1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vì sao chúng ta chỉ nên làm việc bốn ngày một tuần?

Hiện nay, ngày càng có nhiều người làm việc 50, 60 và thậm chí 70 tiếng một tuần. Điều đó khiến nơi làm việc trở thành ngôi nhà thứ hai của họ.

Tuy nhiên, nhiều thí nghiệm được thực hiện bởi K. Anders Ericsson, một trong những chuyên gia hàng đầu về tâm lý học nơi công sở, đã chỉ ra rằng, con người chỉ có thể làm việc hiệu quả trong bốn hoặc năm giờ mỗi ngày. Nếu làm việc quá lượng thời gian đó, mỗi người sẽ trở nên mệt mỏi và hiệu suất công việc vì thế sẽ giảm đi.

Vì sao chúng ta chỉ nên làm việc bốn ngày một tuần? - 1

"Nếu bạn cố thúc ép các nhân viên của mình làm việc với khoảng thời gian vượt quá khả năng tập trung tối đa của họ, rất có thể bạn sẽ tạo cho họ một số thói quen xấu. Điều đáng lo ngại là những thói quen xấu đó sẽ ảnh hưởng đến nhân viên ngay cả trong khoảng thời gian họ có được trạng thái tốt nhất", Ericsson kết luận.

Trên thực tế, những nhà quản lý rút ngắn thời gian làm việc cho các nhân viên của mình luôn nhận được những tiến triển đáng kể về hiệu suất công việc cũng như trạng thái tâm lý từ các nhân viên đó khi làm việc.

Ryan Carson, giám đốc điều hành của Treehouse, đã áp dụng thay đổi một tuần làm việc 32 giờ trong năm 2006. Sự thay đổi đó đã giúp các nhân viên trở nên vui vẻ, thoải mái hơn với công việc và hiệu quả công việc vì thế mà cao hơn rõ rệt.

Carson chia sẻ, công ty lúc này đang rất phát triển với doanh thu hằng năm ước tính lên tới hàng triệu đô la, và các nhân viên cho biết họ rất thoải mái khi đi làm mỗi ngày.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với công ty phát triển web Reusser Design khi họ chuyển sang áp dụng giờ làm việc bốn ngày một tuần từ năm 2013.

Người sáng lập Nate Reusser chia sẻ: "Ngay cả khi các nhân viên của chúng tôi làm thêm giờ vào ngày thứ Sáu thì hiệu suất của họ vẫn cao hơn rất nhiều. Bạn chẳng thể nào tưởng tượng được những nhân viên đó cố gắng thế nào để hoàn thành công việc trước mỗi kỳ nghỉ của họ đâu".

Thử nghiệm tuần học kéo dài bốn ngày đã được áp dụng cho các học sinh lớp bốn, lớp năm ở bang Colorado. Kết quả thu được là số điểm môn toán và môn đọc của những em học sinh chỉ học bốn ngày cao hơn từ 6 đến 12% so với những em học đủ năm ngày một tuần.

“Quan niệm cho rằng những đứa trẻ luôn giữ được sự tập trung trong mọi giờ lên lớp là không chính xác”, Ericsson cho biết. Điều này đặc biệt đúng đối với những em gặp khó khăn khi cố gắng tập trung vào một công việc nào đó.

Những phát hiện của nghiên cứu này cũng cho thấy rằng ngay cả việc phân phối lại thời gian làm việc một cách đơn giản cũng có thể mang lại lợi ích to lớn cho cả nhân viên và các công ty.

Vào năm 2008, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ, Jon Huntsman, cựu Thống đốc bang Utah, đã áp dụng kế hoạch thay đổi thời gian làm việc trong tuần.

Theo đó, gần 75% số nhân viên trong bang đã chuyển sang làm việc bốn ngày một tuần, đồng thời bắt đầu làm việc 10 giờ mỗi ngày. Giải pháp này không chỉ làm giảm chi phí cho hệ thống sưởi, làm mát cho các tòa nhà mà còn nâng cao tinh thần làm việc của các nhân viên.

Người dân bang Utar cho biết họ rất hài lòng bởi sự thay đổi đó đã giúp họ có thêm nhiều ngày nghỉ và điều đặc biệt là họ không còn phải chịu cảnh tắc đường khi đi làm vào những giờ cao điểm nữa.

Đó là những dẫn chứng rất thuyết phục để chứng minh rằng việc rút ngắn tuần làm việc lại đem đến rất nhiều lợi ích cho mọi người, đặc biệt là các công ty và nhân viên.

Theo Vietnamnet.vn/Brightside