1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Truyền thông giúp tố cáo hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

(Dân trí) - “Qua truyền thông, nhiều vụ bạo hành đã được nạn nhân, người thân và cộng đồng dư luận kịp thời lên tiếng, các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm minh, tạo niềm tin cho người dân…” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá tại Hội nghị sơ kết chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực.

Truyền thông giúp tố cáo hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những vi phạm nhân quyền phổ biến nhất trên thế giới.

“Báo cáo của Liên hợp quốc về bạo lực đối với phụ nữ năm 2015 cho thấy: 35% phụ nữ trên toàn thế giới đã trải qua ít nhất một trong các dạng bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục trong cuộc đời. Cứ 10 em gái dưới 18 tuổi thì có một người bị ép buộc phải quan hệ tình dục ngoài ý muốn. Bạo lực gây ra hơn 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

Truyền thông giúp tố cáo hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái - 1

Theo số liệu thống kê năm 2017 của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) khu vực châu Á- Thái Bình Dương, mỗi ngày có tới 137 phụ nữ bị giết hại bởi thành viên trong gia đình.

Đây thực sự là những con số đáng báo động về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, một nửa dân số thế giới đang phải đối mặt.

Trước thực trạng trên, Liên hợp quốc đã lấy ngày 25/11 hàng năm là Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ. Đồng thời, Chiến dịch 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (từ ngày 25/11 đến ngày 10/12 hàng năm) đã được nhiều quốc gia hưởng ứng nhằm thúc đẩy các cam kết hành động để sớm chấm dứt tình trạng này

Tại Việt Nam, Chiến dịch 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ được hưởng ứng từ nhiều cấp, ngành. Bắt đầu từ năm 2016, Chính phủ đã chính thức giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm.

Truyền thông giúp tố cáo hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái - 2

Thứ trưởng Lê Văn Thanh

Kế thừa và phát huy các kinh nghiệm có được từ việc triển khai Chiến dịch 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, việc triển khai Tháng hành động các năm vừa qua đã được Bộ LĐ-TB&XH tiến hành khá bài bản.

Đánh giá về hoạt động của chiến dịch, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, các thông điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa ngày một xa hơn, rộng hơn, góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong việc đối diện với các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Bên cạnh nhiều vụ bạo hành đã được nạn nhân, người thân và cộng đồng dư luận kịp thời lên tiếng tố cáo, phản ánh để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho người dân.

“Đặc biệt, sự ủng hộ tích cực của các phóng viên thông qua các bài viết, phóng sự đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã góp phần thúc đẩy sự cam kết vào cuộc mạnh mẽ hơn của các tổ chức, cá nhân nhằm lên án và tố cáo các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đó chính là sự thành công của Chiến dịch” - Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.

Thu hút sự tham gia của nhiều ban, ngành

Theo bà Trần Thị Bích Loan, Vụ Phó Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH), sau giai đoạn triển khai từ 2017-2019, chiến dịch đã kế thừa các kinh nghiệm trong triển khai Chiến dịch 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, thu hút được nhiều cơ quan, ban ngành ở TW và địa phương tham gia.

Đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các cơ quan thực hiện dự án, địa phương thụ hưởng dự án, các hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

Đồng thời, chương trình cũng tạo ra nhiều hoạt động ở cộng đồng, hướng tới nhóm người trẻ tuổi, nam giới tham gia, từ đó đóng góp vào kết quả triển khai Tháng hành động và thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Hoàng Mạnh