1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Từ vụ sập lò vôi: Chủ lơ là an toàn, người lao động lãnh đủ

Chỉ trong hai ngày (2 và 3.7) đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) khiến 6 người tử vong, 1 người bị thương. Các chuyên gia lao động nhận định những TNLĐ liên tiếp xảy ra thể hiện sự yếu kém trong khâu quản lý về an toàn lao động (ATLĐ).

Chiều 3.7, một lò vôi ở thị trấn Phú Thứ, tỉnh Hải Dương bị sập khiến 5 người tử vong tại chỗ. Trước đó, ngày 2.7 sau khi khoan đá, nổ mìn, một mỏ đá ở xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa bị sập khiến 1 người chết, 1 người bị thương.

Việc khai thác đá luôn tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ nghiêm trọng (ảnh chụp tại mỏ khai thác đá tại Thường Xuân, Thanh Hóa).  Ảnh: Minh Nguyệt
Việc khai thác đá luôn tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ nghiêm trọng (ảnh chụp tại mỏ khai thác đá tại Thường Xuân, Thanh Hóa). Ảnh: Minh Nguyệt

Vừa kiểm tra đã xảy ra tai nạn

Về vụ sập mỏ khai thác đá ngày 2.7 tại xã Phú Nghiêm, Quan Hóa ngày 4.7, ông Lê Đình Tùng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, Sở đã gửi báo cáo nhanh với Cục ATLĐ (Bộ LĐTBXH). Tuy nhiên, Sở chưa nắm được nguyên nhân chính xác khiến vụ việc xảy ra.

Dự đoán ban đầu, ông Tùng cũng cho rằng, có thể do nhiều ngày qua trên địa bàn huyện Quan Hóa có mưa nhiều gây sạt lở, hợp tác xã lại cho nổ mìn phá đá nên để xảy ra sập mỏ. “Tuy nhiên, cần chờ kết luận của cơ quan chức năng mới biết chính thức nguyên nhân của sự việc” – ông Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, từ đầu năm 2016 tới nay, Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc tổ chức thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề đảm bảo ATLĐ trong tất cả các ngành nghề. Theo đó, tháng 6 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATLĐ của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ du lịch Sinh Vượng – đơn vị vừa để xảy ra tai nạn làm 2 người thương vong (ngày 3.7).

Ông Nguyễn Anh Thơ cho biết: “Cục ATLĐ cũng yêu cầu các địa phương thực hiện rà soát các cơ sở sản xuất vôi thủ công để đánh giá điều kiện ATLĐ, từ đó cần thiết phải dừng hoạt động các cơ sở không đảm bảo an toàn”.

“Đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số thiếu sót trong việc thực hiện đảm bảo ATLĐ như chưa huấn luyện ATLĐ, chưa ký hợp đồng, chưa kiểm định máy nén khí… Chính vì vậy, đoàn kiểm tra đã kiến nghị dừng hoạt động, đồng thời yêu cầu đảm bảo ngay các công tác đảm bảo ATLĐ. Sau khi Hợp tác xã thực hiện các kiến nghị đó Sở mới cho hoạt động lại” – ông Tùng cho biết. Tuy nhiên, chỉ sau khi tái hoạt động ít ngày, tai nạn thương tâm đã xảy ra.

Cùng ngày 4.7, Bộ LĐTBXH, Thanh tra Bộ phối hợp Sở LĐTBXH tỉnh Hải Dương cũng đã thành lập đoàn thanh tra, điều tra nguyên nhân gây tại nạn lò vôi làm 5 người thiệt mạng. Cùng ngày UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ra công văn chấn chỉnh hoạt động của các lò vôi, lò gạch trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Cục trưởng Cục ATLĐ cho biết, để xảy ra 2 vụ TNLĐ nghiêm trọng nói trên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người quản lý các cơ sở lao động. Các cơ sở này chưa đảm bảo trang thiết bị cần thiết cũng như chưa thông tin đầy đủ nguy cơ rủi ro trong quá trình lao động để người lao động phòng tránh.

Yếu kém trong quản lý

Ông Thơ thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 39 và 44 (ngày 15.5.2016) về việc hướng dẫn thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động. Theo đó, nghị định đề cập tới việc thực hiện huấn luyện ATLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, có thể phải đến 1.1.2018 mới triển khai được.

Ông Phùng Huy Giật – cán bộ huấn luyện của Hội An toàn khoa học kỹ thuật lao động Việt Nam cho rằng 100% cán bộ quản lý cấp xã/phường trong cả nước chưa được huấn luyện về ATLĐ. Điều này là nguyên nhân gián tiếp gây ra các vụ TNLĐ. “Luật An toàn vệ sinh lao động sửa đổi có hiệu lực từ 1.7.2016 có đề cập tới vấn đề đảm bảo ATLĐ trong lĩnh vực không có quan hệ lao động (nông nghiệp, dịch vụ), thế nhưng trước đó chưa có bất cứ chính sách nào quy định về vấn đề này, nên công tác đảm bảo ATLĐ trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn” – ông Giật nói.

"Để xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng ở các mỏ đá, lò vôi, lò gạch, nguyên nhân đầu tiên là do yếu kém trong việc quản lý nhà nước, từ trung ương tới địa phương. Không riêng lĩnh vực chế biến đá, lò gạch lò vôi, mà tất cả vấn đề ATLĐ trong các ngành nghề khác cũng đang bộc lộ những yếu kém” - Ông Phùng Huy Giật

Chỉ riêng lĩnh vực khai thác đá, ông Giật cho biết đã có quy chuẩn quốc gia trong khai thác, chế biến đá do Bộ LĐTBXH ban hành năm 2012. Về nguyên tắc tất cả đơn vị sản xuất phải tuân theo, thế nhưng vì không được tuyên truyền nên chẳng đơn vị nào biết.

Nói về nguyên nhân xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng trong sản xuất đá, lò gạch, lò vôi, ông Giật khẳng định: “Nguyên nhân đầu tiên là do yếu kém trong việc quản lý nhà nước, từ trung ương tới địa phương. Không riêng lĩnh vực chế biến đá, mà tất cả vấn đề ATLĐ trong các ngành nghề khác cũng đang bộc lộ những yếu kém. Hiện nay, mọi công việc đổ dồn về xã, phường quản lý. Cán bộ thanh-kiểm tra trung ương không thể về cái mỏ đá hay cái lò vôi của xã, phường đó mà kiểm tra được. Nếu chỉ trông chờ vào cán bộ cấp xã, phường, mà đội ngũ này lại chưa được tập huấn thì làm sao có hiểu biết để quản lý được về vấn đề này”.

Ông Nguyễn Quốc Thị - Chủ tịch UBND xã Hồng Phong (Ninh Giang, Hải Dương) cho rằng: “Cho dù địa phương có thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở và người lao động thực hiện ATLĐ nhưng nhiều người vẫn chủ quan, không sử dụng phương tiện bảo hộ, không tuân thủ quy trình sản xuất dẫn đến thiệt mình, hại người”.

Theo Danviet.vn