Việt Nam - CHLB Đức mở rộng hợp tác giáo dục nghề nghiệp

(Dân trí) - Thực hiện chuyến công tác tại CHLB Đức, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm Trưởng đoàn, đã có nhiều hoạt động tiếp xúc và làm việc với các đối tác nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và di chuyển nhân lực giữa CHLB Đức và Việt Nam.

Dành vốn ODA cho GDNN

Ngày 23/9 tại thành phố Frankfurt (CHLB Đức), Giám đốc phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) - một trong 50 ngân hàng an toàn nhất thế giới năm 2017 (theo xếp hạng của Tạp chí Global Finance), bà Christine Heimburgerm cùng các cán bộ cấp cao KfW đã tiếp Bộ trưởng và đoàn công tác.

Tại buổi làm việc giữa 2 bên, KfW thông báo tới Bộ trưởng các lĩnh vực Chính phủ Đức ưu tiên cấp vốn vay cho Việt Nam gồm môi trường, phát triển bền vững; năng lượng và GDNN; KfW và Chính phủ Đức rất coi trọng đầu tư phát triển dạy nghề, đây là nhân tố quan trọng để giúp kinh tế Đức phát triển thành công như ngày nay.

Việt Nam - CHLB Đức mở rộng hợp tác giáo dục nghề nghiệp - 1

Đoàn công tác làm việc với Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)

Phía đối tác cũng xác định hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực GDNN với Việt Nam là lĩnh vực ưu tiên của KfW và Chính phủ CHLB Đức.

Đánh giá cao kết quả làm việc với KfW, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cảm ơn sự quan tâm hợp tác của KfW dành cho Việt Nam suốt 25 năm qua trên nhiều lĩnh vực, trong đó có GDNN.

“Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong đó có GDNN là 1 trong 3 khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Trong những năm gần đây, GDNN là một trong các lĩnh vực trọng tâm được Bộ LĐ-TB&XH quan tâm chỉ đạo đổi mới quyết liệt, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng đề nghị KfW tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển GDNN thông qua tài trợ các dự án vốn vay ODA ưu đãi kết hợp chặt chẽ với các dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại để phát triển các trường chất lượng cao của hệ thống GDNN.

“Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả vốn ODA của Chính phủ CHLB Đức dành cho lĩnh vực GDNN”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và trân trọng mời đại diện KFW với tư cách vừa là đối tác, vừa là nhà đầu tư tham dự và phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về “Nâng tầm kỹ năng Việt Nam”, sẽ được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian tới.

Hợp tác với các Viện, trường nghề CHLB Đức

Cùng ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các thành viên Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc tại Viện bồi dưỡng công nghệ Bang Hessen và Trường dạy nghề Carl-Benz.

Việt Nam - CHLB Đức mở rộng hợp tác giáo dục nghề nghiệp - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm Viện Carl-Benz

Viện bồi dưỡng công nghệ Bang Hessen là cơ sở lớn chuyên đào tạo về công nghệ thông tin, kỹ thuật điện, cơ điện tử, năng lượng tái tạo, công nghệ in và truyền thông, quản lý giáo dục và chất lượng. Tại đây, nhiều khóa học đã được hình thành nhằm đào tạo giáo viên, lãnh đạo khoa, lãnh đạo của các trường cao đẳng Việt Nam theo Chương trình do Tổ chức Hợp tác Quốc tế (GIZ) của CHLB Đức và Chính quyền Bang Hessen tài trợ.

“Các học viên Việt Nam được đánh giá rất chăm chỉ, có động lực học tập tốt. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được tăng cường hợp tác với Việt Nam trong trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp…” - lãnh đạo Viện bồi dưỡng công nghệ Bang Hessen phát biểu.

Cảm ơn quá trình hợp tác của Viện trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề Việt Nam, đặc biệt với những lĩnh vực công nghệ mới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Viện tiếp tục hợp tác với Việt Nam về đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề Việt Nam.

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác tới thăm Trường Dạy nghề Carl-Benz. Tại đây, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ vui mừng được đón tiếp Bộ trưởng cùng các thành viên của đoàn công tác. Được biết, chương trình dạy nghề của trường, chủ yếu là các nghề cơ khí, công nghệ ô tô và cơ điện tử, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và số hóa.

Phúc Thanh lược ghi