Vụ học viên cai nghiện gây rối: Cần tách biệt đối tượng cầm đầu, kích động

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm, tình trạng học viên gây rối ở các cơ sở cai nghiện ma tuý do cơ sở chưa đủ điều kiện vật chất, thiếu sàng lọc đối tượng cầm đầu với người dùng ma tuý lần đầu, chưa kể tình trạng dụng ma tuý đá và ma tuý tổng hợp…


Tới 11h ngày 9/11, sinh hoạt tại trung tâm cai nghiện Vũng Tàu đã trở lại bình thường. Ảnh: Nguyễn Nam

Tới 11h ngày 9/11, sinh hoạt tại trung tâm cai nghiện Vũng Tàu đã trở lại bình thường. Ảnh: Nguyễn Nam

Trước khi vào Bà Rịa - Vũng Tàu để nắm rõ tình hình vụ gây rối của gần 200 học viên sáng 9/11, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã trao đổi với PV Dân trí về tình trạng học viên gây rối, phá trại trong thời gian qua.

Thưa Thứ trưởng, tình trạng gây rối của học viên ở Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu mới đây cho thấy những thực tế gì cần điều chỉnh trong công tác quản lý cai nghiện ma tuý hiện nay?

Qua việc này, Bộ LĐ-TB&XH nhận thấy có nhiều vấn đề cần quan tâm và điều chỉnh.

Trước hết là vấn đề đầu tư cơ sở vật chất. Nơi tạm tiếp nhận đối tượng xã hội không nơi cư trú ổn định phải đảm bảo điều kiện tối thiểu nơi ăn ở, vệ sinh, không khí thoáng mát.

Do thiếu cơ sở vật chất nên việc thu gom học viên sử dụng ma túy ngoài cộng đồng đưa vào cơ sở cai nghiện quá đông, phát sinh bức xúc.

Trong khi đó, xu hướng sử dụng ma túy đá, tổng hợp tăng lên nhanh chóng. Loại ma túy này gây cho người dùng tình trạng ảo giác, tổn thương tinh thần và hoang tưởng, dễ bị khích động.

Hiện nay tại các tỉnh phía Nam, có cơ sở tổng hợp được 80% -82% những người nghiện đưa vào sử dụng ma túy đá.

Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương rà soát đưa các đối tượng vào phải làm nghiên túc hơn, đúng theo pháp luật. Việc xác định ai có nơi cư trú ổn định, ai không có nơi cư trú ổn định phải rất rõ ràng.

Nếu chủ quan, chúng ta chỉ khai lệch một chút là có thể đã xếp họ vào diện không có nơi cư trú ổn định. Như vậy, thay vì đưa họ về địa phương để chấp hành xử lý vi phạm hành chính chúng ta đã giữ lại trung tâm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc quá đông học viên trong cơ sở và cũng không đúng chính sách.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm. Ảnh: Hoàng Mạnh
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm. Ảnh: Hoàng Mạnh

Về vấn đề sàng lọc, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các địa phương phải thực hiện kỹ với từng nhóm đối tượng. Có những người mới sử dụng lần đầu nhưng chúng ta đã đưa vào trại. Như vậy, chúng ta đã làm mất cơ hội học hành, việc làm của họ.

Nếu để lẫn lộn, chỉ cần vài học viên chuyên gây rối, kích động sẽ lôi kéo người khác, làm tình hình bất ổn hơn.

Đây là những điều mà Bộ đã nhận thấy và chỉ đạo từng địa phương phải điều chỉnh, nhất là với những nơi có cơ sở tập trung đông người cai nghiện.

Bên cạnh thực tiễn triển khai, ông có cho rằng chính sách về công tác cai nghiện ma tuý còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh?

Sau khi có Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định liên quan, việc xem xét lập hồ sơ đưa người nghiện về cai nghiện ở xã phường hay ở trung tâm bắt buộc (với người không có nơi cư trú) vẫn cần mô hình một cơ sở lưu giữ tạm thời.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy không có cơ sở hay tổ chức nào đủ điều kiện để lưu giữ người nghiện trong lúc chờ lập hồ sơ. Do vậy, Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh bố trí cơ sở xã hội và tổ chức tiếp nhận họ khi chờ làm hồ sơ.

Nhưng hầu hết các địa phương sử dụng một phần cơ sở cai nghiện bắt buộc là cơ sở tiếp nhận xã hội. Giai đoạn tạm thời này nhằm giúp họ giúp cắt cơn nghiện và giải độc, chờ làm hồ sơ.

Vì thiếu tuyên truyền, người mới được đưa vào nghĩ rằng việc này đã là bị đưa vào trung tâm bắt buộc ngay. Do đó, tâm lý của họ có phần bất hợp tác.

"Một số vấn đề về luật pháp cần hoàn thiện. Cụ thể, Luật phòng chống ma tuý và Luật xử lý vi phạm hành chính cần có sự thống nhất. Vì hiện nay, chúng ta chưa thống nhất việc đưa vào cơ sở cai nghiện với trẻ vị thành niên dưới 12 tuổi, đặc biệt là giáo dục bắt buộc. Ngoài ra, việc quản lý sau cai như thế nào? Luật phòng chống ma tuý quy định, toà án quyết định việc đưa người nghiện vào cơ sở. Nhưng sau 2 năm cai nghiện bắt buộc mà đối tượng vẫn có nguy cơ tái nghiện cao hoặc có nhiều vi phạm thì vẫn phải chuyển sang cơ sở quản lý sau cai. Việc này lại do Chủ tịch UBND huyện ra quyết định theo yêu cầu của Trung tâm. Như vậy, giữa 2 cấp quyết định cần thống nhất lại" - Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nói.

Nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc cai nghiện tập trung chưa phải là giải pháp tối ưu, quan điểm của Thứ trưởng ra sao?

Chính vì phương thức cai nghiện tập trung chưa phải là tối ưu. Thực tiễn chưa thấy, sau cai nghiện bắt buộc, người nghiện trở về chủ yếu là tái nghiện.

Do đó, chúng ta phải đổi mới phương thức này theo hướng cai nghiện tại cộng đồng bằng giải pháp y tế và xã hội, bằng nhiều loại thuốc truyền thống và biện pháp dùng thuốc thay thế như Methanol.

Dù chưa được như mong muốn nhưng có hiệu quả hơn phương pháp cũ. Thống kê cho thấy, hơn 45 % người sử dụng Methanol ở cộng đồng sau 2 năm không quay lại với Heroin.

Tuy nhiên, việc triển khai ở cộng đồng có bất cập. Số người tham gia cũng chưa được nhiều tham gia. Chỉ tiêu đặt ra với khoảng 80.000 người sử dụng Methanol trong cộng đồng nhưng nay mới chỉ có 50.000 người.

Một phần lý do là đội ngũ y bác sĩ làm phác đồ ở địa phương thiếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng và nguồn thuốc cũng khó khăn - do chủ yếu là tài trợ ở nước ngoài.

Luật Phòng chống ma tuý xác định người nghiện là tệ nạn xã hội nhưng trong Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý ở VN tới năm 2020, người nghiện lại được coi là bệnh nhân. Vậy, việc khác biệt giữa cách nhìn nhận về 1 đối tượng sẽ ảnh hưởng như thế nào tới công tác phòng chống, cai nghiện ma tuý?

Đúng là Luật phòng chống ma tuý coi người nghiện là tệ nạn, Luật xử lý vi phạm hành chính cũng coi là người vi phạm.

Nhưng Đề án đổi mới công tác phòng chống ma tuý mới được Chính phủ ban hành lại có quan điểm mới, coi tình trạng nghiện ma tuý là một dạng bệnh của não bộ và coi người nghiện ma tuý là người bệnh, giống như nghiện rượu, thuốc lá. Từ đó tổ chức dịch vụ chữa bệnh trên cơ sở tự nguyện.

Mặc dù Đề án ban hành sau Luật và cấp độ ban hành thấp hơn. Do vậy, chúng ta cố gắng tuyên truyền và nâng cao nhận thức. Khi có điều kiện, chúng ta sẽ phải điều chỉnh lại để thống nhất về quan điểm nhận thức về vấn đề nghiện ma tuý từ đó có thêm các giải pháp phù hợp.

Các cơ quan bộ, ngành cũng chưa có sự thống nhất, các địa phương cũng thế. Một số nơi thấy bức xúc về tình trạng nghiện thì chủ trương tập trung để quản lý giảm tệ nạn.

Nhưng nếu theo quan điểm mới của quốc tế, mà chúng ta tham gia thì cần hướng tới việc hỗ trợ nguười nghiện trong cộng đồng. Đây cũng là một quá trình tiếp cận chuẩn mực quốc tế và phù hợp với chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta không theo 1 phương thức nào mà áp dụng đan xen.

Nếu người nghiện tự nguyện chọn hình thức dùng Mathenol tại cộng đồng chúng ta ưu tiên trước. Nếu họ không tự nguyện, chúng ta sẽ dùng phương pháp tự nguyện.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền cần được coi trọng để mọi người hiểu thêm.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện

TIN VẮN:

Tăng tuổi hưu là xu thế chung trên thế giới

“Dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh, cần tận dụng chất xám của lao động có kinh nghiệm, đảm bảo tính bền vững của Quỹ BHXH, thực hiện quyền bình đẳng giới theo Công ước Geneva và đáp ứng xu thế chung của thế giới”.

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân tại Buổi Toạ đàm trực tuyến về điều chỉnh tuổi hưu. Chương trình do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng 28/10 tại Hà Nội.

Ông Phạm Minh Huân cũng cho biếT, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới nhưng sẽ là một trong những vấn đề chính yếu được trình Quốc hội. “Tuy nhiên, phương án phải rất cụ thể theo từng nhóm đối tượng, trong đó cũng có nhóm có thể vẫn giữ nguyên, nhưng phương án chung vẫn là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nam cao hơn nữ” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói. Dự kiến, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có đề xuất lộ trình tăng dần và nghiêng về phương án thực hiện từ năm 2020 để người lao động có thời gian chuẩn bị. Đồng tình với quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH VN, cũng khẳng định: Nếu sửa Điều 187 của Bộ luật Lao động về điều chỉnh tuổi hưu, thì Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH cũng phải sửa lại để tương thích.

H.M