnh càng và nguy hiểm, ai cũng... ngán.
Quá trình chế ngự sức sát thương kinh hoàng của quả bom khổng lồ diễn ra theo từng công đoạn tỉ mỉ và hết sức căng thẳng. Bằng các thiết bị đặc dụng, cán bộ kỹ thuật đã mở được ngòi nổ đuôi bom rộng gần bằng một sải tay.
Lượng thuốc nổ đã bị hóa lỏng, lần lượt chảy ra khỏi thân bom nhờ tác động của hơi nước nóng được đun liên tục 4 ngày đêm bằng bình hơi nước. Sau khi "thanh toán" được lượng thuốc nổ nặng gần 4 tấn, ngòi nổ đầu bom được xử lý bằng cách hủy nổ. Lực lượng công binh đặt một lượng thuốc nổ nhỏ kích hoạt đầu bom, ngòi nổ xoẹt chớp nhoáng, tụt vào thân bom một cách gọn ghẽ. Cả đoàn xử lý thở phào.
Nỗi ám ảnh kinh hoàng và khoảnh khắc hiểm nguy nhất đã được xua tan. Trung tá Nguyễn Quang Tuyến kể: "Bán kính sát thương của quả bom rất lớn, từ khoảng 92 mét đến gần 300 mét (có thể san bằng điểm đóng quân của một đại đội). Vì vậy, mỗi một công đoạn được tiến hành hết sức công phu, tỉ mỉ. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến nguy cơ... không kịp nói lời trăng trối".
Núi cao, vực hiểm, chặng đường dài gần 6 km để đưa quả bom xuống chân núi quả là một thử thách không nhỏ đối với bộ phận vận chuyển thuốc nổ và vỏ bom, nặng tổng cộng gần 5 tấn (sau khi loại trừ các phụ phẩm). Phương tiện cơ giới không thể vượt qua được sự khắc nghiệt của địa hình nên việc hạ sơn quả bom đều phải dùng sức người.
Thiếu tá Trần Quang Lập nhớ lại: "Mỗi lần gùi lượng thuốc nổ chỉ nặng 25 kg, đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ. Phải ròng rã 6 ngày trời, lực lượng hỗ trợ mới thanh lý được cái ruột của "hung thần". Thân bom thì phải dùng ba lăng tời và sức người để kéo xuống núi. Những lúc ấy, anh em chỉ sợ trượt chân thì nguy to. Thật may mắn là mọi chuyện đều suôn sẻ và đúng kế hoạch".
"Cảm giác của các anh khi đối diện với sự nguy hiểm này là gì?", chúng tôi hỏi. Đại tá Hoàng Văn Bình bộc bạch: "Nguy hiểm là điều chắc chắn rồi. Nhưng trước lúc bắt tay vào việc, chúng tôi đã xác định với nhau rằng, không được để xảy ra sai sót gì. Mọi tài liệu liên quan đến trái bom lạ đã được chúng tôi nghiên cứu đến nhàu nát mới bắt tay vào làm. Nhưng thực sự anh em rất vất vả. Mùi thuốc bom cay nồng sặc sụa khiến ai cũng chảy nước mắt...".
Sau khi chế ngự thành công quả bom khổng lồ, những người hùng xuống núi trong vòng tay đón tiếp và sự ngưỡng mộ của đồng bào vùng cao An Lão.
Theo Đình Phú - Tấn Tú
Báo Thanh niên