1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Trường nghề vẫn "đứng" ngoài cuộc

“Đến hẹn lại lên” – Hàng năm, trước khi diễn ra kỳ thi tuyển vào Đại học – Cao Đẳng (trước đây) và kỳ thi Quốc gia (như hiện nay) là các báo phối hợp cùng Bộ giáo dục, sở giáo dục các địa phương cũng như các trường Đại học để tư vấn cho học sinh và kể cả phụ huynh cũng như thầy cô làm công tác hướng nghiệp. Việc tư vấn diễn ra nhiều đợt và nhiều nơi trong cả nước.

Chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh vẫn đang thiếu vắng sự tham gia của các trường dạy nghề (ảnh minh họa)
Chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh vẫn đang thiếu vắng sự tham gia của các trường dạy nghề (ảnh minh họa)

Đây thật sự là công việc rất cần thiết để học sinh bớt đi những bỡ ngỡ khi chọn ngành, chọn trường. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng có thêm thông tin về thị trường lao động, hiểu được những mong muốn của con cái để không còn “ép” con cái phải học và thi theo “nguyện vọng” của chính bản thân cha mẹ.

Những người làm công tác tư vấn tại các trường phổ thông, qua những hoạt động như thế này cũng sẽ dễ dàng thu thập thông tin và giúp học sinh tại chính trường mình đang công tác trong việc chọn ngành, nghề, trường.

Trong một đất nước công nghiệp hoặc đang trên đà xây dựng để trở thành 1 nước công nghiệp thì ngoài các vấn đề như phương hướng, chính sách, tài chính, sẽ phải quan tâm rất nhiều đến nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân lực có trình độ chuyên môn tốt để trực tiếp sản xuất.

Vấn đề này, trường nghề sẽ phải là nơi đào tạo và cung cấp lực lượng lao động theo nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, ngoài xu hướng của nhiều bạn trẻ vẫn còn rất thích học đại học thì việc nhiều người chưa có thông tin chính xác về trường nghề, ngành nghề đào tạo là do “lỗi” của trường nghề.

Những dịp tư vấn tuyển sinh, gặp gỡ học sinh chuẩn bị hoàn tất lớp 12 là cơ hội thật tốt để trường nghề “tiếp thị”. Nhưng, dường như không có trường nghề nào tham gia những ngày hội như vậy. Vừa qua, đoàn tư vấn tuyển sinh đến tại thành phố nơi tôi đang làm việc để tư vấn, giới thiệu trường, ngành nghề thì tôi cũng đến để tìm hiểu các thông tin. Thật buồn khi tuyệt nhiên không có trường nghề nào tham gia cùng, kể cả các trường nghề đang tổ chức tuyển sinh và giảng dạy tại thành phố này.

Vậy thì không thể trách vì sao nhiều bạn trẻ thích vào đại học hay không chọn con đường học nghề để dễ có việc làm. Tôi biết, nhiều bạn trẻ muốn tham gia hoặc đang phân vân, lưỡng lự nhưng lại hoàn toàn thiếu thông tin. Một bên ồ ạt cung cấp thông tin, quảng bá trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn sẽ gây được chú ý cho dù “sản phẩm đầu ra” chưa thể chắc chắn.

Trường nghề có thế mạnh về thực hành, máy móc nhiều, trang thiết bị hiện đại nhưng nếu cứ ngồi chờ học sinh đến thì chắc chắn tuyển không đủ chỉ tiêu, không tuyển được người khá. Xã hội và doanh nghiệp cũng không thể đánh giá cao trường nghề khi hoạt động vẫn còn quá bị động và thụ động.

Dạy nghề tại Việt Nam mặc dù đã có luật, có chính sách rõ ràng, nhưng vẫn “lép vế” so với các trường đại học – cao đẳng. Chỉ khi nào trường nghề cung cấp được các học sinh tốt nghiệp có thể hành nghề tốt thì mới có thể làm cho xã hội, phụ huynh, doanh nghiệp tin tưởng, lựa chọn và gắn kết.

Điều này hoàn toàn có thể làm được khi trường nghề chịu mở cửa để “giới thiệu bản thân”, liên kết doanh nghiệp để cam kết đầu ra và thay đổi để phù hợp với một xã hội đang từng ngày thay đổi./Học sinh sẽ chỉ chọn học nghề khi trường nghề làm cho họ yên tâm không chỉ ở hiện tại và tương lai. Khi trường nghề vẫn còn đứng “ngoài cuộc” thì chúng ta vẫn còn thiếu lao động chất lượng cao hoặc người tốt nghiệp không thể hành nghề cũng là điều dễ hiểu.

Theo Nguyễn Quốc Vỹ /Báo Lao động