Vì sao châu Âu tăng dần độ tuổi nghỉ hưu?

18 trong tổng số 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang phải tăng dần tuổi nghỉ hưu nhằm duy trì quỹ lương hưu.

Vì sao châu Âu tăng dần độ tuổi nghỉ hưu? - 1

Ảnh minh họa: Reuters.

Từ những năm 1990, các nước Tây Âu đã bắt đầu quan ngại nguy cơ vỡ quỹ lương hưu trí. Trong gần 30 năm qua, hầu như nước nào cũng phải đề xuất cải cách luật. Hiện nay, một nửa số nước Tây Âu quy định người lao động phải làm việc đến 65 tuổi mới được nhận đầy đủ lương hưu.

Như vậy là tăng tuổi nghỉ hưu đối phó với nguy cơ vỡ quỹ lương hưu đang là bài toán không chỉ của nước Pháp mà cả nhiều nước châu Âu.

Trong số các nước châu Âu, người Pháp nghỉ hưu khá sớm. Đức và Hà Lan nghỉ hưu muộn hơn nhiều và vẫn đang tính tăng thêm nữa độ tuổi nghỉ hưu do người dân sống thọ hơn.

Tại Hà Lan, những người sinh sau năm 1955 sẽ phải làm việc tới 67 tuổi và 3 tháng mới được lĩnh trọn vẹn lương hưu.

Tại Đức, cải cách luật lao động theo hướng gắn độ tuổi nghỉ hưu với tuổi thọ trung bình. Theo ước tính, nam giới Đức sẽ sống tới 88 tuổi và nữ giới thọ tới 91 nên để quỹ lương hưu trí vận hành bình thường, tuổi nghỉ hưu sẽ phải là 71. Theo luật vừa được sửa đổi tại Đức, tuổi nghỉ hưu sẽ là 67 đối với người sinh sau năm 1963.

Tăng tuổi về nghỉ hưu liên quan đến quyền lợi của mọi người nên luôn là vấn đề gây tranh cãi dai dẳng ở mọi nước châu Âu. Vậy nên, trước khi bàn tới giải pháp đó, các nước châu Âu đều cố gắng cải thiện quy trình quản trị quỹ lương hưu trí, minh bạch và hiệu quả nhất có thể, rồi mới tính đến những cải cách khác.

Các nước châu Âu thường điều chỉnh quỹ lương hưu trí theo hướng cân đối giữa số tiền đã đóng trong suốt cuộc đời đi làm và số tiền hưu trí sẽ nhận hàng tháng cho tới cuối đời.

Nước Pháp đang tính cải cách theo hướng tính điểm dựa trên số tiền đã đóng, đóng nhiều thì được nhiều điểm, rồi tính lương hưu hàng tháng dựa trên số điểm tích lũy được trong khi còn đi làm.

Theo VTV.VN