Ninh Thuận:

18 tháng không một trận mưa, "chảo lửa" quay quắt trong đại hạn

(Dân trí) - Đời sống của người dân hiện đang rất khó khăn, nắng hạn kéo dài triền miên, hơn 200 người dân xã Phước Trung, huyện Bắc Ái đã rời đi...

Cây đã chết khô...

Ninh Thuận đang trong cơn đại hạn mà xã Phước Trung là địa phương nằm trong tâm hạn. Người dân ở đây phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do hạn hán gây ra. Tính đến giờ phút này, đã gần 18 tháng Phước Trung chưa có trận  mưa nào. Hàng trăm con gia súc bị chết do đói, do suy dinh dưỡng. Hàng ngàn ha đất trồng phải bỏ hoang. Hàng trăm lao động chính phải bỏ làng đi làm thuê, làm mướn ở nơi khác để góp phần cải thiện đời sống cho gia đình.

Đến xã Phước Trung, huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận vào trưa ngày 15/6, với nhiệt độ ngoài trời lên đến 36-37 độ C, xã được coi là tâm điểm của đợt hạn hán khốc liệt nhất trong 2 thập kỷ qua, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng những lòng hồ trơ cạn nước, cây cối, ruộng vườn tả tơi, đường sá mịt mù bụi. 

Hồ Phước Trung
Hồ Phước Trung

Tình trạng khô hạn kéo dài đã làm cho lòng hồ Phước Trung cạn nguồn nước, chỉ còn lác đác vài vũng nước. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn nước còn lại trên lòng hồ chỉ đủ để phục vụ cho gia súc trong xã. Tại đây, các xe múc cũng đang nạo vét liên tục trong lòng hồ nhằm tìm kiếm nguồn nước. 

Ông Trần Quý Dương, Chủ tịch xã Phước Trung, huyện Bắc Ái cho biết: "Phải hơn 10 năm rồi người dân chúng tôi mới phải chịu một cơn đại hạn như vầy. Cả xã có 3 hồ nước lớn là Phước Nhơn, Phước Trung và Thành Sơn, chủ yếu chứa nước mưa nhưng đã cạn kiệt nguồn nước vì không có mưa quá lâu. Chính điều này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong xã, không có nước để phục vụ sản xuất, gây nên cảnh thiếu nước, thiếu lương thực".

"Cả xã hiện có 2.512 nhân khẩu, 556 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc Raglai chiếm đa số. Cuộc sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Vì thiếu đi nguồn nước phục vụ sản xuất mà có đến hơn 2.954 ha đất canh tác đang bị bỏ hoang, hơn 200 người đã bỏ đi làng đi làm ăn xa để cải thiện đời sống. Trong đó, ghi nhận có 5 em đã bỏ học ngang để đi làm xa. 

Đàn dê của anh Đặng Văn Thể, xã Phước Trung có 40 con, nhưng đã chết 5 con vì thiếu ăn
Đàn dê của anh Đặng Văn Thể, xã Phước Trung có 40 con, nhưng đã chết 5 con vì thiếu ăn

Trong khi đó, tổng đàn gia súc của xã Phước Trung có hơn 6.000 con, nhưng đến nay đã chết 145 con do đói, do suy dinh dưỡng. May mà trên núi Ô Căm tháng trước có mấy cơn mưa nên bà con đã đưa đàn gia súc lên đó để kiếm cỏ ăn, nước uống chứ không thôi không biết sẽ như thế nào", ông Dương cho biết thêm. 

Được cấp gạo, nước lại lo thiếu thức ăn...

Trước tình trạng báo động trên, theo ông Dương, xã đang triển khai các biện pháp khắc phục hạn hán và cứu đói, cứu khát cho dân. 

Xe chở nước của Quân khu 5 đến xã Phước Trung
Xe chở nước của Quân khu 5 đến xã Phước Trung

Hơn 2.954ha đất do hạn hán nên không trồng trọt được gì. Nếu như không có sự trợ giúp của Chính phủ thì chuyện thiếu đói là điều hiện hữu. Tính đến nay, nhà nước đã hỗ trợ cho người dân xã Phước Trung 4 đợt gạo cứu đói, tổng cộng 136 tấn gạo. Còn nước sinh hoạt thì từ tháng 4 đến nay, địa phương đã hợp đồng xe cung cấp nước sạch cho dân mỗi ngày 70m3 nước sạch. Bên cạnh đó, mấy ngày gần đây, Quân khu 5 cũng hỗ trợ cung cấp thêm một ngày 20m3 nước sạch được chở từ nhà máy nước Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Vì vậy cơ bản đã giải quyết chuyện thiếu ăn và nước uống cho người dân xã Phước Trung. 

Bà Ka Tơ Thị Núi, thôn Rã Trên nói: “Mỗi ngày mình đi lấy nước 2 lần. Sáng khoảng 9h, chiều thì 14h. Mỗi lần mình lấy chừng 3 can nước (90l), đủ để dùng cho ăn uống. Còn tắm giặt thì xuống những đoạn suối còn nước để tắm thôi. Gạo thì nhà nước phát cho mình 3 đợt rồi. Hộ mình có 6 người được 90kg/tháng. Cũng đủ ăn. Giờ nhà mình chỉ không có tiền mua mắm, mua cá khô thôi. Trời đâu có mưa đâu mà làm rẫy. Không làm rẫy thì không có tiền”. 

Được biết, chính quyền địa phương đã cho đào khoảng 30 cái hồ ngay giữa những dòng suối cạn để lấy nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Còn chị Pi Năng Thị Phanh thì cho biết: “Nhà mình bây giờ không lo đói, lo khát vì nhà nước đã phát gạo, cấp cho rồi. Chỉ lo không có thức ăn thôi”.

Thượng úy Mai Văn Nghĩa, Trung đoàn vận tải 655 thuộc QK 5, cấp nước cho bà con.
Thượng úy Mai Văn Nghĩa, Trung đoàn vận tải 655 thuộc QK 5, cấp nước cho bà con.

Nguyên buổi sáng giữa tháng 6, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi đã chứng kiến những người lính Quân khu 5 xoay trần ra để đưa nước về cho dân vùng tâm hạn. Thượng úy Mai Văn Nghĩa, Trung đoàn vận tải 655 thuộc QK 5 cho biết: “Chúng tôi đã có mặt ở đây từ cuối tháng 4 với nhiệm vụ là ứng cứu nười dân vùng hạn. Mỗi ngày, chúng tôi có trách nhiệm cung cấp cho người dân thôn Thương Diêm, xã Phước Diêm, huyện Thuận nam 80 m3 nước sạch. Thời gian gần đây, tụi tui được tăng cường chở nước cho xã Phước Trung. Mỗi ngày 20m3 nước lấy từ nhà máy nước Xuân Hải.

Chính những lúc như thế này, người dân mới cần đến sự giúp đỡ của quân đội. Vì thế với trách nhiệm của một người lính cụ Hồ, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để giúp người dân có thể chống chọi được phần nào với cơn đại hạn này”.

Chia sẻ thêm, Thượng úy Mai Văn Nghĩa cho biết: "Chúng tôi được quân khu cử vào đây để giúp dân. Khi vào đây, thấy tình cảnh người dân trước cơn đại hạn, chúng tôi thấy xót xa trước tình cảnh của người dân vùng hạn, vì thế không ai bảo ai, anh em chúng tôi quyết làm hết lương tâm, trách nhiệm của một người lính để giúp dân vượt quan hoạn nạn. Chúng tôi rất tự hào vì đã thực hiện được trách nhiệm của người lính". 

Người dân xã Phước Trung lúc này không chỉ cần gạo ăn, nước uống mà còn rất cần các nhu yếu phẩm khác như mắm muối, bột ngọt, cá khô…

Hạn hán kỷ lục trong vòng nhiều năm qua.
Hạn hán kỷ lục trong vòng nhiều năm qua.
Lòng hồ không còn nước, chỉ còn lác đác vài vũng nước. Xe múc liên tục nạo véc để tìm nguồn nước
Lòng hồ không còn nước, chỉ còn lác đác vài vũng nước. Xe múc liên tục nạo véc để tìm nguồn nước
Người dân ngồi chờ lấy nước.
Người dân ngồi chờ lấy nước.

Quốc Phan - Minh Lê

Quốc Phan - Minh Lê


Quốc Phan - Minh Lê

Quốc Phan - Minh Lê


Quốc Phan - Minh Lê