1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tri ân quá khứ, hướng tới tương lai

(Dân trí) - “Chúng ta nhìn nhận khách quan và toàn diện hơn tầm vóc lịch sử, tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đồng thời tôn vinh, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”.

Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu về công tác chăm sóc người có công với cách mạng trong buổi gặp mặt thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 23/1 tại Hà Nội.

Chương trình có sự tham gia của các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gần 238 đại biểu người có công tiêu biểu trong cả nước.

Sự tri ân

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, cách đây gần 40 năm, 5 giờ sáng ngày 17/02/1979, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải đương đầu với cuộc chiến đấu trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam từ Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu.

dung.jpg

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng

Thực hiện Lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước, hàng triệu cán bộ chiến sỹ, quân và dân Việt Nam đã cầm súng, chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu đã gây ra những hậu quả vô cùng tàn khốc đối với cả hai phía. Hàng ngàn người Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng hy sinh, cơ sở hạ tầng bị phá hoại, sản xuất đình trệ, quan hệ ngoại giao căng thẳng...

“Nhắc đến sự kiện này, chúng ta nhìn nhận khách quan và toàn diện hơn tầm vóc ý nghĩa lịch sử, tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đồng thời tôn vinh, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.

Chương trình là dịp thể hiện sự tri ân, quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với người có công với cách mạng nói chung và người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc nói riêng.

Về dự buổi gặp mặt có nhiều đồng chí là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân qua các thời kỳ kháng chiến. Họ là những người chiến sĩ tiêu biểu với những cống hiến đặc biệt xuất sắc của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều gương sáng

Không chỉ đánh giá cao về những tấm gương sáng trong công cuộc bảo vệ đất nước, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng còn đặc biệt lưu ý tới những đóng góp to lớn của nhiều thương binh, người vợ, người con của các anh hùng liệt sĩ trong vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và phát triển kinh tế.

dung 1.jpg

Chia sẻ của các khách mời 

“Họ là những người vợ, người con đã mạnh mẽ, kiên cường vượt qua sự nghiệt ngã của số phận, vượt qua bao trắc trở để bước tới tương lai hòa bình, độc lập dân tộc. Với sự đồng cảm, đùm bọc của gia đình, làng xóm và quần chúng nhân dân, những người vợ, người con đã “biến đau thương thành hành động”, ngậm ngùi nuốt nước mắt, để phấn đấu trong học tập, lao động, dựng xây đất nước” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.

Nhiều tấm gương được biểu dương tai Hội nghị, như: Bà Lê Thị Hưng, vợ liệt sĩ Lê Duy Thức, ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Bà mất đi người chồng vào ngày 17/02/1979 tại biên giới phía Bắc khi còn rất trẻ.

Vượt lên nỗi đau, bà luôn thể hiện tinh thần, bản lĩnh trước mọi khó khăn thách thức trong cuộc sống để chăm lo, phụng dưỡng bố mẹ chồng và nuôi người con gái duy nhất của liệt sĩ đến tuổi trưởng thành.

Bên cạnh đó, bà cũng tham gia hoạt động rất tích cực trong các phong trào hỗ trợ cho cộng đồng, quê hương, tận tình giúp đỡ những người còn nhiều khó khăn trong cuộc sống để vươn lên.

Với thương binh, bệnh binh Trần Văn Vực (Cao Bằng) lại là một câu chuyện điển hình phát triển kinh tế. Năm 1979, tại biên giới phía Bắc, ông ông Vực bị cụt 1/3 giữa đùi phải.

Trở về địa phương, ông luôn giữ gìn phẩm chất của một quân nhân, cùng với gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng với gia đình dạy bảo con cái, làm ăn phát triển kinh tế, tạo dựng được cuộc sống ngày càng ổn định và phát triển.

Hội nghị còn đánh giá cao tấm gương của ông Mai Văn Thông, thương binh 2/4 (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Trở về với cuộc sống đời thường gia đình anh đối mặt với đói nghèo và những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Không ngại khó khăn gian khổ, với phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, anh đã cùng với gia đình xây dựng mô hình vườn ao chuồng với diện tích hàng ngàn m2 để nuôi cá và gia súc các loại với lợi nhuận hàng năm thu về từ 120 - 150 triệu đồng.

“Ngoài những tấm dương điển hình trên, chương trình còn vui mừng đón gần 200 đồng chí là thương binh, bệnh binh, trong số đó có nhiều người là thương binh nặng 1/4 với tỷ lệ mất sức trên 90%. Những người lính đã để lại nhiều phần thân thể nơi chiến trường và nỗi ám ảnh di chứng chiến tranh vẫn hàng ngày hiện diện, nhưng với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ, các đồng chí đã vượt qua tất cả, sống có ích để làm điểm tựa vững vàng cho con cháu” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.

Gần 6.000 hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người có công được xem xét giải quyết trong năm 2018

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp đưa vào vận hành Cổng thổng tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ để giúp người dân và thân nhân liệt sĩ tra cứu, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Việc giải quyết tồn đọng sau chiến tranh, xác nhận người có công được triển khai quyết liệt,khẩn trương, trách nhiệm.

Trong một thời gian ngắn gần 6.000 hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tồn đọng ở cấp tỉnh được xem xét giải quyết, với gần 2000  liệt sĩ được xác nhận và trao bằng Tổ quốc ghi công, 2.600 hồ sơ xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, phấn đấu đến năm 2020 giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh theo tinh thần Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác ưu đãi người có công với cách mạng…

Hoàng Mạnh