1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hôm nay (29/5):

Tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, nghỉ bù Tết Nguyên đán...sẽ được thảo luận tại Quốc hội

(Dân trí) - Theo kế hoạch, chiều nay (29/5), các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, như: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, khung giờ làm thêm, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, không nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán…

Tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, nghỉ bù Tết Nguyên đán...sẽ được thảo luận tại Quốc hội - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đọc Tờ trình dự thảo tại Quốc Hội sáng 29/5

Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa.

Dự thảo Bộ luật quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: Tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).

Theo quan điểm của Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ).

Bên cạnh đó, sau khi dự thảo được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành nghị định quy định 3 nguyên tắc tổ chức làm thêm quá 200 giờ:

- Doanh nghiệp phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;

- Không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ;

- Quy định rõ các ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như một số ngành nghề gia công (dệt, may, da, giày...) và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ (như chế biến nông, lâm, thủy sản).

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe cho người lao động, dự thảo Bộ luật quy định các vấn đề sau:

Nguyên tắc tự nguyện: chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ.

Bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ.

Trả lương cao hơn: ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động và thúc đẩy thương lượng về tiền lương phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.

Tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, nghỉ bù Tết Nguyên đán...sẽ được thảo luận tại Quốc hội - 2

Điều chỉnh tuổi hưu - vấn đề được nhiều người quan tâm

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu

Theo đó, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này nhằm thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội:

"Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

 Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với Phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).

Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn Phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực".

Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến như sau:

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định:

Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một số nội dung khác

Dự thảo Bộ luật còn đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung khác như: Không nghỉ bù dịp Tết Âm lịch, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, bổ sung ngày nghỉ lễ hàng năm, điều chỉnh thời giờ làm việc trong ngày; điều chỉnh tiêu chí xác định và điều chỉnh tiền lương tối thiểu; tăng cường tính linh hoạt, tự chủ của doanh nghiệp trong việc thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng…

Hoàng Mạnh