1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Trả lương theo vị trí việc làm: Nếu chức lớn, lương cao...

"Không thể tồn tại mãi tư duy cứ lên vị trí cao là yên vị hưởng lương cao suốt đời được", PGS Võ Kim Sơn nhấn mạnh

Trước yêu cầu phải xây dựng vị trí việc làm để có căn cứ tuyển dụng, đánh giá và trả lương, PGS.TS. Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng việc này khó hơn "hái sao trên trời".

Ông cho biết muốn xây dựng được thang bảng lương chuẩn phải phân định rất rõ ràng giữa hai khái niệm vị trí việc làm và vị trí làm việc.

Vị trí việc làm hay vị trí làm việc rất khác nhau, nếu không phân định rõ hai khái niệm này thì không thể xây dựng được bảng lương chuẩn.

Theo vị PGS, lâu nay, chúng ta mới làm được một việc duy nhất đó là đánh giá lại vị trí làm việc của từng người hiện nay như thế nào, chứ chưa có đánh giá, báo cáo nào cụ thể về vị trí việc làm.

Trả lương theo vị trí việc làm: Nếu chức lớn, lương cao... - 1..jpg

Xác định rõ được vị trí việc làm để xây dựng bảng lương chuẩn. Ảnh minh họa

Ông nhấn mạnh, vị trí việc làm bao gồm trách nhiệm, nhiệm vụ do một người đảm nhiệm. Trong đó, vị trí việc làm luôn ứng với 1 người lao động trong thực tế và kèm theo đó sẽ là những yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá riêng. Một vị trí việc làm luôn gắn với thời điểm nhất định, tại một địa điểm xác định.

Ở Việt Nam, mọi văn bản đều quy định vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, việc xác định vị trí việc làm chưa rõ ràng, chưa gắn với các vị trí cụ thể trong tổ chức, chưa thống nhất trong các văn bản pháp lý và gây rất nhiều khó khăn, lúng túng khi đi xác định vị trí việc làm trong nền công vụ.

"Muốn xác định được vị trí việc làm thì phải trải qua một quá trình rất phức tạp, gian nan để xác định được vị trí việc làm gắn với công việc của từng người được làm và phải làm. Hiện nay do chưa rõ ràng nên có tình trạng có việc gì làm việc đó, một người ngồi vào vị trí này thì có thể làm một việc nhưng cũng có khi làm hai ba việc, thậm chí có người phải làm từ A tới Z. Đó không phải là vị trí việc làm mà mới chỉ là vị trí làm việc của từng người", PGS Võ Kim Sơn nói.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, để xác định được vị trí làm việc của từng người thì cần phải dựa trên nhiều yếu tố. Một là, phải xác định được các công việc làm cụ thể. Hai, những việc làm đó nhiều hay ít, to hay bé, đơn giản hay phức tạp. Ba, định mức cho từng công việc có hay không. Bốn, chế độ làm việc cho từng công việc cụ thể như thế nào? Trên cơ sở xác định được các tiêu chí như vậy, lúc đó mới xác định: tên gọi vị trí của từng việc làm (chức vị); nhiệm vụ và quyền hạn mà người đảm nhiệm việc làm phải thực hiện (trách nhiệm); yêu cầu về trình độ kỹ năng chuyên môn mà người đảm nhiệm vị trí việc làm phải đáp ứng (tiêu chuẩn tuyển chọn); và tiền lương (xác định dựa trên từng vị trí, từng nhiệm vụ, trách nhiệm khác nhau).

Chính vì việc xác định vị trí việc làm chưa rõ ràng, cụ thể nên việc trả lương cũng đang bị nhầm lẫn, không rõ ràng, khó có thể xây dựng được bảng lương phù hợp.

Vẫn theo vị chuyên gia, chính vì từ sự thiếu rõ ràng này đã dẫn tới những khái niệm nhầm lẫn, thiếu rõ ràng khác, đặc biệt là trong xác định vị trí việc làm gắn với chức danh để trả lương.

Ông nói rõ, vì chưa xác định được vị trí việc làm rõ ràng và đang có sự nhầm lẫn giữa vị trí việc làm với vị trí làm việc nên việc xác định chức danh để trả lương cũng bị méo mó, sai lệch.

"Chức danh, việc làm và làm việc là ba khái niệm khác nhau, không thể dựa vào chức danh để trả lương cao hay thấp, nhiều hay ít. Tôi ví dụ, một ông Vụ trưởng thì chức danh là chuyên viên hay chuyên viên chính cũng đều là tên gọi của công việc mà ông ấy sẽ phải làm. Ở vị trí đó, ông ấy có thể làm một việc nhưng cũng có thể quản lý nhiều việc vì đó là việc làm của ông ấy.

Nếu việc làm của ông ấy đơn giản, chỉ xứng đáng nhận mức lương của chuyên viên bậc 3 thì chỉ trả lương theo bậc 3, không thể dựa vào chức danh Vụ trưởng của ông ấy để trả lương theo chuyên viên bậc 1 hay bậc 2 được.

Ngược lại, nếu ông ấy làm nhiều việc, làm tốt, thì có thể thỏa thuận trả lương cao hơn cả chức danh ông ấy đang đảm nhiệm chứ không hẳn chỉ là mức lương cơ bản cho vị trí Vụ trưởng.

Không thể tồn tại mãi tư duy cứ lên vị trí cao là yên vị hưởng lương cao suốt đời được, tư duy này phải bỏ hết", PGS Võ Kim Sơn nhấn mạnh. 

Theo Lam Nguyễn/Báo Đất Việt