1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Việt Nam nhiều nhân tài nhưng sao đất nước vẫn chưa giàu?

Người Việt Nam rất giỏi, thông minh và nhanh nhẹn nhưng tại sao nước ta vẫn nghèo? Đó là vấn đề lớn nhất mà chúng ta phải giải quyết.

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Do vậy, tất cả các nước trên thế giới đều quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực. Những công trình gần đây về tăng trưởng kinh tế, giáo dục, sức khoẻ và các mặt chất lượng khác đã chứng minh vai trò to lớn của con người.

Trong chương trình tọa đàm hôm nay, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 2 vị khách mời: PGS. TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và GS Hà Tôn Vinh.

Việt Nam nhiều nhân tài nhưng sao đất nước vẫn chưa giàu? - 1

BTV: Thưa PGS Đinh Xuân Thảo, với tư cách là nhà nghiên cứu, ông có quan niệm như thế nào về nguồn nhân lực của một quốc gia?

PGS Đinh Xuân Thảo: Trong các văn kiện của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước Việt Nam thường dùng các khái niệm “Nâng cao nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Nguồn nhân lực là trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề đều có thể tham gia đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển của đất nước.

Nguồn nhân lực này có thể kết cấu theo chiều dọc và chiều ngang. Trong đó có nguồn nhân lực mang tính phổ thông, đại trà và nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật cao. Cơ cấu và chất lượng của các nguồn nhân lực này có sự khác nhau.

Trong nguồn nhân lực của đất nước sẽ có một lực lượng tinh túy, có trình độ, năng lực vượt trội thường được gọi là nhân tài. Lực lượng này đóng vai trò dẫn dắt và tác động lớn tới sự phát triển của xã hội trên mọi lĩnh vực.

BTV: Thưa GS Hà Tôn Vinh, ông có chia sẻ gì khác về nguồn nhân lực?

GS Hà Tôn Vinh: Một đất nước muốn phát triển phải chú trọng đầu tư phát triển người có chuyên môn, trí lực, kiến thức, kỹ năng. Thời kỳ đầu, nhà Lý đã xây dựng Văn Miếu-Quốc Tử Giám với việc chú trọng đào tạo nhân tài cho đất nước. Đến thời kỳ nhà Lê, ngoài việc đào tạo thì cha ông ta chú trọng đến rèn luyện đạo đức cho con người. Với quan điểm, người có tâm, có đức mà làm lãnh đạo thì đất nước mới thịnh trị. Đến thời nhà Nguyễn nhấn mạnh đến việc, người có tài, có đức phải được trọng dụng. Còn những người bất tài vô học mà tham gia vào bộ máy cai trị thì đất nước sẽ rối loạn.

Như vậy, từ xưa tới nay, cha ông ta luôn chú trọng đến việc đào tạo, trọng dụng và phát huy người có tài, có đức.

BTV: Thưa PGS Đinh Xuân Thảo, ông có suy nghĩ gì về quan điểm cho rằng, đất nước muốn phát triển nhất thiết phải có nhân tài?

PGS Đinh Xuân Thảo: Với nguồn nhân lực dồi dào của đất nước, chúng ta phải biết phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài đúng chỗ. Nếu một quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào nhưng lại không có những người tài, người giỏi dẫn dắt thì khiến cho quốc gia đó nếu muốn đạt đến sự hưng thịnh thì phải tốn rất nhiều thời gian nữa.

PGS Đinh Xuân Thảo
PGS Đinh Xuân Thảo

BTV: Thưa GS Hà Tôn Vinh, ông có nghĩ rằng, một số quốc gia như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức có nguồn nhân tài nổi trội hơn so với các nước khác không?

GS Hà Tôn Vinh: Tôi đã từng đi đến rất nhiều nước trên thế giới. Nhiều nước tôi đến đều đánh giá, người Việt Nam rất giỏi, thông minh, chăm chỉ và có thể hơn hẳn so với các nước khác như: Mỹ, Pháp…

Hiện nay, ở các nước đã thay đổi quan niệm về nhân tài. Theo đó, nhân tài là người làm được những công việc phù hợp với từng điều kiện của đất nước. Nhân tài không cứ là bắt buộc phải có bằng cấp cao mà là người phải có chuyên môn, kỹ năng tốt.

BTV: Thưa ông Đinh Xuân Thảo, ông nghĩ sao về quan điểm nhân tài là phải làm được những công việc phù hợp?

PGS Đinh Xuân Thảo: Nhân tài không phải là người đó làm cái gì, đặt ở chỗ nào cũng được mà nhân tài là có ở từng lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, chúng ta phải biết sử dụng nhân tài phù hợp với từng lĩnh vực, khả năng của họ. Ví dụ như nhân tài trong ngành Y thì chúng ta thường nhắc đến bác sĩ Đặng Văn Ngữ, giáo sư Tôn Thất Tùng. Thế nhưng khi đặt những người này vào làm việc ở lĩnh vực khác thì có khi lại không phát huy được khả năng phát triển và sự cống hiến của họ.

Hàn Quốc là một đất nước phát triển vì họ rất chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực. Hàng năm, Hàn Quốc có một chiến lược thu hút, phát triển nguồn nhân lực và nhân tài rất bài bản. Họ cũng có lời khuyên cho đất nước chúng ta là nên có một chiến lược và chính sách đúng đắn trong trọng dụng, sử dụng nhân tài.

GS Hà Tôn Vinh: Ở Việt Nam, có nhiều người chỉ quan tâm đến đầu tư cho những lĩnh vực, dự án nào thu được lợi nhuận, lợi ích nhìn thấy được trước mắt mà chưa thực sự đầu tư cho phát triển giáo dục. Bởi vì họ chưa nhìn thấy được những cái lợi do giáo dục đem lại ngay. Đây là quan niệm hết sức sai lầm. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này thì người lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược về phát triển giáo dục, nguồn lực, nhân tài.

Người lãnh đạo ở nhiệm kỳ sau phải thực hiện tiếp nối những chính sách, biện pháp đang thực hiện của lãnh đạo nhiệm kỳ trước mình.

Nếu chỉ đào tạo, bồi dưỡng mà không có chính sách chiến lược thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài thì sẽ gây lãng phí cho đất nước.

GS Hà Tôn Vinh
GS Hà Tôn Vinh

BTV: Liệu có phải là môi trường làm việc ở trong nước chưa phù hợp đối với việc sử dụng nguồn nhân lực, thưa ông Đinh Xuân Thảo?

PGS Đinh Xuân Thảo: Ở nhiều nước trên thế giới, song hành với việc phát triển một lĩnh vực nào thì phải chú trọng đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Một số nước đặt kế hoặch xây dựng một công trình nào đó thì họ đã cử người đi các nước học tập, nghiên cứu về lĩnh vực đó để khi xây dựng công trình thì đã có người vào làm việc ngay.

Thế nhưng, ở nước ta lại khác. Có một thực tế là chúng ta chưa thực hiện song hành những việc này với nhau. Ví dụ như khi Quốc hội thông qua kế hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận thì lúc đó chúng ta mới đưa người đi đào tạo ở nước ngoài. Câu hỏi đặt ra ở đây là khi khởi công xây dựng nhà máy thì chúng ta đã có đủ người làm việc ngay chưa hay cứ phải đi thuê người nước ngoài với kinh phí rất tốn kém.

Bất cập trong việc đào tạo ở các trường đại học và những cơ sở sử dụng nguồn nhân lực là họ cứ làm theo việc của mình mà không có sự bắt nhịp với nhau. Vì vậy mới xảy ra tình trạng dư thừa và lãng phí nhân lực, “thừa thầy thiếu thợ”, thầy không ra thầy mà thợ chẳng ra thợ.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cũng như sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.

GS Hà Tôn Vinh: Từ trước đến nay, chúng ta có quan điểm coi trọng bằng cấp mà quên đi đào tạo con người có kỹ năng chuyên môn tốt. Do vậy, người lao động ra thị trường làm việc không cạnh tranh được và không thể làm được việc hiệu quả. Đây là bất cập cần thay đổi. Theo đó, chúng ta phải đào tạo nguồn nhân lực để khi bắt tay làm việc ở các công ty, doanh nghiệp là có thể làm ngay được vào công việc. Cũng từ đó mà người học sẽ học cái mà xã hội đang cần.

BTV: Thưa GS Hà Tôn Vinh, qua ý kiến của các ông vừa nêu rõ ràng chúng ta có người tài, có nhân tài, có nguồn nhân lực. Phải chăng chúng ta đang thiếu người nhạc trưởng có tầm nhìn?

GS Hà Tôn Vinh: Người Việt Nam rất giỏi, thông minh và nhanh nhẹn. Tôi là người có may mắn được đi nhiều nơi trên thế giới và thấy họ nhận xét người Việt Nam rất giỏi nhưng tại sao chúng ta vẫn nghèo? Đó là vấn đề lớn nhất mà chúng ta phải giải quyết. Đi đâu người ta cùng hỏi tôi là người nước nào? Tôi bảo ông đoán đi. Họ nói: ông người Hongkong? Không.

Thế ông người Trung Quốc à? Không! Không ai đoán đúng. Đến khi tôi nói: “Tôi là người Việt Nam. Họ bảo sao ông giỏi thế. Tôi nói: Ở Việt Nam nhiều người giỏi như tôi hoặc thậm chí là giỏi hơn nữa” (cười!). Họ hỏi lại tiếp: Tại sao đất nước Việt Nam vẫn nghèo? Vì vậy, theo tôi, chúng ta phải nhìn lại quan điểm mà tôi đã nói ở trên rằng: Học đại học là cần thiết, giáo dục là cần thiết. Đào tạo ngắn hạn là cần thiết tuy nhiên chúng ta phải sâu chuỗi lại là ai làm chuyện đó? Theo tôi, chúng ta vẫn chưa thực thi được.

BTV: Thưa ông Đinh Xuân Thảo, ông có thể bổ sung ý kiến vừa rồi của GS Hà Tôn Vinh?

PGS TS Đinh Xuân Thảo: Đúng, chúng ta vẫn đang còn lúng túng trong việc thi hành. Về chính sách, đường lối chung của Đảng, Nhà nước đã có nhưng không thiếu. Luật ở Quốc hội cũng có nhưng để nó đi vào cuộc sống hơn nữa chúng ta phải quy định cụ thể hơn thực ra chúng ta vẫn còn lúng túng. Chúng ta vẫn hay nói là thu hút nhân tài, nhân tài đó ở ngoài khu vực nhà nước hay công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài về nước để định cư trong nước thì chính sách thu hút như thế nào vẫn chưa rõ.

Một vị Bộ trưởng có tâm sự với tôi rằng: Nhà nước Việt Nam sẵn sàng bỏ ra hơn 100.000 USD để cho một người Việt Nam ra nước ngoài học tiến sĩ. Đến khi họ về không dám bỏ ra 50.000 USD để sử dụng họ có hiệu quả trong vòng 5 năm. Đấy chỉ tính đơn giản với mức lương là 1.000 USD/tháng nhưng vẫn chưa làm được điều đó. Thực ra họ đã có ý tưởng, đề xuất nhưng vẫn chưa thực hiện được. Lãng phí nằm ở chỗ đó.

Ở Việt Nam, mức lương doanh nghiệp ngoài nhà nước hay doanh nghiệp họ trả rất cao nhưng trong khu vực nhà nước thuộc khối sự nghiệp công, theo quy định 43 của Chính phủ trả lương cao gấp 3 lần so với mức lương cơ sở (lương cơ sở hơn 1 triệu, gấp 3 lần tức là hơn 3 triệu x hệ số (4,0) = 12.000.000 đồng/tháng. Tính ra mới được 500 USD). Trong khi họ đi ra nước ngoài có thể là mấy ngàn USD/tháng. Như thế nó mới có hiện tượng chảy máu chất xám.

Việt Nam nhiều nhân tài nhưng sao đất nước vẫn chưa giàu? - 4

Nhà nước đã tập trung, nghiên cứu để cải cách tiền lương, dự kiến đối với những người tài thực sự, có đóng góp nhiều cho đất nước, cho xã hội, mức lương tối thiểu mỗi tháng cũng phải được 1.000 USD. Đề án này đã có nghiên cứu cách đây mấy năm nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Hiện nay, cơ chế của chúng ta rất khó để sử dụng người tài vì để lựa chọn, đề bạt hay bổ nhiệm một cán bộ phải cân nhắc qua một tập thể, bỏ phiếu, lấy phiếu. Như vậy, quyền của người đứng đầu (thủ trưởng) là không có.

Chúng ta không có cơ chế chọn những người tài và sa thải những người bất tài, vô dụng cũng không giải quyết được. Như thế, anh phải ôm tổng biên chế nặng nề, khổng lồ, người làm được thì ít còn người không làm được lại nhiều dẫn đến tình trạng không cải cách được tiền lương. Muốn cải cách tiền lương, lực lượng lao động, công nhân viên phải tinh giản, anh mới có thể làm được.

Đối với chúng ta, với lượng công chức, viên chức như hiện nay, muốn cải thiện lương đáng kể, có mức thu nhập 1.000 USD/tháng trở lên, ngân sách Nhà nước phải chi ra 2 triệu tỷ một năm mới đủ. Như vậy, chúng ta không thể thực hiện được vì con số quá lớn.

GS Hà Tôn Vinh: Tôi thấy ý kiến của TS Thảo nói rất đúng trong hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam. Đây có lẽ là do chính sách và chính sách của một số người nghĩ ra. Và đến khi áp dụng ra thị trường lại không phù hợp. Trong khi ở các nước khác, họ đi từ thực tế, sau đó họ kiểm nghiệm rồi đưa ra văn bản mới phù hợp được. Chẳng hạn, người đi học bỏ ra nhiều tiền đầu tư nhưng khi về nước trả lương cho họ thấp quá cho nên họ bỏ đi là điều đương nhiên.

Bây giờ chúng ta đầu tư đào tạo, sau đó không biết sử dụng, không đãi ngộ xứng đáng nên họ đi là phải. Nếu chúng ta tiếp tục cơ chế đãi ngộ như hiện tại thì đất nước sẽ không phát triển được. Vài tháng trước đây, tôi có đọc được một bài báo nói rằng, bây giờ phát triển ở Campuchia, Lào, Myanmar phát triển nhanh hơn ở Việt Nam một vài khía cạnh nào đó thật là không tưởng tượng nổi. Tôi phải nói từ thật là xấu hổ.

Việt Nam nhiều nhân tài nhưng sao đất nước vẫn chưa giàu? - 5

Muốn đất nước phát triển, trước hết chúng ta phải thay đổi tư duy. Là giáo sư Đại học, tôi dạy chuyên ngành về kinh doanh, trong đó nhân sự chiếm phần lớn. Tôi thấy, ngày xưa, người ta có việc rồi mới đi tìm người. 20 năm sau, các doanh nghiệp lớn, họ không để ý xem người nào tài, họ mời về sau đó họ nghĩ là sử dụng như thế nào cho xứng đáng. Nếu chính sách của Việt Nam không thay đổi, không dựa vào thực tế và lấy ở đâu đó áp dụng vào thị trường là sai lệch.

Tôi nghĩ rằng, nếu người lãnh đạo của một tổ chức có tầm nhìn xa trông rộng, họ có chương trình hành động, nhưng cuối cùng họ không có người làm cũng không thành công. Chính sách của chúng ta xa rời thực tế quá. Chúng ta phải thay đổi một cách căn bản từ đào tạo cho đến việc sử dụng nguồn nhân lực.

Nếu người lãnh đạo mà vẫn còn “tư duy nhiệm kỳ” tức là trong nhiệm kỳ của mình phải thấy việc của tôi làm thì giáo dục không thể nào đáp ứng được.

Đột phá mới của Đại hội là có sự kế thừa liên tục ở các thế hệ cán bộ

BTV: Vừa qua, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã diễn ra thành công rực rỡ. Một điểm mới của đại hội là đã chọn ra những thành viên của Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng rất là trẻ. Vậy các ông có nhìn nhận như thế nào trong việc lựa chọn nhân sự của đất nước đối với những người giữ trọng trách lớn như vậy?

PGS TS Đinh Xuân Thảo: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng vừa kết thúc rất thành công liên quan đến 2 nội dung: trao đổi, thảo luận các văn kiện để ra Nghị quyết cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới và nhân sự, bầu những thành viên xứng đáng vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Kết quả của Đại hội lần này so với Đại hội các lần trước có điểm nổi trội trong đó thể hiện khâu chuẩn bị rất chu đáo. Có nghĩa là ngay nhiệm kỳ của Đại hội 11 đã tập trung vào việc tổng kết quá trình 30 năm đổi mới, xây dựng văn kiện, nghị quyết, đường lối mới cho nghị quyết mới của Đảng cũng song hành với nhân sự, nó thể hiện qua công tác quy hoạch cán bộ khá bài bản.

Lựa chọn kết hợp 3 độ tuổi, một người vào 3 vị trí, việc sắp xếp luân chuyển cán bộ thực hiện nghiêm chỉnh từ đại hội ở cơ sở địa phương lên cấp trên. Và kết quả của Đại hội vừa qua đạt được rất rõ. Nó khắc phục hạn chế so với các đại hội trước đây là cứ mỗi lần sau đại hội lại có sự hẫng hụt khi chuyển giao đội ngũ lãnh đạo vì họ có độ tuổi sàn sàn như nhau, không có sự kế thừa, nối tiếp và các độ tuổi rất khó. Chẳng hạn như người mới được bầu vào lại rất mới, phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị nhưng bây giờ chúng ta đã khắc phục được điều đó.

Tôi cho rằng, kết quả của Đại hội vừa qua là một đột phá mới, tạo ra một hướng để thực hiện Nghị quyết của đại hội đề ra và có sự kế thừa liên tục ở các thế hệ cán bộ. Đối với người nhiều tuổi, họ đúc kết được kinh nghiệm và những người trẻ có độ nhanh nhạy và có thể kết hợp lại với nhau như thế rõ ràng là rất tốt.

BTV: Với nhân sự vừa đưa ra tại Đại hội Đảng, ông có nghĩ rằng sẽ có sự thay đổi nào đó mang tính đột phá, đặc biệt với nguồn nhân lực người Việt?

GS.Hà Tôn Vinh: Khi chúng ta nói tới những người trẻ được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, là chúng ta so sánh với những người lớn tuổi và những người già. Nếu so với độ tuổi 60, 70, 80, 90 thì những người ở độ tuổi 40, 45 là là trẻ rồi; nhưng tính kế thừa chắc chắn phải có. Tôi muốn nhấn mạnh đến điểm lúc đầu tôi đã nói, theo kinh nghiệm thành công của các nước phát triển, là ngoài điểm bắt buộc phải có là “đức” và “tài” thì phải có tính phù hợp.

Việt Nam nhiều nhân tài nhưng sao đất nước vẫn chưa giàu? - 6

Nếu một người lãnh đạo chỉ có đức không có tài, chắc không làm được tốt; mà người có tài nhưng không có đức thì không tin được. Nhưng người có đức, có tài mà đặt vào vị trí không phù hợp thì không làm được cái gì. Trở lại vấn đề, tôi không còn quan niệm người trẻ hay người lớn tuổi. Mình có thể mừng là những người trẻ đã được trọng, được mời gọi. Nhưng được đặt ở vị trí nào, có phù hợp với khả năng, nhu cầu, tài năng của họ cũng như nhu cầu phát triển của đất nước hay không? Cái đó là quan trọng nhất.

Nếu chúng ta nói người trẻ, thực sự những người trẻ trong Bộ Chính trị và Trung ương không phải là trẻ. Nếu so với Thủ tướng Canada, Thủ tướng Anh… thì không phải là trẻ; hay so với lãnh đạo lớp trước thì chúng ta gọi là trẻ. Nhưng tôi nghĩ là không nên vui mừng chỉ dựa vào tiêu chí đó là chúng ta chọn được người trẻ. Nhưng chúng ta phải vui mừng khi những người trẻ đó, hay những người lớn tuổi, được đặt vào trọng trách phù hợp với nhu cầu của đất nước, nhu cầu của thị trường, xã hội và con người, nhất là khả năng của họ. Khi đặt những người đó vào những vị trí phù hợp như vậy, với tài đức của họ, hy vọng kết quả sẽ tốt. Và kết quả chính là thước đo quan trọng nhất của người tài.

Tôi hy vọng với Đại hội vừa qua, lãnh đạo đất nước sẽ đứng trên 3 vị trí để nằm trong Đảng là Đức – chúng ta tin rằng những người đó đã được sàng lọc; chắc chắn là phải có Tài và chúng ta mong đợi lãnh đạo cũng như người trong Bộ Chính trị cũng như Trung ương Đảng được đặt vào những vị trí phù hợp. Qua 3 điểm đó mới đánh giá được sự thành đạt của nhân sự.

Việt Nam nhiều nhân tài nhưng sao đất nước vẫn chưa giàu? - 7

BTV: Sau kỳ Đại hội này, đất nước ta đứng trước nhiều cơ hội mới về kinh tế-chính trị - xã hội, đặc biệt là việc tham gia vào TPP. Theo ông Đinh Xuân Thảo, với nguồn nhân lực hiện tại, chúng ta có phải hệ thống hóa lại để phù hợp với điều kiện mới của đất nước hay không?

Ông Đinh Xuân Thảo: Đây là câu hỏi lớn, bởi vì tôi thấy các nước khi xúc tiến đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định TPP thì họ đã có sự chuẩn bị. Có thể nói đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân cũng hiểu rõ được khi tham gia vào Hiệp định đó sẽ có những thuận lợi, thách thức gì và họ đã có sự chuẩn bị.

Nhưng đối với Việt Nam chúng ta, trong quá trình đàm phán, nhìn chung các cơ quan, tổ chức, người dân chưa biết. Bây giờ khi chính thức ký kết và phê chuẩn có hiệu lực, đúng là chúng ta lại phải bắt đầu từ đầu, từ việc tuyên truyền phổ biến cho mọi người hiểu được nội dung, tinh thần đàm phán; gắn với đó là nguồn nhân lực. Nói như GS. Vinh là phải phù hợp. Anh lãnh đạo ở tầm vĩ mô thì phải biết ở cấp lãnh đạo của mình; rồi người tổ chức, thực thi và đi vào từng doanh nghiệp. Đi vào sân chơi chung như thế thì rõ ràng phải biết luật chơi. Giống như vào sân bóng, biết luật chơi rồi thì cầu thủ của người ta, trình độ người ta cao hơn rồi nhưng của mình còn hạn chế hơn, thì rõ ràng mình phải luyện tập nhiều, phải cố gắng thì mới vào một sân chơi bảo đảm sự tương đồng, bình đẳng, có thể mới phát triển tốt được.

BTV: Còn theo ông Hà Tôn Vinh, khi đất nước hội nhập, mỗi người phải trang bị thêm những gì để cạnh tranh được với sân chơi chung này?

GS.Hà Tôn Vinh: Việt Nam tham gia gần 200 hiệp định. Điều đó chứng minh một điều rất là tốt, chúng ta muốn hội nhập và cam kết hội nhập; cố gắng làm mọi thứ để theo đúng tinh thần cũng như đòi hỏi của những hiệp định đó. Từ Hiệp định thươing mại Việt – Mỹ, Á – Âu, với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước… Gần đây là TPP, do đó áp lực chắc chắn sẽ có, sẽ đè nặng lên cơ chế của nhà nước, hệ thống lãnh đạo cũng như các doanh nghiệp. Điều rõ ràng là khi chúng ta vào sân chơi lớn hơn thì sẽ bị nhiều áp lực khác, nhưng cái quan trọng là chúng ta phải làm gì?

Chắc chắn có 3 thứ chúng ta phải làm. Thứ nhất, Chính phủ, nhà nước phải thông báo cho doanh nghiệp, cộng đồng xã hội biết chúng ta sẽ chơi trò gì. Nhiều hiệp định đàm phán giữa các chính phủ, còn cộng đồng không biết gì hết. Ngay như cuối năm 2015, chúng ta vào Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng ít người biết. Chúng ta thiếu sự chia sẻ thông tin. Nếu chúng ta tiếp tục độc quyền thông tin như vậy, chắc chắn chúng ta chỉ chơi một mình thôi, nhà nước chơi với nhà nước, chính quyền chơi với chính quyền còn cộng đồng doanh nghiệp sẽ ra ngoài; toàn xã hội không biết.

Thứ hai, đối với cộng đồng doanh nghiệp, ngoài thông tin, chúng ta phải cho họ sự hỗ trợ để họ có thể bắt kịp được. Bởi chúng ta không phải chơi với chúng ta mà với những doanh nghiệp nước ngoài, có sự tiến bộ trước chúng ta vài chục năm như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Thứ ba là đối với cộng đồng, xã hội, chúng ta phải có cơ chế để họ phản biện, đóng góp. Nếu chúng ta tiếp tục chơi trò chơi “nhóm nhỏ”, mà đòi mọi người tham gia thì không được.

Chúng tôi vừa thấy trong chiến lược nhân sự, trong quốc sách chúng ta nói rằng là không kể bất cứ người trong hay ngoài đảng, người Việt Nam trong nước hay nước ngoài, tất cả mọi người đều có bổn phận tham gia. Thực tế không phải như thế. Với thế hệ chúng ta đang sống, trong thế giới công nghệ thông tin, chúng ta không thể giấu được. Dần dần trình độ dân trí sẽ cao hơn, họ sẽ thấy sự lệch pha đó và chắc chắn sẽ bất mãn. Từ bất mãn này sang bất mãn khác sẽ trở thành khó khăn cho xã hội.

Tôi nghĩ, TPP hay bất cứ hiệp định nào chúng ta cũng cần chia sẻ thông tin rộng rãi, có những cách hỗ trợ doanh nghiệp và cả người dân. Còn bây giờ, tôi nghĩ Việt Nam có cam kết thật, hết lòng trong việc phát triển đất nước. Tại sao chúng ta làm được những chính sách đó mà thực tế lại không làm được? Cái đó phải tìm nguồn nhân lực nhân tài để đóng góp cho đất nước.

BTV: Xin trân trọng cảm ơn hai vị khách mời!

Theo VOV.VN