1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Việt Nam - Lào: Hợp tác 8 nội dung về lao động, an sinh, giáo dục nghề nghiệp

(Dân trí) - Sáng 28/3, tại Thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động & Phúc lợi xã hội Lào Khampheng Saysompheng đã cùng dự Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi xã hội Việt - Lào lần thứ 6. Hội nghị đã thống nhất 8 nội dung quan trọng về lao động, an sinh và giáo dục nghề nghiệp...

Việt Nam - Lào: Hợp tác 8 nội dung về lao động, an sinh, giáo dục nghề nghiệp - 1

Hai Bộ trưởng ký bản thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ giai đoạn 2019-2021

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng phát triển, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Tuyên bố chung giữa Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith ký ngày 25/2/2019 tại Viêng Chăn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã chia sẻ những kết quả nổi bật của ngành LĐ-TB&XH Việt Nam đạt được trong năm 2018, như: Toàn ngành đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

“Từ những thành quả đạt được, năm 2019, toàn ngành LĐ-TB&XH Việt Nam tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo công việc”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Tại hội nghị, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH công bố các quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị cho một số Cục, Viện, Trung tâm thuộc Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào. Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào trao tặng Bằng khen cho một số lãnh đạo các Cục, Vụ, Tổng cục thuộc Bộ LĐ - TB&XH Việt Nam.

Ông Khampheng Saysompheng - Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành LĐ-TB&XH Việt Nam và ý nghĩa của Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào khẳng định bối hai nước đã tăng cường hợp tác toàn diện trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác giữa hai Đảng.

Tại hội nghị, các đại biểu của hai Bộ đã cùng thảo luận các báo cáo tham luận, tập trung chia sẻ thông tin và cập nhật luật pháp, chính sách mới về lao động, việc làm, đào tạo nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội của Việt Nam và Lào.

Việt Nam - Lào: Hợp tác 8 nội dung về lao động, an sinh, giáo dục nghề nghiệp - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao hỗ trợ trang thiết bị dạy nghề và thiết bị văn phòng trị tới Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào.

Trong lĩnh vực lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao và đề nghị phía Lào tiếp tục tạo điều kiện tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại các dự án đầu tư, công trình xây dựng tại Lào.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan của Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Lào trong việc tăng cường hợp tác nhằm tuyên truyền phổ biến thông tin về các quy định, luật pháp của hai nước liên quan đến quản lý lao động nước ngoài”.

Nhân dịp này, Bộ LĐ-TB&XH đã trao tặng các thiết bị văn phòng và thiết bị dạy nghề tới Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào trị giá 3 tỷ 900 triệu đồng và trao máy móc, trang thiết bị chỉnh hình và phục hồi chức năng tặng Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng cho thương binh và người tàn tật ở Bản Cơn, tỉnh Vientiane trị giá 640 triệu đồng.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường hướng dẫn các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam thực hiện Hiệp định, tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp liên quan của Việt Nam và Lào để hợp tác cung ứng lao động.

Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và hợp tác nâng cao năng lực cán bộ, Bộ LĐ-TB&XH đã hỗ trợ đối tác Lào nhiều suất học bổng đào tạo thạc sĩ, đại học, trung cấp và ngắn hạn cho 47 sinh viên Lào về các lĩnh vực lao động, xã hội tại các trường thuộc Bộ LĐ-TB&XH.

Về hợp tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐ-TB&XH đã tạo điều kiện cho công tác tập huấn, chuẩn bị cho 24 thí sinh và chuyên gia của Lào dự Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 tại Thái Lan và đào tạo ngắn hạn cho 15 giáo viên dạy nghề của Lào.

Các trường đại học của Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động trao đổi đoàn, đẩy mạnh hợp tác về phát triển nguồn nhân lực với các cơ sở đào tạo của phía Lào, đặc biệt là với các cơ sở tại các tỉnh có chung đường biên giới Việt - Lào….

Trong lĩnh vực người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ cảm ơn nỗ lực, hợp tác chặt chẽ của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội và các cơ quan liên quan của Lào trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào.

8 nội dung hợp tác chính trong lĩnh vực lao động, an sinh và giao dục nghề nghiệp giai đoạn 2019-2021

 - Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hiệp định hợp tác về lao động Việt Nam - Lào ký năm 2013; Tăng cường phổ biến, thông tin nội dung của Hiệp định cho các đơn vị doanh nghiệp, người lao động và các địa phương có chung đường biên giới với Việt Nam-Lào...

- Hai bên tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng và các ngành liên quan trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào và bộ đội Lào hy sinh tại Việt Nam trong chiến tranh để đưa về nước.

- Hai bên sẽ tạo điều kiện cho việc trao đổi luân phiên đoàn cán bộ về công tác người có công với cách mạng của hai nước...

- Hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm về chuyên gia nhằm cung cấp thông tin về luật pháp, chính sách lao động và phúc lợi xã hội, thị trường lao động, xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động...

- Hai bên tiếp tục hợp tác kết nghĩa về nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật giữa Viện Phát triển kỹ năng nghề của Lào và Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp Việt Nam; Hợp tác kết nghĩa về chuyên môn kỹ thuật một cách hiệu quả giữa các cơ sở dịch vụ việc làm của hai bên...

- Hai bên hoan nghênh và đánh giá cao sự hỗ trợ chuyên gia kỹ thuật của các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác về chính sách tiếp nhận học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp tại mỗi nước…

- Hai bên khuyến khích các địa phương và cơ quan liên quan tăng cường kết nghĩa, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp và phúc lợi xã hội. Trong đó, có việc trao đổi thông tin về quản lý, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý người lao động Việt Nam đi làm việc tại Lào và người lao động Lào đi làm việc tại Việt Nam.

- Hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác về đào tạo cán bộ ngắn hạn và dài hạn, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề và huấn luyện chuyên gia và thí sinh tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN, hỗ trợ để Lào trở thành thành viên của Tổ chức kỹ năng nghề thế giới khi có nhu cầu…

Phúc Thanh