Thanh Hóa:

Vẫn còn gần 5.000 người lao động “chui” tại Trung Quốc

(Dân trí) - Theo Công an tỉnh Thanh Hoá, cả tỉnh có hàng nghìn trường hợp lao động “chui” tại Trung Quốc bị bắt, trao trả, đẩy đuổi về nước. Trong đó, nhiều người bị bắt và đưa ra xét xử, tuyên án về hành vi nhập cảnh trái pháp luật; có người bị tai nạn, chết, nhiều gia đình phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để chuộc và đưa thi thể về quê mai táng.

Theo đó, tính đến trước Tết Nguyên đán 2016, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 13.914 công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Trong đó, có 1.814 trường hợp đã bị phía Trung Quốc bắt, trao trả, đẩy đuổi về nước; 26 người bị bắt và đưa ra xét xử, tuyên án về hành vi nhập cảnh trái pháp luật; 27 người bị tai nạn, chết. Trong năm 2016, có hơn 6.500 trường hợp lao động “chui” đã về nước.

Công an huyện Cẩm Thủy ngăn chặn kịp thời vụ 32 công dân chuẩn bị xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc
Công an huyện Cẩm Thủy ngăn chặn kịp thời vụ 32 công dân chuẩn bị xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc

Cũng vì đi lao động “chui” ở xứ người mà nhiều gia đình phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để chuộc và đưa thi thể về quê mai táng. Không những thế, nhiều trường hợp phụ nữ sang lao động bị mất tích, bị bán, bị ép làm gái bán dâm...

Mặc dù đã được tuyên truyền và cảnh báo nhiều về những rủi ro và hệ lụy mà không ít người xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc phải đối mặt, nhưng tình trạng công dân xuất cảnh trái phép vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp sau Tết Nguyên đán.

Tính đến ngày 8/2/2017, lượng Công an đã phát hiện, ngăn chặn 8 vụ với hơn 100 trường hợp chuẩn bị xuất cảnh đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Trong đó Công an huyện Quảng Xương phát hiện, ngăn chặn 4 vụ, Công an các huyện Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Cẩm Thủy, thị xã Sầm Sơn mỗi đơn vị 1 vụ.

Thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hiện nay địa phương này vẫn còn hơn 4.729 người đang lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc đã và đang tái diễn.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trên, Công an tỉnh Thanh Hóa tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân về các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực xuất nhập cảnh; các chủ trương, chính sách xuất khẩu lao động.

Đồng thời, vận động các gia đình có người thân đang lao động trái phép trở về địa phương. Tổ chức tuyên truyền, vận động và yêu cầu các trường hợp xuất cảnh trái phép đi lao động trở về địa phương trong dịp tết ký cam kết không đi và lôi kéo người khác xuất cảnh trái phép.

Tính đến nay, các đơn vị Công an trong tỉnh Thanh Hóa đã điều tra làm rõ và đưa ra truy tố 15 vụ, 20 đối tượng, trong đó đã xét xử 12 vụ, 16 đối tượng liên quan đến việc tổ chức đưa dẫn người xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Điển hình như: đối tượng Lê Thị Hoàng (SN 1976, ở xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) bị TAND huyện Lang Chánh tuyên phạt 8 năm tù giam về tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép; đối tượng Lê Đức Đồng, ở Yên Lễ, Như Xuân bị tuyên phạt 6 năm tù giam cũng về hành vi này...

Công an Thanh Hóa làm việc với lãnh đạo xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc về tình hình xuất cảnh đi lao động trái phép tại Trung Quốc
Công an Thanh Hóa làm việc với lãnh đạo xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc về tình hình xuất cảnh đi lao động trái phép tại Trung Quốc

Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 3 đoàn công tác trực tiếp xuống 14 địa bàn trọng điểm gồm: Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Hà Trung, Thạch Thành, Nga Sơn, Ngọc Lặc, Triệu Sơn và thị xã Sầm Sơn để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc.

Theo đánh giá của Công an tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh sự tích cực của lực lượng Công an, tình hình công dân xuất cảnh trái phép tại Trung Quốc ở các đơn vị địa phương cơ bản được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra vẫn còn một số vấn đề tồn tại như: cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa sâu sát, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nên sự vào cuộc của các ban ngành còn hình thức, chưa sâu sát; công tác tuyên truyền và xử lý các hành vi cố tình không chấp hành các cam kết chưa nghiêm.

Duy Tuyên