Tràn lan doanh nghiệp lách bảo hiểm

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho biết, qua khảo sát doanh nghiệp (DN) tại 20 tỉnh thành, gần 100% DN Việt Nam sử dụng thủ thuật để lách bảo hiểm. Trong khi đó, cải thiện môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn do các bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt.

Xem lại mức đóng bảo hiểm

Một DN Hàn Quốc mới đây kể rằng, họ đầu tư vào Việt Nam vì kỳ vọng chi phí lao động rẻ, họ cũng yêu Việt Nam, nên mỗi công nhân có con đi học được công ty hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng.

Tuy nhiên, từ năm 2016, chính sách thu bảo hiểm thay đổi khi tính trên tổng thu nhập, người có hợp đồng 3 tháng cũng phải đóng bảo hiểm, khiến chi phí DN phải đóng bảo hiểm rất cao.

“Các DN đồng ý bảo hiểm là nhân văn, nhưng hiện DN còn khó khăn, nên phải cân nhắc khả năng rời Việt Nam để tìm nước có chi phí lao động rẻ hơn” - Câu chuyện được bà Nguyễn Thị Cúc kể lại.

Theo đó, bà Cúc đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét, điều tra khách quan về tình hình đóng bảo hiểm của DN, để đưa ra mức thu bảo hiểm hợp lý, có thể thực thi được, không phải để tất cả cùng nói dối.

Cụ thể hơn,  bà Nguyễn Thị Cúc phân tích: Mức đóng các khoản bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp) bằng 32,5% tổng chi phí DN trả cho người lao động là quá cao.

Do đó, DN và người lao động thỏa thuận ký hợp đồng bằng mức lương tối thiểu để làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm, còn lương và thu nhập thực nhận của người lao động sẽ cao hơn nhiều.

“Người lao động cần tiền để trang trải cuộc sống trước mắt, lo cho gia đình, còn chuyện lương hưu là của tương lai xa. Do đó, DN và người lao động cùng bắt tay để trốn đóng bảo hiểm”, bà Cúc nói.

Trong khi đó, chỉ các DN có vốn đầu tư nước ngoài mới đóng góp các khoản bảo hiểm đầy đủ, nhưng mức đóng bảo hiểm quá cao khiến các DN phải cân nhắc lại việc đầu tư tại Việt Nam.

Nâng mức bảo hiểm nên tăng phí đóng

Cũng theo vị Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế, cơ quan quản lý cần xem xét lại phí công đoàn. Bà dẫn lời các DN phản ánh, có đơn vị không có tổ chức công đoàn vẫn phải nộp phí công đoàn 2% (trong đó, nộp 65% phí thu được lên công đoàn cấp trên). “Với DN có hàng ngàn lao động, phí công đoàn rất lớn, nhưng họ kêu không được công đoàn giúp đỡ gì”, bà Cúc nói.

Qua khảo sát, các DN tại một số địa phương sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra kết quả: Dù thời gian nộp bảo hiểm xã hội đã giảm nhiều nhưng chưa đạt mục tiêu còn 49,5 giờ như nghị quyết đề ra.

Ngoài ra, đại diện các DN cũng phản ánh mức thu bảo hiểm bắt buộc hiện nay quá cao; chế độ thai sản chỉ được giải quyết theo quý; thiếu cơ chế để người lao động theo dõi, giám  sát việc đóng bảo hiểm; công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu (hay nghẽn mạng)…

Từ thực tế đó, nhiều nghiên cứu đề xuất các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại mức đóng bảo hiểm bắt buộc và tình hình đóng của các DN. Từ đó, đưa ra giải pháp hợp lý trước khi quy định mới về đóng bảo hiểm bắt buộc trên thu nhập của người lao động được áp dụng (từ năm 2016).

Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, đã có nhiều nghiên cứu, kiến nghị về mức đóng bảo hiểm bắt buộc. Tuy nhiên, quy định nằm trong luật, sửa hay không phải do Quốc hội quyết định. “Chúng ta muốn nâng mức hưởng bảo hiểm nên phải tăng mức đóng, đây là bài toán cần nghiên cứu thêm”, vị đại diện này nói.

Theo CIEM, sau 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19, một số chỉ tiêu đã được cải thiện đáng kể, như giảm thời gian nộp thuế từ 370 giờ còn 50 giờ/năm; 98% DN cả nước thực hiện kê khai thuế qua mạng; giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội từ 335 giờ còn 49,5 giờ/năm. Tuy vậy, các DN vẫn kêu than về thủ tục hành chính lằng nhằng, chính sách thay đổi thiếu đồng bộ; DN không thể giải thể do thiếu hướng dẫn…

Theo Tiền phong