"Vượt bão" COVID-19: Vẫn trả lương cho công nhân dù tổ máy ngừng sản xuất

Dịch bệnh COVID-19 tác động không nhỏ đến cuộc sống của người lao động. Để giúp người lao động vượt khó trong thời điểm này, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ.

Dịch bệnh COVID-19 tác động không nhỏ đến cuộc sống của người lao động. Để giúp người lao động vượt khó trong thời điểm này, các doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ.

Vẫn trả lương tối thiểu cho công nhân dù nhiều "dây chuyền" tạm ngưng

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty Hoá dệt Hà Tây cho biết, nếu tình hình dịch COVID-19 kéo dài, công ty của ông sẽ đứng trước nguy cơ phải huỷ đơn hàng, hoặc bị phạt chậm giao hàng. Nếu đàm phán được với khách hàng thì có thể phải giao hàng bằng đường hàng không, sẽ tăng chi phí.

Ngoài ra, nguy cơ thiếu nguyên liệu sẽ dẫn đến việc phải dừng sản xuất, sẽ phải cho công nhân nghỉ làm thay phiên.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, đơn vị này đã kiến nghị Bộ Công Thương về việc nên ngừng tham gia bảo hiểm đối với công nhân, người lao động của công ty trong thời gian nghỉ việc. Bên cạnh đó, có thể chi trả bằng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

"Điều này sẽ giúp công nhân, doanh nghiệp bớt khó khăn hơn, đồng thời góp phần bình ổn cuộc sống cho người lao động cho đến khi hết dịch", ông Tùng nói.

Vượt bão COVID-19: Vẫn trả lương cho công nhân dù tổ máy ngừng sản xuất - 1

Công nhân làm việc ở Công ty Hoá dệt Hà Tây. Ảnh: LDO

Ngoài ra, Tổng giám đốc Công ty Hoá dệt Hà Tây cho hay, công ty cũng chủ động đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa, chăm lo đời sống người lao động, xây dựng môi trường lao động an toàn. 

Thời gian qua, công ty trang bị khẩu trang, máy đo thân nhiệt, lắp đặt thêm bồn rửa tay, nước rửa tay khô và tiêu độc khử trùng toàn bộ khuôn viên. 

Ông Thân Đức Việt - người có 23 năm gắn bó với ngành dệt may, hiện là Tổng giám đốc May 10 cho biết, do thiếu nguồn cung, hiện có 15 nhà máy trực thuộc Tổng công ty phải nghỉ tới 39 ngày; có nhà máy nghỉ 3 ngày, có nhà máy nghỉ 2 ngày, 1 ngày...

Do đó, May 10 phải rốt ráo liên hệ với nhà cung cấp để "ép" chuyển nguyên liệu sang nhằm đáp ứng các dây chuyền sản xuất.

"Mặc dù nhiều tổ máy gián đoạn sản xuất, nhưng chúng tôi vẫn trả lương tối thiểu cho công nhân. Việc hỗ trợ người lao động trong thời điểm khó khăn là điều cần thiết và nên làm. Đây là giải pháp giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc cho doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn. Đồng thời, đó còn là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp "giữ chân" lao động. Bởi ngành dệt may, nhiều năm trở lại đây là ngày cạnh tranh lao động khốc liệt nhất," ông Thân Đức Việt nói.

Hỗ trợ tiền nhà cho công nhân

Là doanh nghiệp có đông công nhân làm việc, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết, để hỗ trợ công nhân trong mùa dịch COVID-19, ngoài khu nhà ở miễn phí cho công nhân, công ty còn hỗ trợ chi phí thuê nhà trọ cho công nhân đã có gia đình, hỗ trợ kinh phí để công nhân sửa chữa nhà ở.

 Công ty có thêm các chính sách hỗ trợ chi phí giữ con cho những công nhân có gia đình.

Công đoàn của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) thì trang bị cho cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là lái xe, phụ xe khẩu trang, dung dịch tẩy rửa, lau chùi xe, dung dịch sát khuẩn tay. Đơn vị này còn phát khẩu trang y tế miễn phí cho hành khách đi xe buýt và tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh để mọi người yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ.

Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam (Vĩnh Phúc) đã lắp đặt vách ngăn tại phòng ăn để hạn chế tiếp xúc đông người. Doanh nghiệp này còn tổ chức kiểm tra thân nhiệt 3 lần/ngày, phát khẩu trang 1 chiếc/ngày cho công nhân.

Theo Anh Tuấn/Báo Lao động