1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc:

Ý thức kém làm “hẹp cửa” vào thị trường lao động Hàn Quốc

(Dân trí) - “Thời điểm tháng 1/2014, tỉ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không về nước đúng hạn lên tới 43,15%. Qua 8 tháng vận động, con số vẫn ở mức 35,34 %, đẩy cơ hội làm việc của các lao động ở Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc vào cánh cửa hẹp”.

Ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV Dân trí về tình hình lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng nhưng bỏ trốn tại Hàn Quốc hiện nay.

Xin ông cho biết tình hình đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2014?

- Từ đầu năm 2014 tới nay, gần 5.300 lao động Việt Nam đã được ký hợp đồng với các chủ doanh nghiệp Hàn QuốC, gồm khoảng 3.800 lao động đã thi tiếng Hàn đợt đầu, số còn lại là lao động Việt nam đã về nước đúng hạn và được tuyển dụng đợt 2.

Trong số gần 5.300 lao động trên, đã có 4.700 lao động chính thức xuất cảnh sang Hàn Quốc. Số còn lại đang làm thủ tục đi tiếp trong tháng 10.

So với hạn ngạch tuyển lao động Việt Nam trong năm 2014 là 2.900 lao động, con số gần 5.300 lao động đã nói lên khả năng ưu thế vượt trội của lao động Việt Nam trong đánh giá của các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cũng chính bởi tình trạng những lao động Việt Nam không về nước đúng hạn (bỏ trốn) lại có thể làm dừng việc tiếp nhận các lao động từ Việt Nam sang làm việc. Do phía Hàn Quốc có thể đóng cửa thị trường bất cứ lúc nào.

Ông Lương Đức Long, PGĐ Trung tâm LĐNN, Bộ LĐ-TB&XH
Ông Lương Đức Long, PGĐ Trung tâm LĐNN, Bộ LĐ-TB&XH

Những nguyên nhân gì khiến lao động Việt nam bỏ trốn, thưa ông?

- Trước hết phải nói là ý thức tuân thủ kỷ luật của những lao động bỏ trốn rất kém. Họ chỉ nghĩ tới lợi ích cá nhân mà không quan tâm tới người khác.

Việc họ ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp sẽ làm mất đi cơ hội làm việc hợp pháp của những lao động Việt Nam đang chờ xuất cảnh sang Hàn Quốc.

Mặt khác, sức hấp dẫn của thu nhập từ việc làm tại Hàn Quốc khiến nhiều lao động chấp nhận bỏ trốn. Với mức thu nhập tối thiểu, họ có thể nhận từ 1.500-2.000 USD/tháng, trong khi về nước làm việc chỉ có mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Có thể khi xuất cảnh, một số lao động phải chi trả cho dịch vụ môi giới bất hợp pháp mức phí lên tới hàng ngàn USD (trong khi theo quy định chỉ có 630 USD/lao động) nên họ chấp nhận trốn ở lại để có thể thu hồi vốn. Tất nhiên những trường hợp này không nhiều.

Ngoài ra, lao động Việt Nam sau thời hạn làm việc hơn 4 năm đã có chút ít vốn liếng tiếng Hàn Quốc, có tay nghề nhất định nên dễ tìm việc ở thị trường hơn 3 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc.

Theo Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), tháng 8/2012, tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đã lên tới trên 50%, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã không ký tiếp Bản ghi nhớ hợp tác lao động theo Chương trình EPS với Việt Nam như đã từng làm từ năm 2004, cứ 2 năm lại ký lại một lần. Chỉ tới cuối năm 2013, Bản ghi nhớ đặc biệt mới được ký lại giữa 2 bên với thời hạn 1 năm.


Vậy, phía Việt Nam đã triển khai những việc gì để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc, những khó khăn trong thực hiện, thưa ông?

- Phía Việt nam đã triển khai nhiều biện pháp như ký quỹ 100 triệu đồng/lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, xử phạt tối đa ở mức 100 triệu đồng theo NĐ 95/2013/NĐ-CP đối với lao động không về nước đúng hạn, tổ chức tuyên truyền tại quê nhà của những lao động Việt nam không về nước đúng hạn…

Tại Hàn Quốc, Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thường xuyên phối hợp với Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài của Hàn Quốc đến tuyên truyền tại những nơi có đông lao động Việt Nam làm việc.

Phía Việt Nam đã làm việc với phía Hàn Quốc để sửa ɬại chính sách trợ cấp thôi việc. Theo đó, mỗi lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tuân thủ việc xuất cảnh trong 14 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng thì sẽ nhận được tiền trợ cấp tại nước của mình.

Thời gian qua, chúng tôi đã xác minh được khoảng 340 trường hợp vi phạm, nhưng có tới 140 trương hợp không xử phạt được bởi các lý do: Lao động Việt Nam đã chuyển sang dạng visa với thời hạn dài hơn nhưng không báo cho Đại sứ quán Việt Nam, lao động lập gia đình tại Hàn Quốc…

Bản thân người lao động vi phạm là chủ thể, nhưng đang ở Hàn Quốc nên việc xử phạt không thể áp dụng cho người nào khác. Đòi hỏi sự hợp tác từ phía cơ quan chức năng Hàn Quốc.

Như đã nói ở trên, do mức lương bên ngoài khá cao nên lao động bỏ trốn sẵn sàng chấp nhận mất mức ký quỹ 100 triệu đồng.

Chỉ còn 3 tháng nữa là Bản ghi nhớ hợp tác lao động theo Chương trình EPS giữa Hàn Quốc và Việt Nam sẽ kết thúc. Nếu Bản ghi nhớ này không được ký tiếp, những thiệt hại nào sẽ xảy ra, thưa ông?

- Theo tìm hiểu, mỗi năm lao động Việt Nam tại Hàn Quốc gửi về nước khoảng 700 triệu USD, chiếm hơn 1/3 lượng kiểu hối của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài hàng năm gửi về nước.

Nếu tỉ lệ lao động Việt Nam không về nước đúng hạn trên 30 % tại Hàn Quốc, nguy cơ thị trường này thu hẹp hoặc đóng cửa với lao động Việt Nam là điều có thể tính tới.

Khi đó, nhiều lao động Việt Nam đang chờ xuất cảnh sang Hàn Quốc sẽ mất cơ hội làm việc. Nguồn kiều hối sẽ giảm dần, chưa kể hình ảnh lao động Việt Nam sẽ ngày càng xấu đi.

Khi đó, cơ hội việc làm tại Hàn Quốc sẽ dành cho lao động của các nước khác.

- Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh (thực hiện)

Theo Trung tâm Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), số lao động Việt Nam làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc khoảng 75.000 người, số lao động bỏ trốn đã giảm từ 14.000 người xuống còn 10.000 người.

Một số địa phương có tỉ lệ lao động bỏ trốn cao như: Quảng Bình (44,83%), TPHCM (42,59%), Thái Bình (47,19%), Hà Tĩnh (47,08%) , Nam Định (47%), Nghệ An: 46,41%, Bắc Giang (33,7%), Bắc Ninh (31,25%), Hà Nam (38,54%), Hà Nội (34,57%), Hải Phòng (47,17%), Hưng Yên (36,99%), Thanh Hóa (37,42%)…