1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Trai nghèo nuôi lươn đồng, mỗi đợt bán 5 tạ, lời 45 triệu đồng

Từ 2 bồn ban đầu, nay 9X Phan Văn Phú, SN 1991, ngụ ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang) đã phát triển số lượng lên 5 bồn. Mỗi năm, anh Phú xuất bán 1 đợt, với khoảng 500kg lươn thịt. Với giá bán bình quân 120.000 đồng/kg, có năm lên đến 150-60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Phú lời trên dưới 45 triệu đồng.

Chịu khó tìm tòi, dám nghĩ, dám làm với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, 9X Phan Văn Phú đã xây dựng thành công mô hình nuôi lươn thịt trong bồn.

Anh Phú cho biết, sau khi học xong chương trình phổ thông, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh phải từ bỏ ước mơ học đại học để phụ giúp gia đình. Năm 2013, sau thời gian tham gia công tác Đoàn, được đi tham quan nhiều mô hình làm kinh tế hay, nhận thấy mô hình nuôi lươn đồng bán thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, anh Phú quyết định chọn mô hình này để phát triển kinh tế gia đình.

9X Phan Văn Phú với mô hình nuôi lươn đồng trong bể bùn cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
9X Phan Văn Phú với mô hình nuôi lươn đồng trong bể bùn cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Được hỗ trợ vay vốn thông qua nguồn vốn giúp 65 hộ thanh niên thoát nghèo của Huyện đoàn Châu Thành, với mức hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng, anh Phú bắt tay vào xây dựng mô hình. Thời gian đầu, anh Phú gặp rất nhiều khó khăn, do chưa có kinh nghiệm nuôi lươn cũng như kỹ thuật nuôi lươn. Lứa đầu thiệt hại trên dưới 40%. Không nản lòng, anh Phú đến các hộ nuôi lươn trong và ngoài xã để học hỏi kinh nghiệm.

Theo anh Phú, nuôi lươn không khó, quan trọng là phải thường xuyên vệ sinh bồn chứa để đảm bảo môi trường sạch sẽ, qua đó hạn chế các loại bệnh trên lươn. Ngoài ra, cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phòng, tránh một số bệnh nguy hiểm như: sốt xuất huyết, lỡ loét… gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng lươn thương phẩm.

Điểm đặc biệt trong mô hình nuôi lươn của anh Phan Văn Phú là thay vì chọn con giống nhân tạo tại các cơ sở nhân giống, anh Phú chọn lươn giống ngoài tự nhiên.

“Mua con giống có giá từ 2.000-2.500 đồng/con, trong khi mua lươn giống ngoài tự nhiên chỉ khoảng 1.500-2.000 đồng/con. Ngoài ra, lươn giống trong tự nhiên có sức đề kháng mạnh, ít bị bệnh. Với lươn giống tự nhiên, sẽ được tiêu thụ mạnh hơn vì có màu vàng đẹp như lươn đồng, ăn lại ngon hơn” - anh Phú chia sẻ.

Anh Phú cho biết thêm, việc chọn thời gian thả con giống cũng góp phần tăng lợi nhuận. Theo đó, anh thường chọn thời điểm bắt đầu mùa nước để thả lươn giống vì thời điểm này giá sẽ rẻ hơn. Đồng thời, đây là thời điểm thức ăn cho lươn như: ốc, hến rất dồi dào, dễ tìm, chi phí nuôi cũng từ đó giảm đi rất nhiều…

Bằng sự kiên trì, quyết tâm, sau 5 năm thực hiện mô hình nuôi lươn đồng trong bể bùn đã đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh Phú. Từ 2 bồn ban đầu, hiện nay gia đình anh đã phát triển số lượng lên 5 bồn. Mỗi năm, anh Phú xuất bán 1 đợt, với khoảng 500kg lươn thịt. Lươn thịt với giá bán bình quân 120.000 đồng/kg, có năm lên đến 150.000-160.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh Phú lời trên dưới 45 triệu đồng.

Ngoài ra, anh Phú còn tập hợp thanh niên trong ấp thành lập Tổ nuôi lươn thịt với 5 thành viên là đoàn viên, hội viên tại địa phương. Mỗi đoàn viên đầu tư nuôi từ 2-3 bồn, hàng năm thu lợi từ 30-40 triệu đồng, góp phần tạo việc làm cho thanh niên. Với vai trò là thủ lĩnh thanh niên ở ấp Vĩnh Thọ, anh Phan Văn Phú thể hiện tinh thần xung kích tình nguyện, gương mẫu trong các phong trào, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Vĩnh Bình Âu Thiện Tài nhận xét: “Với đức tính hiền lành, hòa đồng và luôn vui vẻ nên Phan Văn Phú được mọi người tin yêu, đoàn viên, thanh niên tin tưởng. Phú còn được nhận nhiều giấy khen của xã, huyện hàng năm. Từ những kết quả đạt được, Phú đã góp phần to lớn vào kết quả chung của đơn vị”.

Theo Danviet.vn