Vì sao nghề y tá kén chọn nam giới?

Nhiều năm trước, những học viên trường trung cấp y là nam giới, họ không được trọng vọng bởi nam giới làm y tá cứ thấy kỳ lạ.

Vào nghề với cái duyên

Anh Nguyễn Văn Hải – Y tá của Bệnh viện Bạch Mai tâm sự, anh đến với nghề y là cái duyên. Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, anh ước mơ trở thành một bác sĩ nhưng anh theo đến 3 kỳ thi đại học vẫn không được. Lúc ấy, anh đành xuống học trung cấp y Hà Nội.

Vì sao nghề y tá kén chọn nam giới? - 1

Sau khi học xong, anh chỉ nhận được cái nhìn lạnh lùng của bạn bè. Nhiều người cho rằng anh chọn nghề y tá thật không phù hợp vì y tá chỉ hợp với nữ, nhiều bạn nam cùng học với anh lúc ấy cũng rẽ sang học dược hoặc nghề khác. Còn anh, cố bám trường, học đến khi xong.

Những ngày đầu, anh được giới thiệu về bệnh viện Lao Hà Nội. Nhà chỉ có một con trai nên cha mẹ anh không đồng ý, họ muốn anh làm nghề khác bởi lúc đó, bệnh lao, phơi nhiễm lao còn rất đáng sợ. Anh Hải đành nghỉ ở nhà đi làm công nhân theo mẹ.

Đến năm 25 tuổi, anh tự đứng ra kinh doanh. Lúc ấy, anh đã có rất nhiều tiền. Anh lại đi học thêm một nghề mình yêu thích khác. Nhưng một lần bố ốm, phải nằm viện cả tháng, anh Hải thấy việc cần thiết phải theo nghề y ý nghĩa như thế nào, anh đã xin vào một bệnh viện để làm y tá. Lúc đầu, ở khoa của anh cần y tá nam vì công việc bận rộn, phải trực đêm nhiều, cần sức khỏe rất tốt.

Bao nhiều năm làm y tá, anh Hải cho biết nghề này đúng là cái duyên. Những người bạn cùng học y tá với anh lúc đó rất ít người đi làm y tá. Sau đó, anh Hải học thêm cử nhân điều dưỡng. Còn nhiều người bên ngoài vẫn nghĩ y tá là tắm rửa, chăm sóc, vệ sinh cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng – Bệnh viện Bạch Mai cũng tâm sự, từ ngày bập bẹ bước vào nghề y, ông cũng chỉ là y tá nam. Lúc đó, bệnh nhân rất đông y tá nam nhiều khi cũng phải vệ sinh, đổ bô cho bệnh nhân. Có lẽ vì thế mà trước đây người ta thường không thích nghề y tá nam. Nhưng đến nay, y tá đã trở thành công việc hot, không dễ gì tìm được với nhiều người.

Bác sĩ Dũng cũng từ y tá học lên đại học và học qua các chuyên khoa để trở thành bác sĩ giỏi của rất nhiều bệnh nhân. Đến nay, với ông nghề y đúng là cái duyên và phải cảm ơn những công việc của y tá mới giúp anh động lực phát triển bản thân như thế.

Y tá nam khó xin việc

Y tá  trong bệnh viện là công việc thường rất vất vả và đòi hỏi sự bền bỉ, chính xác cao độ, thường xuyên phải trực đêm, trực vào ngày nghỉ hoặc các kỳ nghỉ. Hơn thế, y tá thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh tật, vi khuẩn, máu, thậm chí với cả tử thi … nên không phải ai cũng làm được. Tuy nhiên, đó chỉ là ở môi trường bệnh viện, còn môi trường phòng khám tư, y tá nam vẫn khó xin việc hơn.

Em Nguyễn Tiến Bình trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang cho biết, em học trung cấp y Bắc Ninh đã ra trường 4 năm nhưng khó xin việc hơn nữ. Nhiều phòng khám họ không thích nam y tá vì nam không tỉ mỉ, cẩn thận như chị em phụ nữ.

Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nữ đến khám không muốn nam giới tiếp xúc, hướng dẫn. Đến nay, Bình đành chuyển sang học thêm điện cơ tại chức của đại học Bách Khoa. Cùng lớp với Bình, có rất nhiều bạn nữ xin được việc còn bạn nam chỉ tính trên đầu ngón tay.

Ngày nay, dù có các dịch vụ bác sĩ gia đình, nhưng những nam sinh sau khi học xong trung cấp y đều khó xin việc dù là ở các trung tâm bác sĩ gia đình. Đỗ Thành Sĩ quê ở Đông Hưng, Thái Bình học trung cấp y Thái Bình, chia sẻ, em đã đi làm học việc ở nhiều phòng khám nhưng cảm nhận được các bác sĩ vẫn muốn những nữ y tá trợ giúp hơn nam.

Theo Infonet.vn