24 giờ trong trại "phục hồi nhân phẩm"

Phải công nhận nơi đây có nhiều khuôn mặt khiến không ít đấng mày râu nao lòng. Nhưng có cô đã vào đây đến lần thứ tám, 80% có tiền án tiền sự! Và không ái dám chắc liệu họ có “phục hồi” được nhân phẩm hay sẽ “ngựa quen đường cũ”?!

Từ Hà Nội đi hết đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, qua thị xã Sơn Tây, phải rẽ vào một con đường hoang vu dài tới 6km, tổng cộng hết gần 70km tôi mới đến Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) số 2. Đây là “đại bản doanh” qui mô nhất tập trung những “nàng Kiều thời nay” bị bắt khi đang hành nghề ở Hà Nội. Hơn 20ha đồi núi bạt ngàn, hàng ngàn mét vuông vườn cây, ao cá và một cánh cổng sắt cao lừng lững là những gì chờ đợi những cô gái...

 

“Hoa khôi” giữa núi đồi

 

Ở các trại phục hồi nhân phẩm như thế này, tìm người đẹp không khó. Khi gặp Lan, tôi mới hiểu hết tâm trạng của một nhà thơ khi ông thốt lên “Anh đau đớn bởi vì em nhan sắc”. Cô gái kia mà đã qua tay biết bao tay chơi ư? Khi nghe cô hướng dẫn bằng động tác chỉ xuống khu vực kín: "em vẫn chích ở đấy", mặt lạnh te, tôi mới giật mình: đúng là hương sắc của bóng hồng này đã nát.

 

Lý do cô “đi làm” đơn giản đến vô căn: em học dốt lắm. Tôi chụp ảnh phía sau cô nhưng chỉ nhìn mái tóc óng ả, thân hình mảnh mai, một đồng nghiệp đã khẳng định: hàng 1 triệu hả!? Vừa đúng vừa không. “Gái nghiện mất giá nhanh lắm. Giờ mỗi lần chỉ được khoảng trăm rưỡi. Nhưng trước kia ra khỏi nhà là em đi taxi, không thèm xe máy, kể cả @. Mỗi lần gật đầu là em phải được một, hai triệu” - Lan vừa cười rất đỗi “vô tư” vừa “khoe” như vậy.

 

Khác với nhiều “đồng nghiệp”, Quyên tỏ ra hiền lành và ứng xử khá thông minh. Chính cô là người đề nghị viết chệch tên các nhân vật trong bài đi. “Anh cứ viết em là Quyên hay Quên cũng được”. Và điều Quyên muốn quên nhất chính là mối tình đầu của mình. “Khi yêu thì ai cũng mù quáng. Em cũng vậy”.

 

Quyên rất yêu một anh bạn “kháu khỉnh” gần nhà. Nhưng anh bạn đó lại thích game, thích vũ trường, thích chat - tóm lại là thích tất cả các trò chơi thời thượng. “Em quyết tâm yêu và đặt mục tiêu trong sáu tháng sẽ trả lại cho xã hội một thanh niên tử tế”. Nhưng rồi chính Quyên lại bị anh chàng “ăn thịt” trước. Thế là cô con gái nhà lành trở thành phụ nữ. Rồi chẳng khó khăn gì đối với một tay chơi, Quyên thử bột trắng. Và cũng chỉ cần mấy đêm “độc quyền”, gã người yêu quyết định “bán” Quyên cho mấy thằng bạn. Giọng nói truyền cảm, câu chuyện Quyên kể càng éo le. “Lâu lắm em không gặp thằng đó nữa rồi. Nó bán lẻ ma túy bị bắt. Với lại em cũng không nuôi nổi nó nữa nên nó bỏ”.

 

Có cả ngàn lý do để nhiều thiếu nữ phải vào tu thân ở trại này. Dạo một vòng quanh trung tâm phục hồi nhân phẩm, phải công nhận nơi đây có nhiều khuôn mặt khiến không ít đấng mày râu nao lòng. Họ từ khá đẹp đến rất đẹp. Nhiều khuôn mặt bên các khung thêu trông hiền lành đến lạ. Nhưng có nàng đã vào đây đến lần thứ tám, 80% có tiền án tiền sự! Và không ái dám chắc những gương mặt đó ra khỏi trại có “phục hồi” lại được nhân phẩm hay sẽ chạy ngay về chốn cũ, đem nhan sắc trao cả vạn khách làng chơi?!

 

12 chế độ

 

Khi một vài người mẫu diễn viên nổi tiếng phải đi phục hồi nhân phẩm, người ta mới tò mò: không biết các “nàng Kiều” trong trại sống ra sao? Họ phải làm những công việc gì để biết giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt? Và các biện pháp giáo dục có đủ “đô” để các nàng trấn tĩnh rồi ngộ ra? Câu trả lời: sống trong các trung tâm GDLĐXH không khắc nghiệt nhưng cũng đủ để các “bông hoa” trót lầm lỡ cảm nhận được sâu sắc giá trị của bốn từ: lao động và tự do.

 

Các trung tâm GDLĐXH trên cả nước hoạt động theo qui chế giống nhau, tất cả được quản lý như trại giam, nghĩa là cũng tường cao, rào dây thép gai và có người canh gác. Những người vào đây mỗi ngày buộc phải tuân theo 12 chế độ sống nghiêm ngặt.

 

5h15, kẻng báo thức. Tất cả học viên phải dậy gấp chăn màn và họ có 30 phút để vừa làm vệ sinh, vừa tập trung tập thể dục.

 

Đến 5h45 ăn sáng. Cả nghìn người nên mỗi bữa ăn đều phải chia ca. Cứ nhóm này vào ăn thì nhóm sau đứng xếp hàng đợi.

 

Đến 6h30, cơ bản các đội phải ăn sáng xong và họ có 15 phút để trở về phòng chuẩn bị cho một ngày mới. Tiếp theo là chữa bệnh xã hội. Tại Trung tâm GDLĐXH số 2, số học viên phải chữa bệnh trước khi cải tạo là... 100%!  Khi chữa khỏi các “bệnh nghề nghiệp”, các cô sẽ phải theo một khóa học nói về truyền thống người phụ nữ VN, các kỹ năng sống lành mạnh và tránh lây nhiễm các căn bệnh nguy hiểm.

 

Qua giai đoạn học tập không có ngoại lệ, tất cả đều phải đi lao động. Công việc của các cô sẽ bắt đầu từ 6h45-10h sáng. Tại các trung tâm GDLĐXH có rất nhiều nghề để học viên đăng ký. Phổ thông nhất là may, thêu, làm hàng mây tre đan, thủ công mỹ nghệ. Cô nào thấy “những nghề đó tỉ mỉ, khó quá, không học được” thì xin xuống đội sản xuất: trồng cây ăn quả, nuôi cá. Tại trung tâm này còn có trang trại nuôi gà, đặc biệt làm đồ vàng mã đang “trúng” vì nhu cầu xã hội cao.

 

Theo 12 chế độ dành cho học viên thì sau buổi làm việc sáng, phần còn lại trong ngày dễ chịu hơn. 10h họ đã được nghỉ để vệ sinh, ăn cơm, ngủ trưa. 14h mới bắt đầu làm việc lại và 17h đã nghỉ để thể thao, ăn chiều.

 

Buổi tối ngoài thời gian bắt buộc từ 19h-20h phải ngồi xem tivi (mỗi phòng được trang bị một tivi), còn lại họ được đi căngtin, sinh hoạt tự do. Tuy nhiên, để tránh cánh “đàn em” mỗi lần đi khách 1-2 triệu, khi nhỡ chân phải vào trại sẽ dùng tiền để tạo thế nên trung tâm qui định: mỗi học viên chỉ được tiêu tối đa 5.000 đồng/ngày!

 

Không ít nàng đỏm dáng thắc mắc, bất mãn nhưng 5.000đ tại trại cũng mua được khối thứ: 500đ được vài viên kẹo, 2.500đ một chai nước cam, bịch sữa; que kem cỡ 2.000đ và bát phở cũng chỉ trên dưới 4.000... Mấy nghìn bạc lẻ cũng rất được việc, đồng tiền làm ra khó và biết tiêu sẽ rất hiệu quả - đó là bài học thấm thía cho nhiều cô gái từng bỏ ra cả triệu đồng/ngày để “phê” theo làn khói trắng rồi bán thân sau đó.

 

Chế độ cuối cùng mà các “Tám Bính” thời nay phải chấp hành là: 21h30, đi ngủ. Cứ vậy, chế độ này lặp đi lặp lại. Đến hết 18 hoặc 24 tháng (tùy đối tượng) các nàng sẽ tự do, được tiễn ra khỏi trung tâm với lời chúc đơn giản nhưng không dễ thực hiện: “Hoàn lương đi nhé”!

 

Chuyện không có ngoài đời

 

 

24 giờ trong trại "phục hồi nhân phẩm" - 1
 

Xếp hàng đi tắm

16h30, cả trại bừng lên không khí sôi nổi khi bắt đầu vào giờ xả hơi. Nhìn những cô gái xếp hàng đi tắm, có cô chà dầu gội lên đầu trước để tiết kiệm thời gian, thật dễ thấy chạnh lòng cho không ít thiếu nữ trượt chân rồi trôi thẳng vào đây. Sĩ số quá đông nên tắm ở trong trại cũng phải xếp hàng, chia đội, chia tổ. Mỗi đợt khoảng trên dưới 100 cô sẽ xô chậu, xà phòng, quần áo đứng trước cổng canh.

 

Điểm danh đủ số lượng của tổ mới được tiến ra phía chân đồi, nơi ấy có một bãi tắm tập thể. Không một nam giới nào được phép bén mảng tới bán kính 500m quanh khu vực này, kể cả cán bộ nam của trại. Vì tại đó thời gian qui định chỉ có 30 phút vừa tắm gội vừa giặt giũ nên không ai còn kịp nghĩ đến chuyện giữ ý. Khi tắm xong, về đến cổng canh điểm danh xong một lượt nữa; học viên được về phòng chuẩn bị theo tổ đi ăn cơm (chế độ 4.000đ/ngày).

 

Nếu như ở trại thiếu thốn vật chất là khó tránh thì khi có liên hoan văn nghệ, thật chẳng đâu “giàu có” tiết mục, “nhân tài” như tại đây. Ca sĩ thì nhấc đâu cũng được vì đại đa số chị em trước khi vào trại từng một thời “mòn lưỡi” hát karaoke. Nhảy thì có những em từng chạy ở vũ trường đảm nhiệm. Còn tiết mục kịch nói về tác hại của ma túy, chắc không ai diễn thật hơn những nàng nghiện ma túy.

 

Đến nơi ở của các cô, đáng ngạc nhiên là chúng được trang trí khá đẹp. Mỗi phòng chỉ rộng chừng 60m2, các dãy giường tầng kê san sát và đó là nơi trú ngụ của khoảng 50 chị em. Mỗi phòng như vậy được gọi là một “gia đình”. Trong gia đình sẽ có một người duy trì. Nhân vật này được lấy luân phiên. Họ có trách nhiệm tổng hợp các tin tức thời sự đã xem tivi tối hôm qua, tổng kết công việc ngày cũ, phổ biến nhiệm vụ sắp tới và quan trọng nhất là chủ trì các buổi “sinh hoạt hằng ngày”.

 

“Chào gia đình”, “Xin chào!” - đó là câu nói cửa miệng bắt buộc mở đầu buổi sinh hoạt nội bộ hằng ngày trong “gia đình”. Người lạ có thể phì cười khi nhìn những cô gái, có khi chỉ cách đây mấy chục tiếng còn văng tục như máy khâu, giờ gọn ghẽ trong những lời chào hỏi đầy thân ái. Nhưng sau đó thường khá căng: "Hôm qua trong gia đình mình ai để dép sai qui định?", "2h đêm, ai đi phát tiếng kêu to?", "Ai đi vệ sinh không dội nước, gấp chăn sai qui cách?"... Rất nhiều sự vụ như thế được đưa ra.

 

Hà Nội phải mượn đất của Hà Tây để đặt trung tâm phục hồi nhân phẩm tít trên vùng núi Ba Vì để tách xa hẳn không khí đô thị. Theo bà Nguyễn Thị Phương, giám đốc Trung tâm GDLĐXH số 2, sau hàng loạt vụ bắt các động lắc, mại dâm ở Hà Nội gần đây, vẫn chưa có cô nào thuộc “hàng cao cấp” bị chuyển lên đây phục hồi nhân phẩm cả! Chỉ gái tầm tầm bậc trung mới hay bị tóm. Dường như đó cũng là sự áy náy và bất mãn lớn nhất mà tôi cảm nhận được từ những “Tám Bính” thời nay tại trung tâm phục hồi nhân phẩm lớn nhất của thành phố Hà Nội.

 

Theo Cẩm Văn Kình
Tuổi trẻ