2017 sẽ thi hành triệt để các vụ án trọng điểm, án tham nhũng

(Dân trí) - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành khẳng định, năm 2017 sẽ tập trung phân loại án chính xác và tổ chức thi hành triệt để các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là tổ chức thi hành các vụ án lớn, án trọng điểm, án tham nhũng, thu hồi tiền cho Nhà nước, án tín dụng ngân hàng

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank) có số lượng tài sản phải thi hành án rất lớn (Ảnh: Trung Kiên).
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (Vietinbank) có số lượng tài sản phải thi hành án rất lớn (Ảnh: Trung Kiên).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) khẳng định năm 2017, các cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước nói chung, Tổng cục Thi hành án dân sự nói riêng thực hiện nhiệm vụ công tác trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức.

Chính vì thế, Tổng cục Thi hành án dân sự đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan trực thuộc và ở các địa phương khẩn trương hoàn thiện để triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác năm của đơn vị. Trong đó tập trung phân loại án chính xác và tổ chức thi hành triệt để các vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là tổ chức thi hành các vụ án lớn, án trọng điểm, án tham nhũng, thu hồi tiền cho Nhà nước, án tín dụng ngân hàng; giải quyết kịp thời các vụ việc có khiếu nại tố cáo phức tạp kéo dài, phấn đấu quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ông Hoàng Sỹ Thành đã yêu cầu toàn ngành thi hành án dân sự thực hiện nghiêm Chỉ thị 02/2014 của Bộ Tư pháp về việc không uống rượu bia trong ngày làm việc; tăng cường phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, sâu sát công việc, kịp thời nắm chắc tình hình địa bàn.

Tại buổi làm việc trực tuyến giữa Tổng cục Thi hành án dân sự với 63 cơ quan Thi hành án dân sự địa phương mới đây, ông Hoàng Sỹ Thành đã ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ công chức, người lao động thi hành án trong Quý I/2017, bước đầu đã khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm chạy chỉ tiêu”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Thành cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại một số hạn chế và yêu cầu phải sớm khắc phục như: việc tổ chức thi hành các vụ án lớn, án tham nhũng, thu hồi tiền cho nhà nước, án trọng điểm, khiếu nại tố cáo phức tạp kéo dài, án tín dụng ngân hàng chưa đạt yêu cầu; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cấp dưới, nhất là tại cấp Chi cục thi hành án còn chưa bảo đảm…

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan, trong đó nổi lên là việc số thụ lý mới tiếp tục tăng cả về số việc và số tiền, phải tổ chức thi hành nhiều vụ việc phức tạp, có giá trị lớn, nhưng biên chế của hệ thống cơ quan thi hành án lại không được tăng dẫn đến tình trạng quá tải công việc.

“Năng lực trình độ trong công tác quản lý điều hành, chuyên môn nghiệp vụ cũng như việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của một số bộ phận cán bộ, công chức, người lao động còn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong công tác quản lý điều hành và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ chưa thực sự chủ động, hiệu quả chưa cao”- ông Thành chỉ rõ.

Người đứng đầu Tổng cục Thi hành án dân sự nhấn mạnh, năm 2017 toàn ngành sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt công tác, nhất là trong công tác chỉ đạo điều hành để bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt.

“Chúng tôi sẽ thường xuyên thực hiện và kiểm tra việc đăng tải công khai thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, đẩy mạnh thực hiện thí điểm cơ chế một cửa và hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án và khẩn trương triển khai phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và thống kê thi hành án dân sự trong toàn hệ thống”-ông nói.

Theo Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực thi hành án dân sự, năm 2017 phải ra quyết định thi hành án đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; phấn đấu nâng cao chất lượng, tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành. Thi hành xong các khoản thu cho ngân sách nhà nước đạt tỷ lệ cao hơn năm 2016 về việc và về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành.

“Tích cực xác minh, xác định điều kiện thi hành án, đảm bảo thi hành án phần dân sự trong các bản án hình sự có hiệu quả, nâng tỷ lệ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tham nhũng đạt trên 60%. Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự. Hệ thống thi hành án dân sự phải kéo giảm số lượng công chức vi phạm, đặc biệt là vi phạm nghiệp vụ thi hành án dân sự so với năm 2016”- kế hoạch của Bộ Tư pháp nêu rõ.

Thế Kha