1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vì sao Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam cho 28 người thôi việc?

Trong lá đơn gửi Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam và báo Tiền Phong, một số cán bộ, nhân viên thuộc LĐLĐ Hà Nam nêu rõ tâm trạng hoang mang, lo lắng khi bị thông báo cho thôi việc từ sau 30/9.

Bất ngờ trước quyết định bị thôi việc

Phóng viên đã liên hệ với đại diện những người lao động trong danh sách 28 trường hợp được đề cập trong lá đơn nói trên.

Theo chia sẻ, ngày 17/8 vừa qua, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nam Trịnh Văn Bừng đã triệu tập họp với 28 trường hợp, thông báo sắp tới sẽ cho thôi việc. Theo một số người đứng tên trong lá đơn, lý do được đưa ra là hợp đồng của 28 trường hợp này không hợp pháp, nằm trong đối tượng tinh giản biên chế.

Đưa ra một số quyết định tiếp nhận và phân công công việc với phóng viên, một số người thuộc danh sách 28 trường hợp này cho hay, họ được tiếp nhận, phân công công việc dưới các thời Chủ tịch LĐLĐ khác nhau, tuy nhiên, đều nằm trong định biên. “Cái khó của chúng tôi là trong những năm qua Hà Nam không tổ chức thi biên chế nên chúng tôi không có cơ hội”, một người cho hay.

Đại diện nhóm cán bộ có đơn thắc mắc, nếu như họ không làm được việc thì không nói làm gì, nhưng bản thân đều hoàn thành nhiệm vụ. Cũng theo đại diện những người thuộc 28 trường hợp này, có những người đã làm việc, cống hiến cho tổ chức công đoàn cả chục năm trời, giờ chỉ bằng một câu nói, họ bị mất việc, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Cho thôi việc dựa vào đâu?

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Nam Trịnh Văn Bừng cho biết, việc tinh giản biên chế đang triển khai trên cả nước, cũng không riêng LĐLĐ tỉnh Hà Nam. Liên quan đến giá trị những quyết định tiếp nhận và điều động của các cán bộ thuộc diện phải nghỉ việc, ông Bừng nêu quan điểm “có thể trước đây là đúng nhưng giờ không đúng”.

Ông Bừng phân tích: “Chúng tôi là cơ quan hành chính nhà nước, biên chế có số lượng nhất định. Các hợp đồng lao động có thể ký theo công việc với sự đồng ý của lãnh đạo cấp trên”, ông Bừng nói. Do không là công chức, viên chức, không theo quy định của Nghị định 68 nên không có chế độ gì.

Ông Trịnh Văn Bừng (trái) trong một lần trao quà cho công nhân hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: LĐLĐ Hà Nam
Ông Trịnh Văn Bừng (trái) trong một lần trao quà cho công nhân hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: LĐLĐ Hà Nam

“Liên đoàn lao động vẫn ủng hộ một tháng lương. Với những trường hợp có đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ hỗ trợ làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp trong thời gian đi xin công việc mới. Tỉnh ủy chỉ giao chỉ tiêu cho LĐLĐ tỉnh Hà Nam 51 biên chế”.

Theo ông Bừng, tới đây, 6 ban của LĐLĐ tỉnh sẽ sáp nhập lại chỉ còn 4 ban, nhiều đồng chí đang là trưởng ban sẽ phải chấp nhận xuống phó ban, phó ban có thể xuống làm nhân viên. Dù thế, theo ông Bừng, hiện nay, LĐLĐ tỉnh vẫn còn khuyết thiếu 9 biên chế, tuy nhiên, tỉnh sẽ điều động từ nơi khác sang. “Các bạn trong 28 trường hợp nói trên không phải là công chức nên không được”, ông Bừng nói.

Ông Bừng cũng thông tin thêm, toàn tỉnh Hà Nam hiện thừa hơn 100 công chức và sẽ được điều động về đơn vị còn thiếu. Nếu thuận lợi, sau khi sáp nhập có thể tỉnh sẽ mở lại cuộc thi biên chế, lúc đó cơ hội sẽ trở lại với những trường hợp này, vì ưu tiên có kinh nghiệm thực tế. Ông Bừng cũng cho hay, chỉ có một vài người trong số 28 người có ý kiến, còn phần lớn đang xin chuyển công tác, tìm công việc mới.

Theo Trường Phong - Hiểu Minh/Báo Tiền phong