1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Trẻ em cần được dạy kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu

(Dân trí) - “Dù đã giảm nhiều nhưng con số 2.000 trẻ em đuối nước mỗi năm vẫn là điều nhức nhối với xã hội. Đặc biệt là khả năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu của trẻ còn thấp” - ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với báo giới hôm 9/11 tại Hà Nội.

Theo ông, những nguyên nhân chính gây nên tình trạng đuối nước trẻ em tại Việt Nam là gì?

- Đuối nước là vấn đề đã và đang gây bức xúc tại Việt nam nhiều năm nay. Những năm trước, hàng năm có hơn 3.500 em bé bị chết đuối, trong tổng số 7.000 em bé bị tai nạn thương tích nói chung. Con số thống kê chưa đầy đủ hiện nay cho thấy, mỗi năm Việt nam có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước.

duoi nuoc

Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH)

Nguyên nhân đầu tiên là yếu tố môi trường không an toàn: Đơn giản như những đồ dùng gần gũi cuộc sống như chum, vại đựng nước; xa hơn một chút có thể là các cống rãnh hoặc ao hồ xung quanh ngôi nhà.

Điều này dễ thấy ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 3-4 tháng/năm bị ngập nước. Các bậc phụ huynh nơi đây thường đi làm, trẻ nhỏ phải ở nhà với ông, bà. Điều này có thể gây ra nhiều nguy cơ khiến trẻ em bị rơi xuống nước.

Tiếp đến là ý thức của các bậc cha mẹ. Nhiều người còn chưa quan tâm đúng mức nếu như không muốn nói là chủ quan với nguy cơ đuối nước của trẻ. Nhiều trường hợp để con nhỏ 9 hoặc 10 tuổi trông em mới 3 tuổi ở nhà, dẫn tới nguy cơ cao về tai nạn, trong đó có đuối nước.

Ngoài ra, lý do đuối nước còn do trẻ em không được dạy bơi. Tại các nước phát triển như Úc, New Zealand, em bé biết bơi trước khi biết đi.

Tại Việt Nam, chúng ta đang cố gắng dạy trẻ biết bơi từ 6 tuổi, dù còn thiếu nhiều điều kiện.

Việc dạy cần có hồ bơi, người dạy, người giám sát. Sự thiếu hụt về kinh phí dẫn đến tỷ lệ các em bé biết bơi, đặc biệt là bơi cứu đuối và tự cứu rất thấp.

Ngoài ra, việc chấp hành luật pháp trong giao thông chưa tốt. Thực tế nhiều vụ đò, thuyền chở trẻ em bị đắm bởi chất lượng thấp, không có phao cứu hộ.

Vậy công tác dạy bơi ở các nhà trường hiện nay ra sao? Đâu là giải pháp nhằm hỗ trợ công tác phòng chống đuối nước tại nhà trường hiện nay, thưa ông?

- Hiện nay, công tác phòng chống đuối nước được coi là một nội dung thuộc chương trình phòng chống thương tích ở Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực trong việc lồng ghép việc chống đuối nước trong phòng các chương trình chống tai nạn thương tích.

Dạy bơi, học bơi là giải pháp hàng đầu giảm thiểu đuối nước ở trẻ em. Tôi mong muốn, nhà trường nên dạy bơi cho trẻ từ 6-16 tuổi bên cạnh việc dạy tập thể dục. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là thiếu kinh phí cho công tác triển khai dạy bơi.

Trong tình hình này, Bộ Giáo dục đào tạo cũng đã có nỗ lực như gửi công văn gửi các địa phương chỉ đạo: Tùy vào tình hình thực tế để tổ chức các khoa học bơi, kỹ năng an toàn cho trẻ em trong trường học, thông qua kinh phí địa phương.

Trong cái khó ló cái khôn. Nhiều nơi đã triển khai tốt việc xã hội hoá công tác phòng chống đuối nước.

Trong vài năm qua, nhiều tỉnh đã áp dụng cách làm trên có hiệu quả, như: Quảng Ninh, An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp. Ngay tại Hà Nội, nhiều trường ở quận Thanh Xuân đã được hỗ trợ các bể bơi thông minh được lắp ráp bằng vật liệu composite hoặc các túi nước khổng lồ để dạy trẻ học bơi.

Theo ông Nguyễn Trọng An: “Tại Đà Nẵng, với sự hỗ trợ của Tổ chức cứu hộ Hoàng gia Úc và nhiều nhà hảo tâm, trong 3 năm đã có 23.000 trẻ em từ 6-12 tuổi được học bơi. Qua gần 10 năm nay, tại các trường tiểu học Đà Nẵng vẫn đang triển khai tốt việc dạy bơi cho trẻ em. Trước đây, tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Đà Nẵng là 50-60 trẻ/năm, hiện nay chỉ có 3-5 trẻ mỗi năm”.

Xin cảm ơn ông

Phan Minh thực hiện